Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vi phạm nhỏ, hiểm họa lớn

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong những vụ TNGT nghiêm trọng, người ta đổ cho một nguyên nhân rất lớn nào đó, song thực tế, trong một số trường hợp, nguyên nhân gây ra tai nạn lại vô cùng nhỏ bé đến mức khó tin.

Chỉ vì lỗi nhỏ

Đầu tháng 7, đường Thụy Khuê khô rang vì nắng nóng, ấy vậy mà một chiếc xe đạp do một phụ nữ trung niên đi bị trượt, loạng choạng ngã ra đường. Mọi người vội ra đỡ chị dậy và được giải thích lý do đi xe không vững nên bị… giật mình vì tiếng còi của ô tô. Hóa ra, vì lý do rất nhỏ ấy đã suýt gây ra một vụ tai nạn lớn. Vậy bấm còi inh ỏi có bị phạt hay không? Câu trả lời đã có sẵn: Dù luật không cho phép tiếng còi quá to nhưng ít ai bị phạt hành vi đó.    
Vi phạm Luật Giao thông đường bộ trên cầu vượt Láng Hạ.             Ảnh:  Linh Anh
Vi phạm Luật Giao thông đường bộ trên cầu vượt Láng Hạ. Ảnh: Linh Anh
Lần khác, khi một người điều khiển xe máy đang lao nhanh đến ngã tư Lê Trực - Nguyễn Thái Học, chỉ còn cách vạch dừng vài mét, đèn chuyển sang vàng nhưng lái xe máy đó vẫn tăng tốc vượt qua đèn vàng. Rõ ràng đó là hành vi sai luật vì luật quy định: "Tín hiệu đèn vàng là phải dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp; Trong trường hợp tín hiệu vàng nhấp nháy là được đi nhưng phải giảm tốc độ, chú ý quan sát, nhường đường cho người đi bộ qua đường".

Như vậy có thể hiểu, khi đèn tín hiệu chuyển từ xanh sang vàng, nếu người tham gia giao thông đã điều khiển phương tiện đi qua vạch sơn thì có quyền đi tiếp. Còn nếu chưa đi qua vạch sơn phải dừng lại. Vi phạm này của người tham gia giao thông, nhất là xe máy trở thành một hình ảnh thường gặp trên mọi ngã tư của Thủ đô.         

Những vi phạm tưởng nhỏ nhưng không nhỏ, diễn ra mọi lúc mọi nơi trên đường phố Thủ đô. Tiếng là vi phạm nhưng nếu bị bắt gặp, người đi đường lại tặc lưỡi cho qua, còn CSGT cũng dễ… bỏ qua, vì những vi phạm đó… quá nhỏ. Một số người tham gia giao thông kiểu "ba không" (không gương, không xi nhan khi rẽ, không bật đèn khi trời tối) nhưng luôn gãi đầu gãi tai phân bua với CSGT nếu bị nhắc nhở: "Lỗi nhỏ mà, anh tha cho em, lần sau em sẽ không tái phạm". Nhưng vì đó là "lỗi nhỏ" nên người đi đường vẫn cứ mắc phải hàng ngày.          

Không ít lần, chỉ vì những vi phạm nhỏ mà để lại hậu quả nghiêm trọng. Người viết không ít lần chứng kiến những vụ tai nạn hoặc ùn tắc mà nguyên nhân vì những vi phạm nhỏ như xe không gương nên không quan sát được phía sau dẫn đến va chạm, trời tối không bật đèn nên không quan sát được viên gạch trên đường… Những vi phạm nhỏ đó không chỉ khiến người tham gia giao thông trên đường ức chế mà còn khiến lực lượng CSGT vất vả hơn trong việc xử lý vi phạm.

Nhìn chung, ở vị trí của CSGT khá khó xử khi gặp những vi phạm này. Không chỉ bị "năn nỉ ỉ ôi", một số người vi phạm nhỏ còn tìm mọi cách chống đối từ to tiếng, gọi điện thoại cho người thân đến bỏ chạy. Tất cả những hiện tượng đó làm khó khăn thêm cho chúng ta khi có quá nhiều vi phạm nhỏ xảy ra trong TP.

Phạt hay không phạt, đuổi hay không đuổi? 

Trước tiên, phải nói rằng, việc giảm thiểu, thậm chí chỉ hạn chế bớt các lỗi vi phạm nhỏ của người tham gia giao thông là việc khá khó khăn, nếu không muốn nói là rất khó. Khó bởi nhiều lẽ, nhưng nguyên nhân chủ yếu vẫn là ý thức quá kém của một bộ phận người tham gia giao thông. Tuy chỉ là vi phạm nhỏ nhưng một số người tham gia giao thông vẫn sẵn sàng bỏ chạy khi bị CGST phát hiện.

Sự việc CSGT Hà Nội truy đuổi tài xế taxi hơn 7km do phạm luật đã gây nên nhiều ý kiến trái chiều trong cộng đồng: "Nên truy đuổi hay không, khi đường phố đông đúc". Rõ ràng, đó là bài toán khó, không thể giải quyết ngày một ngày hai. Nếu lỗi vi phạm nghiêm trọng, tất nhiên phải truy đuổi đến cùng, nhưng nếu lỗi vi phạm nhỏ nhưng người vi phạm vẫn bỏ chạy thì chúng ta phải tìm những cách khác để vừa truy cứu được trách nhiệm của người vi phạm, vừa không gây nguy hiểm cho người đi đường. Phạt nguội có thể là một giải pháp, nhưng không phải lúc nào hành vi phạm luật cũng bị camera quan sát được, hoặc bị ghi lại biển số.     

Theo quy định, khi người điều khiển phương tiện bị CSGT yêu cầu dừng xe phải chấp hành hiệu lệnh. Nhưng tâm lý mình chỉ vi phạm nhỏ đã khiến người vi phạm "tự tin" hơn trong việc bỏ chạy và tung ra đủ mọi chiêu trò khi bị bắt. Bản thân lực lượng CSGT cũng có quy định khi nào được truy đuổi, đó là chỉ khi người điều khiển phương tiện có dấu hiệu phạm tội hoặc mắc lỗi nghiêm trọng thì mới được quyền truy đuổi. Với điều kiện đường sá đông đúc như Hà Nội, việc truy đuổi đúng là phải hạn chế tối đa, nhất là đối với những lỗi không nghiêm trọng. Đó chính là kẽ hở để một bộ phận người vô ý thức lợi dụng khi vi phạm luật giao thông.       

Để giảm thiểu những hành động thiếu ý thức dẫn đến vi phạm luật giao thông, cho dù rất nhỏ, chúng ta cần tiến hành đồng thời cả hai biện pháp kiên quyết xử phạt và giáo dục, hướng dẫn. Một số ý kiến của người tham gia giao thông cho rằng, nếu CSGT chỉ chăm chăm vào xử phạt mà coi nhẹ hướng dẫn cho người vi phạm thì họ sẽ nảy sinh tâm lý "sợ CSGT" nên lần sau dù tham gia đúng luật nhưng họ vẫn sợ CSGT mà bỏ chạy, đây là ý kiến có phần đúng vì tâm lý "sợ CSGT" vẫn hiện hữu trong một số người thiếu ý thức, vì họ thường xuyên vi phạm nên cứ thấy CSGT là sợ, sẵn sàng tâm lý bỏ chạy.

Song song với việc kiên quyết xử phạt dù lỗi nhỏ, việc giáo dục ý thức giao thông tại nơi sinh sống là hết sức cần thiết để tránh xảy ra những vi phạm nhỏ. Người tham gia giao thông đều có sự tự tôn của mình, nên việc phát động những phong trào ở nơi sinh sống, nơi làm việc là việc làm cần thiết nhưng chưa được chú ý nhiều. Cần tích cực tổ chức những đợt tuyên truyền về các vi phạm luật giao thông trong các cơ quan, đoàn thể, để mọi người hiểu rằng vi phạm dù nhỏ cũng có thể dẫn đến tai nạn nghiêm trọng, ảnh hưởng đến chính cuộc sống và công việc của họ.