Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vì sao động đất mạnh “chưa từng có” xảy ra tại Kon Tum?

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 24/8, Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai đã tổ chức cuộc họp trực tuyến bàn giải pháp ứng phó với tình hình động đất xảy ra trên địa bàn tỉnh Kon Tum trong những ngày qua.

Trong thời gian gần đây, động đất xảy ra thường xuyên và có xu thế gia tăng cả về tần suất và cường độ trên địa bàn tỉnh Kon Tum, nhất là huyện Kon Plông. Từ năm 1903 đến năm 2020 (117 năm), đã ghi nhận 33 trận động đất có độ lớn M = 2,5 - 3,9.

Từ tháng 2/2021 động đất xuất hiện và có xu hướng gia tăng. Cụ thể năm 2021, đã ghi nhận 114 trận động đất (gấp 3,5 lần 117 năm trước đó); riêng 8 tháng đầu năm 2022, xảy ra 146 trận động đất (nhiều gấp 1,3 lần năm 2021).

Huyện Kon Plông liên tục xảy ra động đất trong những ngày gần đây.
Huyện Kon Plông liên tục xảy ra động đất trong những ngày gần đây.

Từ ngày 15-28/4/2022, đã xảy ra liên tiếp 41 trận với M = 2,5 - 4,5. Đặc biệt từ ngày 23-24/8/2022, ghi nhận 12 trận động đất với M = 2,5 - 4,7; trong đó trận động đất lúc 14 giờ 8 phút ngày 23/8 mạnh đến 4,7 - cường độ lớn chưa từng có từ trước đến nay.

Đánh giá về tình trạng động đất trên địa bàn tỉnh Kon Tum, ông Phạm Thế Truyền - Giám đốc Trung tâm Báo tin động đất và sóng thần thuộc Viện Vật lý địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam), cho biết nguyên nhân có thể đến từ ảnh hưởng của việc xây dựng và tích nước các hồ chứa. Tuy nhiên, đây chỉ là một khía cạnh tác động và cần có nghiên cứu cụ thể hơn.

Ông Truyền cho biết thêm, hiện nay Viện Vật lý địa cầu đã lắp đặt 3 trạm quan trắc động đất tại huyện Kon Plông. Thời gian tới, sẽ tiếp tục lắp đặt thêm 3 trạm khác. Viện cũng đang nghiên cứu đánh giá nguy cơ để có giải pháp về tổng thể.

Quang cảnh cuộc họp trực tuyến chiều 24/8. Ảnh: Lâm Nguyễn.
Quang cảnh cuộc họp trực tuyến chiều 24/8. Ảnh: Lâm Nguyễn.

Để chủ động ứng phó với nguy cơ động đất, đại diện Viện Vật lý địa cầu kiến nghị cần tăng cường lắp đặt các trạm quan trắc. Đặc biệt là sớm tiến hành phân vùng rủi ro động đất trên phạm vi toàn quốc để có thông tin cảnh báo kịp thời phục vụ công tác phòng, chống.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài đề nghị các bộ ngành, tỉnh Kon Tum và các địa phương tiếp tục triển khai nghiêm túc Công điện số 750/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Văn bản số 2502/VPCP-NN của Văn phòng Chính phủ về ứng phó với động đất.

Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam tiếp tục theo dõi chặt chẽ, cung cấp kịp thời bản tin động đất cho cơ quan chức năng, chính quyền địa phương. Phối hợp với các địa phương tuyên truyền, nâng cao hiểu biết và hướng dẫn kỹ năng ứng phó động đất cho người dân để chủ động ứng phó.

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh Kon Tum, Quảng Nam tổ chức theo dõi, kiểm tra, đánh giá thiệt hại; huy động lực lượng và nguồn lực hỗ trợ những hộ dân bị thiệt hại và bảo đảm an toàn công trình theo quy định. Cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời thông tin về động đất, thiệt hại do động đất, tránh tâm lý hoang mang trong Nhân dân.

Đối với Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đại diện Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tại đề nghị cần sớm chỉ đạo kiểm tra, đánh giá ảnh hưởng của động đất, triển khai các biện pháp để bảo đảm an toàn hồ đập; đồng thời xem xét việc tích nước các hồ chứa trên cơ sở xác định nguyên nhân của Viện Vật lý địa cầu.