Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vì sao Đại lộ Thăng Long ngập úng khi mưa lớn?

Vân Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong đợt mưa lớn vừa qua, tại khu vực nội thành không xuất hiện các điểm ngập úng, song ở một số nơi như Đàm Quang Trung - Cổ Linh (quận Long Biên), đặc biệt là tuyến Đại lộ Thăng Long… tình trạng ngập úng vẫn diễn ra khá nghiêm trọng. Vậy, đâu là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng trên?

Công nhân thoát nước tổ chức hướng dẫn giao thông tại điểm ngập úng trên tuyến Đại lộ Thăng Long trong ngày 11/10.
Đại diện Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết, trong đợt mưa do ảnh hưởng bão số 7, tại các khu vực nội thành, đặc biệt là dọc theo lưu vực sông Tô Lịch tình trạng ngập úng cơ bản được kiểm soát, đảm bảo việc đi lại của người dân và các phương tiện. Tuy nhiên, tại lưu vực sông Cầu Bây, mực nước dâng cao (tại đập Trại Lợn 4,18m, cống Xuân Thụy ra sông Bắc Hưng Hải 2,40) nên trên địa bàn quận Long Biên xuất hiện một số điểm úng ngập như khu vực Đàm Quang Trung - Cổ Linh với mức độ ngập khoảng 10cm khiến việc di lại của người dân gặp khó khăn.
Song, trong mưa trên, tình trạng úng ngập diễn ra nghiêm trọng nhất là lưu vực sông Nhuệ. Theo lãnh đạo Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, trong khoảng thời gian này, lượng mưa lớn kéo dài đã khiến mực nước trên sông Nhuệ dâng cao hơn so với quy định (tại trạm bơm Đồng Bông 1 là 5,41m, cống Hà Đông 4,85m, trạm bơm Yên Nghĩa 4,38m) khiến khu vực này xuất hiện điểm úng ngập tại phố Phan Văn Trường, các hầm chui dân sinh trên Đại lộ Thăng Long, Triều Khúc… với mức độ úng ngập từ 10 - 20cm.
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, các chuyên gia trong lĩnh vực thoát nước cho rằng, hiện nay, việc tiêu thoát tại lưu vực sông Nhuệ và sông Cầu Bây hoàn toàn theo chế độ tự chảy, mực nước các sông dâng cao, thậm chí có thời điểm xuất hiện tình trạng chảy ngược (nước từ sông chảy vào hệ thống thoát nước) khiến nước mưa không kịp tiêu thoát, làm xuất hiện các điểm ngập úng.
Ví như điểm úng ngập trên tuyến Đại lộ Thăng Long, bình thường khi mực nước trên sông Nhuệ thấp, lượng nước mưa phát sinh tại khu vực như quận Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm và một phần quận Thanh Xuân (lưu vực sông Nhuệ) sẽ tự chảy ra sông Nhuệ. Tuy nhiên, khi có mưa lớn, lượng nước trên sông Nhuệ tăng cao, nước mưa không thể chảy vào sông Nhuệ làm xuất hiện các điểm ngập úng.
  Công nhân thoát nước tổ chức hướng dẫn giao thông tại điểm ngập úng trên tuyến Đại lộ Thăng Long trong ngày 11/10.

Để giảm thiểu thời gian úng ngập tại khu vực này, hiện không còn cách nào khác là vận hành tối đa các máy bơm tại trạm bơm Yên Nghĩa, Khê Tang... để nhanh chóng đưa nước từ sông Nhuệ ra sông Đáy. Song, hiện nay, trạm bơm Yên Nghĩa, trạm Đông Trù mới chỉ đáp ứng được một phần nhỏ lượng nước phát sinh trong những ngày mưa bão, trong khi đó, các dự án có tính chất “sống còn” lại chậm triển khai, vẫn nằm trên giấy.
"Hệ thống tiêu thoát nước tại lưu vực sông Nhuệ phụ thuộc chính vào sông Nhuệ và các tuyến kênh mương, cửa phai, trạm bơm nông nghiệp do Sở NN&PTNT và các công ty thủy lợi quản lý vận hành. Vì vậy, để giảm thiểu tình trạng ngập úng tại khu vực Đại lộ Thăng Long, TP Hà Nội cần chỉ đạo Sở NN&PTNT và các đơn vị có liên quan chủ động, nhanh chóng vận hành các tuyến kênh mương, trạm bơm do đơn vị quản lý để giảm mực nước cho sông Nhuệ khi có mưa lớn. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ các dự án cải tạo hạ tầng tiêu thoát nước đề giải quyết các bất cập còn tồn tại trên hệ thống thoát nước nói chung và khu vực lưu vực sông Nhuệ, Cầu Bây nói riêng" - một chuyên gia phân tích.