Vi phạm trong hoạt động vận tải: Tăng chế tài có tính răn đe

Vũ Khoa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc quản lý hoạt động vận tải được các lực lượng chức năng chia sẻ vẫn đang gặp khó khăn vì tài xế vi phạm thường có nhóm, hội để báo vị trí chốt trực nhằm trốn tránh.

Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, cần có biện pháp mạnh hơn, tăng tính răn đe nhằm đảm bảo trật tự, ATGT trên các tuyến phố Hà Nội.

Tổ công tác Đội CSGT số 4 xử lý xe Limousine vi phạm tại khu vực cổng Rạp xiếc Trung ương. Ảnh: Vũ Khoa  
Tổ công tác Đội CSGT số 4 xử lý xe Limousine vi phạm tại khu vực cổng Rạp xiếc Trung ương. Ảnh: Vũ Khoa  

Khó xử lý

Đi theo các tổ tuần tra, xử lý vi phạm tại những điểm nóng về vi phạm trật tự ATGT, phóng viên mới hiểu hơn những khó khăn, thách thức mà lực lượng CSGT các đội địa bàn thường xuyên gặp phải. Đơn cử tại khu vực cổng Rạp xiếc Trung ương (phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng). Điểm này thường xuyên bị người dân phản ánh về tình trạng xe Limousine nối đuôi nhau hoặc dàn hàng hai, hàng ba đón, trả khách gây ảnh hưởng đến các phương tiện khác lưu thông, khiến nguy cơ về TNGT gia tăng.

Để đảm bảo hoạt động đi lại của người dân, cũng như phòng, chống phát sinh điểm xe dù, bến cóc, Đội CSGT đường bộ số 4 – Phòng CSGT Công an TP Hà Nội đã tăng cường các tổ công tác tuần tra lưu động và xử phạt với trường hợp vi phạm.

Tuy nhiên, việc xử lý vẫn khó triệt để vì các tài xế khi trông thấy lực lượng chức năng luôn có cách trốn tránh. Bằng điện thoại, mạng xã hội zalo, facebook… các tài xế có thể thông tin với nhau về sự xuất hiện của lực lượng chức năng, vị trí chốt để kịp thay đổi điểm đón, trả khách, tránh bị xử phạt. Do đó, việc lập biên bản xử phạt dù có cũng chỉ rất nhẹ, như dừng xe cách lề quá 0,25m.

Theo ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị tại khu vực công Rạp xiếc Trung ương, tình hình giao thông chỉ ổn định khi có mặt tổ công tác Đội CSGT số 4 và nhộn nhịp trở lại ngay sau khi lực lượng rời đi.

Tương tự, tại khu vực ngã tư Nhổn - Cầu Diễn (quận Bắc Từ Liêm) thuộc địa bàn quản lý của Đội CSGT đường bộ số 6, vốn bị phản ánh rất nhiều về tình trạng xe trọng tải lớn chở vật liệu xây dựng gây ô nhiễm, làm rơi cát, đất khiến mặt đường thường xuyên bụi bặm, trơn trượt mất ATGT.

Để kịp thời phát hiện phương tiện vi phạm, thay vì lập chốt cố định, Đội CSGT số 6 đã sử dụng biện pháp lưu động, bắt quả tang các trường hợp không thực hiện đúng quy định. Dù vậy, số trường hợp bị xử lý cũng rất hạn chế vì hoạt động của tổ công tác nhanh chóng được các tài xế thông tin cho nhau.

Đổi mới phương pháp giám sát

Nói về vấn đề này, chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng cho rằng, đã đến lúc cần tăng cường biện pháp nghiệp vụ trong giám sát, xử lý vi phạm trong lĩnh vực hoạt động giao thông vận tải để nhằm tăng tính răn đe, đảm bảo trật tự ATGT trên các tuyến phố của Hà Nội. Trong đó, việc tăng cường cán bộ CSGT mặc thường phục nhằm phát hiện, ghi hình làm căn cứ xử lý vi phạm là một trong những biện pháp có tính khả thi.

Theo luật sư Diệp Băng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh thông luật, hiện nay, việc kiểm soát công khai, kết hợp hóa trang của lực lượng Công an đã được quy định tại khoản 3, Điều 9 Thông tư 01/2016/TT-BCA. Về thẩm quyền, cảnh sát chỉ được được thực hiện hóa trang khi khi được trưởng phòng CSGT hoặc trưởng công an cấp huyện trở lên có kế hoạch cụ thể và phải kết hợp với tổ tuần tra, kiểm soát công khai.

Kế hoạch tuần tra, kiểm soát được người có thẩm quyền quy định, có nội dung kế hoạch phải nêu rõ phương pháp thực hiện, lực lượng, phương thức liên lạc, thời gian, địa bàn và các thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được sử dụng để tuần tra, kiểm soát. Tổ tuần tra, kiểm soát phải bố trí một bộ phận cán bộ trong tổ để hóa trang (mặc thường phục) thực hiện nhiệm vụ giám sát tình hình trật tự giao thông, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm và thông báo ngay cho bộ phận tuần tra, kiểm soát công khai.

Mặt khác, để đảm bảo sự an toàn của người dân, tránh những trường hợp giả mạo lực lượng mặc thường phục, Công an TP cũng đã có khuyến cáo để người dân khi lưu thông trên đường nhận biết. Cụ thể, cán bộ công an mặc thường phục khi phát hiện vi phạm bao giờ cũng phải trình thẻ ngành, giới thiệu bản thân, thông báo lỗi để người vi phạm nhận biết, hợp tác. Kế hoạch hoạt động cũng luôn có sự phối hợp cùng công an địa bàn sở tại, để sau khi nhận bàn giao đối tượng, tang vật vi phạm, đơn vị tiếp tục xác minh, xử lý theo quy trình, không lập biên bản và xử lý vi phạm ngoài đường.

 

Biện pháp hóa trang, mặc thường phục được Công an TP áp dụng trong xử lý vi phạm về giao thông thời gian qua đã đạt hiệu quả cao. Nếu tiếp tục tăng cường cách làm này trong giám sát hoạt động vận tải, tôi cho rằng sẽ đạt được kết quả tích cực.

Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng