Vì sao doanh nghiệp bất động sản tăng lãi suất phát hành trái phiếu?

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

KInhtedothi - Số liệu thống kê của Công ty chứng khoán SSI, từ đầu năm 2021 đến nay lượng phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản (DN BĐS), chiếm tới trên 60% tổng lượng phát hành trái phiếu của các DN trên toàn thị trường.

Theo đó, lãi suất trái phiếu huy động bình quân của các DN BĐS hiện đang cao nhất thị trường, ở mức từ 9,7 – 11%/năm, với thời hạn kéo dài từ 3,26 – 3,8 năm. Một số DN có mức lãi suất phát hành trái phiếu cao, như: Sunshine Group gọi vốn với lãi suất 11%/năm, Novaland với lãi suất 10,5%… Đáng chú ý nhất là Tập đoàn Apec Group với trái phiếu Happybond có tài sản đảm bảo lãi suất tới 13%/năm được đảm bảo bởi các BĐS cao cấp tại một số TP lớn.
Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế T.Ư PGS. TS Trần Kim Chung cho biết, thị trường trái phiếu DN, đặc biệt là DN BĐS đang phát triển sôi động, thể hiện nhu cầu vốn dài hạn của DN là rất lớn, trong khi việc vay vốn tại các ngân hàng không dễ dàng, do DN chưa thực sự hồi phục sau đại dịch. Hệ thống ngân hàng sẽ kiểm tiếp tục soát chặt tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như BĐS, chứng khoán. Vì vậy, nhu cầu huy động vốn qua kênh trái phiếu của DN BĐS vẫn khá cao, đặc biệt là những DN bị hạn chế về tài sản đảm bảo cho các khoản vay, điều đó đã khiến cho nhiều DN BĐS tăng mạnh về cả giá trị phát hành và lãi suất trái phiếu.
Thị trường BĐS vẫn hấp dẫn nhà đầu tư từ trái phiếu.
“Việc DN BĐS gia tăng phát hành trái phiếu với lãi suất cao thể hiện nhu cầu vốn dài hạn của DN, cũng như những ảnh hưởng bởi triển vọng của ngành và những tác động từ yếu tố dịch bệnh tới việc phải cơ cấu kỳ hạn dài hơn của các nhà phát hành trái phiếu trong ngành BĐS. Dự báo trong thời gian tới lãi suất trái phiếu BĐS có thể nhích tăng và sẽ hấp dẫn hơn so với các nhóm trái phiếu khác” – PGS. TS Trần Kim Chung nhìn nhận.
Trong khi đó, chuyên gia nghiên cứu thị trường (Công ty Chứng khoán VNDIRECT) Chu Đức Toàn cho rằng, trong 4 tháng đầu năm đã xuất hiện hiện tượng “sốt đất” ở nhiều khu vực trên cả nước, đặc biệt ở một số điểm nóng có quy hoạch hạ tầng đô thị, như: Đông Anh, Thanh Trì... (Hà Nội); Thủ Đức, Củ Tri, Hóc Môn... (TP Hồ Chí Minh). Tuy nhiên, theo tính chất của thị trường, ít DN BĐS tung hàng vào thời điểm đầu năm, nên chỉ tính riêng trong 2 quý đầu năm thì chưa thể xác định được giá trị bán hàng của DN. Nhưng dư nợ tín dụng BĐS ở thời điểm này vẫn ở mức trên 19% tổng dư nợ, qua đó có thể khẳng định nguồn tín dụng ngân hàng chảy vào BĐS vẫn tương đối ổn định. Việc DN BĐS tăng cường huy động trái phiếu và lãi suất phát hành trái phiếu để chuẩn bị thay thế cho các khoản vay từ ngân hàng đang ngày càng thị thu hẹp lại, động thái này sẽ góp phần tích cực vào quá trình minh bạch hóa thị trường.
“Trái phiếu sẽ vẫn sẽ là kênh chính để các DN BĐS huy động vốn trong thời gian tới, bởi quy mô rất lớn của thị trường này. Theo nhận định của chúng tôi, một số yếu tố có thể hỗ trợ cho trái phiếu BĐS tiếp tục tăng trưởng, đó là: Lãi suất vay mua nhà thấp, dấu hiệu tích cực về thông tin quy hoạch và đầu tư công đang được thúc đẩy mạnh mẽ trong 2021 để hổ trợ nền kinh tế phục hồi” – ông Chu Đức Toàn nhìn nhận.