Vì sao chợ truyền thống Trung Hòa đìu hiu?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau gần 2 tháng đi vào hoạt động, nhưng đến nay tình trạng kinh doanh trong Chợ truyền...

Kinhtedothi - Sau gần 2 tháng đi vào hoạt động, nhưng đến nay tình trạng kinh doanh trong Chợ truyền thống Trung Hòa tại tầng bán hầm tòa nhà Eurowindow MultiComplex, số 27, đường Trần Duy Hưng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy vẫn trong cảnh khá đìu hiu.

Theo ghi nhận của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị xảy ra tình trạng này bởi rất nhiều lý do.
Cửa hàng kinh doanh gạo của anh Nguyễn Tiến Thuận. 	Ảnh: Nguyên Dương
Cửa hàng kinh doanh gạo của anh Nguyễn Tiến Thuận. Ảnh: Nguyên Dương
Như báo Kinh tế & Đô thị đã từng phản ánh, Chợ Trung Hòa được xây dựng trong tòa nhà văn phòng chung cư hiện đại với vị trí thuận lợi, được vận hành theo mô hình chợ truyền thống... Tuy nhiên, hiện các hộ vào kinh doanh tại chợ lẫn người tiêu dùng không mặn mà vào kinh doanh, mua sắm.

Không mặn mà

Trưởng ban Quản lý chợ truyền thống Trung Hòa Thái Thị Thanh Hà cho biết, chợ có 242 gian hàng nhưng hiện mới có 100 tiểu thương vào kinh doanh, trong đó mới chỉ có 80 gian hàng thường xuyên hoạt động. Không hiểu sao giờ này chính quyền phường chưa giải tỏa được chợ cóc, chợ tạm xung quanh khu vực chợ. Về phía Ban quản lý tiếp tục miễn tất cả các loại phí cho các hộ đến kinh doanh tại đây, còn các hộ có ki ốt nhưng không vào kinh doanh sẽ thu phí thuê; Vận động, ra thông báo, gọi điện nhưng đa số các tiểu thương trả lời chuẩn bị sắp xếp vào bán hàng, một số thì kêu lý do không bán được hàng, bao giờ chợ đông khách sẽ vào đây kinh doanh.

Phản ánh về tình cảnh của chợ, anh Nguyễn Tiến Thuận kinh doanh gạo cho biết, tôi vào đây kinh doanh gạo được hơn một tháng nhưng chưa bán được một cân gạo nào. Chủ yếu vẫn bán qua điện thoại cho các khách hàng quen từ trước. Còn ông Nguyễn Đông Hải kinh doanh quần áo cho rằng, hàng bán ế và chẳng có ai vào mua. "Đề nghị Ban Quản lý cũng như chính quyền địa phương có biện pháp giải tỏa dứt điểm chợ cóc, chợ tạm. Hy vọng lúc đó các tiểu thương vào đây kinh doanh sẽ thu hút được người tiêu dùng đến mua hàng" - anh Hải nói.

Trong khi đó, chủ một ki ốt bán rau cho biết, vì có ki ốt nên vẫn phải hoạt động, nhưng cả ngày chẳng bán được vì người dân vào đây mua thực phẩm cho gia đình, đến cửa hàng mua rau xong không có cửa hàng bán thịt, cá... nên lại phải mất công đi chỗ khác mua. Điều đó cũng là một trong những nguyên nhân chợ mới vắng tanh vắng ngắt thế này. Nếu Ban Quản lý và các ngành chức năng không có biện pháp thì tình hình kinh doanh của chợ khó mà cải thiện được.

Chính quyền nói gì?

Trước thực tế tình hình kinh doanh tại Chợ truyền thống Trung Hòa, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã đi một vòng khảo sát các chợ cóc, chợ tạm quanh khu vực và nhận thấy, ngay tại ngõ 10, phố Nguyễn Thị Định ngay bên cạnh tòa nhà Eurowindow MultiComplex tình trạng chợ cóc vẫn chưa được dẹp bỏ, hàng hóa bày tràn lan trên cả vỉa hè, chiếm cả lối của người đi bộ. Còn tại chợ tạm trên đường Trung Kính hoạt động bán mua vẫn diễn ra tấp nập.

Đem sự việc này trao đổi với ông Nguyễn Hải Đăng – Phó Chủ tịch UBND phường Trung Hòa, ông Đăng cho biết, có hai luồng dư luận về việc vào chợ kinh doanh. Một là, đối với các tiểu thương đồng thuận vào Chợ truyền thống Trung Hòa kinh doanh rất mong dẹp các chợ tạm tại phố Trung Kính. Hai là, các hộ chưa đồng thuận đưa ra yêu cầu do chủ đầu tư không bố trí chợ đúng như cam kết, chưa đủ điều kiện kinh doanh nên phải miễn tiền thuê ki ốt trong 3 năm. Trách nhiệm của phường là chủ động mời các đơn vị chức năng kiểm tra tiện ích chợ, thẩm định lại chợ truyền thống Trung Hòa về đảm bảo môi trường, phòng chống cháy nổ và giải quyết đơn thư của các hộ kinh doanh...

Lý giải về việc để xảy ra tình trạng chợ cóc còn tồn tại, Phó Trưởng Công an phường Trung Hòa Chu Đình Cường cho biết, khi Chợ truyền thống Trung Hòa đi vào hoạt động, Công an phường đã ra quân xử lý, cắm chốt từ 6 giờ 30 đến 10 giờ hàng ngày khu vực chợ cóc tại ngõ 10, Nguyễn Thị Định nhưng thực tế khi lực lượng chức năng rời đi, tình trạng vi phạm lại tái diễn. Ngay trong sáng 25/6, thực hiện tuần cao điểm xử lý ATTP, nhất là hàng tươi sống, gia cầm… tại ngõ 10, Nguyễn Thị Định, vào lúc 4 giờ sáng, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị theo chân lực lượng Công an phường và Đội Cảnh sát môi trường (Công an quận Cầu Giấy) và ghi nhận đã có gần chục trường hợp bị xử lý. Được biết, lực công an phường tới đây sẽ duy trì cắm chốt 24/24 giờ tại hai đầu chợ để xử lý nghiêm những vi phạm, tiến tới dẹp bỏ hẳn chợ cóc. Ông Cường cho biết thêm, một nguyên nhân khác khiến cho chợ Trung Hòa đìu hiu là do việc bố trí chưa thực sự hợp lý, rất bí nếu tất cả các hộ vào kinh doanh kín tại chợ, cộng với lượng người đến mua sắm sẽ rất khó đảm bảo và rất có thể xảy ra những vấn đề khác.

Từ thực tế tình hình kinh doanh tại Chợ truyền thống Trung Hòa cho thấy, nhằm kích cầu và để hoạt động kinh doanh của các tiểu thương đạt hiệu quả, đề nghị chính quyền địa phương cần xử lý dứt điểm các chợ cóc, sớm giải tỏa chợ tạm. Bên cạnh đó, ngoài công tác tuyên truyền, quảng bá để người dân biết và thay đổi thói quen tiêu dùng... Ban quản lý chợ rất cần tiếp tục có sự cải tiến, sắp xếp các ki ốt kinh doanh tại chợ một cách hợp lý, chủ động các giải pháp nhằm tạo sự ủng hộ của các hộ kinh doanh và người dân.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần