Vì sao chỉ ngân hàng, bất động sản "ham" phát hành trái phiếu?

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - "Hiện, chúng ta phải kiểm điểm một cách khách quan rằng, tổng khối lượng trái phiếu phát hành thì phần lớn là ngân hàng và bất động sản. Còn đại bộ phận các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam chưa dám mơ tới thị trường này".

Đối thoại chuyên đề "Bước ngoặt thị trường trái phiếu doanh nghiệp sau Nghị định 65/2022/NĐ-CP" do VnEconomy tổ chức 
Đối thoại chuyên đề "Bước ngoặt thị trường trái phiếu doanh nghiệp sau Nghị định 65/2022/NĐ-CP" do VnEconomy tổ chức 

Đó là ý kiến của TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia tại Đối thoại chuyên đề "Bước ngoặt thị trường trái phiếu doanh nghiệp sau Nghị định 65/2022/NĐ-CP" do VnEconomy tổ chức ngày 30/9.

Doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa dám mơ phát hành trái phiếu

Ông Lê Xuân Nghĩa cho biết, muốn gửi đến các cơ quan quản lý 1 tầm tư duy chiến lược. Việc đại bộ phận các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam chưa dám mơ tới thị trường TPDN chính là khiếm khuyết của thị trường trái phiếu. Tại sao lại như vậy? "Thứ nhất là lãi suất quá cao. Thứ 2 là kỳ hạn quá ngắn. Thứ 3 là thủ tục rườm rà, phức tạp. Thế bây giờ làm sao vốn từ kênh trái phiếu chảy được vào các doanh nghiệp chế biến chế tạo? Thì mới là vấn đề lớn, quan trọng"- ông Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh.

Để thị trường này phát triển bền vững hơn, vị chuyên gia này cho rằng, cần làm hai việc là kỳ hạn trái phiếu phải dài và lãi suất phải thấp.

Muốn như vậy phải có 3 điều kiện tiên quyết. Đó là phát hành ra công chúng phải mạnh. Chỉ có ra công chúng mạnh mới làm tăng niềm tin thị trường. Niềm tin lớn mới hạ được lãi suất xuống và kéo dài được kỳ hạn.

Thứ hai là phải có hệ thống xếp hạng tín nhiệm khách quan và chuẩn xác, cũng để tạo niềm tin cho nhà đầu tư. Khi người ta tin người ta mới mua dài hạn và lãi suất thấp.

Ba là thị trường thứ cấp. Không có thị trường thứ cấp thì không kéo dài kỳ hạn được. Đơn cử, thị trường thứ cấp Nhật Bản, không sôi động như thị trường cổ phiếu nhưng khi cần bán là có ngay các giao dịch, đàm phán, thoả thuận 1 vài ngày sau là bán được.

Ba điều kiện tiên quyết để có thị trường trái phiếu cho doanh nghiệp sản xuất vừa và nhỏ chứ không chỉ ngân hàng và bất động sản. Đó là tư duy chính sách dài hạn cần hướng tới.

Nhà đầu tư chọn khẩu vị rủi ro, phải tự chịu trách nhiệm

Tại đối thoại, các chuyên gia cho rằng, Nghị định 65 đã bổ sung cơ chế chính sách để nâng cao tính chuyên nghiệp, tính minh bạch và tính tự chịu trách nhiệm trong việc tham gia thị trường. Mà ở đây tương đối toàn diện bao gồm tổ chức phát hành, nhà đầu tư, tổ chức trung gian và cơ quan quản lý (từ Ủy ban Chứng khoán, Bộ Tài chính, HNX, VDS trong việc tạo dựng cơ sở hạ tầng lưu ký cũng như như giao dịch trái phiếu phát hành riêng lẻ trên thị trường trong thời gian tới).

Sửa đổi rất quan trọng, quy định trách nhiệm đối với chính bản thân nhà đầu tư, tức là khi tham gia thị trường phải có trách nhiệm tìm hiểu thông tin (không phải chỉ gắn với trách nhiệm của nhà đầu tư không, mà còn gắn với trách nhiệm của tổ chức tư vấn phát hành trái phiếu cũng như đại lý phát hành, xác nhận nhà đầu tư chuyên nghiệp). Tất cả phải cùng hợp sức để cung cấp, minh bạch hóa thông tin.

Ông Đỗ Ngọc Quỳnh - Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam cho biết, thị trường quan trọng nhất là tính minh bạch. Còn rủi ro thì trên thị trường có nhiều khẩu vị cao thấp khác nhau.

Tùy theo "khẩu vị" họ chọn thì không thể cấm người ta được, nhưng khi họ chấp nhận "khẩu vị" rủi ro đó thì họ phải chịu trách nhiệm, chịu trách nhiệm trên cơ sở minh bạch, không được phép tạo ra cơ chế mà để người lợi dụng sự không minh bạch (bất cân xứng thông tin) để tạo ra sự hiểu lầm, tạo ra nhận định, đánh giá sai dẫn đến việc thiệt hại của các bên tham gia thị trường. "Việc sửa đổi Nghị định 65 lần này, tôi nghĩ đưa phát hành riêng lẻ về đúng bản chất, đặc biệt tăng tính chuyên nghiệp, tính tự chịu trách nhiệm của các thành phần tham gia thị trường"- ông Đỗ Ngọc Quỳnh nói.

Về khả năng "hô biến" thành nhà đầu tư chuyên nghiệp, ông Nguyễn Quang Thuân - Chủ tịch HĐQT Fiin Group cho rằng, với các quy định hiện tại, riêng về năng lực tài chính, phải có 2 tỷ tiền mặt và duy trì trong 180 ngày thì cơ hội lách cực kỳ khó. Nếu giả định nhà đầu tư đó không có đồng nào và phải chạy qua đêm như trước kia xảy ra thì phải có 360 tỷ đồng. Đó là điều hầu như không thể diễn ra với nhà đầu tư cá nhân. Thế nên rất khó để lách.

Nhìn rộng ra, trước mắt sẽ ảnh hưởng cầu trái phiếu trong ngắn hạn.

Bởi vì theo thống kê của Bộ Tài chính, số dư cuối tháng 7 cả thứ cấp và mua trực tiếp thông qua phân phối, nhà đầu tư cá nhân chiếm khoảng 32%/tổng khối lượng trái phiếu đang lưu hành.

Rất khó đối với Nghị định 65 ban hành có thể kỳ vọng nhà đầu tư cá nhân tham gia nắm giữ 20% khối lượng phát hành chứ không nói đến 32%. Tuy nhiên, vừa rồi, các doanh nghiệp cũng tự nguyện mua lại trái phiếu trước hạn, nhà đầu tư tâm lý bất ổn tâm lý, sợ rủi ro sau vụ Tân Hoàng Minh nên cũng bán sớm và chính vì thế các công ty chứng khoán nhảy vào kinh doanh kỳ hạn trái phiếu.

Về tương lai thị trường trái phiếu sau Nghị định 65, các chuyên gia cho rằng, đây là liều thuốc tâm lý, từng bước nhà đầu tư cá nhân sẽ tham gia trở lại. "Các thành phần nhà đầu tư khác, đặc biệt là định chế tài chính phi ngân hàng, chúng tôi cũng đang trao đổi rất nhiều với các định chế trên toàn thế giới, họ cũng rất quan tâm"- ông Nguyễn Quang Thuân nói.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần