Vi phạm trong hoạt động quảng cáo: Không thể đổ lỗi cho chế tài

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Chiều 17/10, UBND TP Hà Nội đã sơ kết 3 năm thực hiện Quyết định số 94/2009/QĐ-UBND về việc ban hành Quy chế quản lý hoạt động quảng cáo (QC), Kế hoạch số 167/KH-UBND về quản lý, tổ chức hoạt động quảng cáo rao vặt (QCRV); định hướng thực hiện Luật Quảng cáo trên địa bàn thành phố.

Thẳng thắn với vi phạm

Với bộ mặt đô thị nhếch nhác vì QC, năm 2009, Hà Nội đã ban hành Quyết định số 94 và Kế hoạch 167 nhằm chấn chỉnh, quản lý hoạt động QC. Sau 3 năm ban hành, bên cạnh những kết quả đạt được như: Điều chỉnh 100 biển QC tấm lớn theo quy định của Quy chế quản lý hoạt động QC, 29 quận huyện đồng loạt ra quân bóc, xóa QCRV, phát hiện nhiều vi phạm gây mất mỹ quan… thì từ hoạt động QC tấm lớn, đến QCRV vẫn cứ làm nhà quản lý đau đầu.

 Vi phạm trong hoạt động quảng cáo: Không thể đổ lỗi cho chế tài - Ảnh 1

Tình trạng vi phạm trong hoạt động quảng cáo, rao vặt xuất hiện trở lại do các cơ quan quản lý các cấp thiếu quyết tâm trong chấn chỉnh vi phạm. Ảnh: Linh Anh

Theo nhận định của nhiều đại biểu, chưa bao giờ có một bản báo cáo tổng kết dài 20 trang tại hội nghị này. Hàng loạt địa chỉ vi phạm được "điểm mặt chỉ tên". Chỉ tính riêng trong năm 2012, qua lần kiểm tra xác suất 108 biển QC nhỏ ở 6 quận, chỉ 6 biển thực hiện đúng quy định, còn 51 biển sai nội dung giấy phép, chưa kể 47 biển không phép, 4 biển không có nội dung. Những con số này cho thấy, biển QC thực hiện đúng quy định chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đặc biệt, trong lĩnh vực QC tấm nhỏ, vi phạm gần như có hệ thống. Sở VHTT&DL đã chỉ ra 11 quận, huyện có điểm vi phạm tồn tại "lâu năm": Quận Ba Đình có 2 biển QC ngoài quy hoạch tại bãi đỗ xe Ngọc Khánh tồn tại từ năm 2007; quận Đống Đa có 1 biển sai phạm tại khuôn viên khách sạn Kim Liên. Các huyện ngoại thành, tình trạng vi phạm xảy ra tràn lan. Nếu như ở nội thành, mỗi quận chỉ có 1 - 2 công ty vi phạm trây ỳ, thì huyện Từ Liêm có đến 8 biển vi phạm, Phú Xuyên 4 biển vi phạm, Quốc Oai có 6 biển vi phạm trên Đại lộ Thăng Long.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng: "Trong năm 2010 và 2011, hoạt động quản lý QCRV được thực hiện tốt. Tuy nhiên, từ đầu năm 2012 trở lại đây, tình trạng vi phạm QCRV xuất hiện trở lại bởi cơ quan quản lý các cấp không quyết tâm và khẩn trương chấn chỉnh vi phạm". Chính vì vậy, các trạm điện, cột điện ở đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân), Trần Phú (Hà Đông), Lê Thanh Nghị, Kim Ngưu (Hai Bà Trưng), Ỷ Lan (huyện Gia Lâm)… áp phích QC của hãng taxi, phòng khám tư vẫn "tụ hội" thường xuyên.

Xây dựng tuyến đường mẫu về quảng cáo

Rất nhiều lý do được lãnh đạo quận, huyện giải thích cho việc chưa quản lý hiệu quả hoạt động QC. Theo bà Nguyễn Thị Vân Khanh, Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy: "Quận Cầu Giấy có số lượng nhà cao tầng phát triển đến chóng mặt. Hơn nữa, trong thời điểm lạm phát, hoạt động kinh doanh của các cửa hàng liên tục thay đổi nên số lượng QCRV năm 2012 tăng gấp 5 đến 10 lần so với năm trước". Phía quận Đống Đa lại cho rằng, chế tài chưa đủ mạnh và chặt để phạt những đối tượng vi phạm. "Những đối tượng thực hiện hành vi vi phạm QCRV thường là những người chưa đủ tuổi vị thành niên nên không giữ được quá 24 giờ. Nếu phạt họ bằng cách đi quét sơn xóa QCRV thì lại cần 1 - 2 người đi theo giám sát" - bà Hà Thị Nhung, Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa cho biết.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng: "Không thể đổ lỗi cho văn bản quy định hay chế tài bất cập. Chúng ta phải đặt câu hỏi tại sao cũng những quyết định này, văn bản này, hoạt động QCRV đã từng được quản lý tốt. Trong năm 2012 vi phạm tái xuất hiện là do công tác lãnh đạo của các cấp quận, huyện chưa thực sự quan tâm. Tại sao quận Long Biên, thị xã Sơn Tây quản lý tốt các hoạt động này, các quận, huyện khác lại không hoàn thành. Nếu lãnh đạo UBND quận, huyện... quan tâm, đưa vào nhiệm vụ trọng tâm sẽ có cách để giải quyết".

UBND TP rất quan tâm chỉ đạo quản lý hoạt động QC trên địa bàn TP. Các văn bản, chỉ đạo, hội nghị liên quan đến quản lý hoạt động QC liên tục được thực hiện. Sau khi Quyết định số 94 và Kế hoạch 167 ra đời để UBND các cấp triển khai đến từng hệ thống, nên việc quản lý hoạt động QC đã có chuyển biến hơn so với trước. Tuy nhiên, để chấn chỉnh những mặt chưa hiệu quả, hướng đến việc thực hiện Luật Quảng cáo trên địa bàn, Phó Chủ tịch yêu cầu: "Các đơn vị liên quan rà soát lại quy hoạch QC tấm lớn, tấm nhỏ và lắp đặt biển QCRV miễn phí. Thực hiện tốt kế hoạch quản lý theo từng tháng cho đến khi Luật Quảng cáo chính thức có hiệu lực thi hành. Mỗi địa phương phải xây dựng một tuyến đường mẫu về QC...". Mục tiêu được đưa ra trên phương châm không để ban, ngành nào “vô cảm” với công tác quản lý QC.