Bởi dù đã cố gắng hết mức, nhưng tiến độ GPMB vẫn không thể hoàn thành đúng kế hoạch 31/12/2024.
Nhiều nỗ lực
Xác định GPMB là ”điểm nghẽn” của việc triển khai các dự án trên địa bàn hơn 20 năm qua, nên ngay từ đầu năm 2024, Ban Thường vụ Quận ủy Hoàng Mai đã có nhiều giải pháp mới. So với công tác GPMB của chính dự án này những năm trước đây, quận Hoàng Mai đã có nhiều đổi mới, đầu tiên là việc Ban Thường vụ Quận ủy ban hành Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng trong các lĩnh vực GPMB trên địa bàn quận năm 2024 và những năm tiếp theo. Trong đó, quy rõ trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân trong công tác GPMB, phân định rõ trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, các phòng ban chuyên môn.
Theo đó, Bí thư Quận ủy, Bí thư Đảng ủy phường trực tiếp làm Trưởng ban Chỉ đạo GPMB cấp quận, phường. Định kỳ 2 tuần/lần, Trưởng ban Chỉ đạo GPMB cấp phường phải báo cáo cấp quận, còn Chủ tịch UBND phường định kỳ 1 tuần/lần báo cáo Chủ tịch UBND quận. Để nắm sát tình hình, nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân, Bí thư Quận ủy Hoàng Mai và Thường trực HĐND quận Hoàng Mai đã tổ chức 3 buổi đối thoại với Nhân dân 14 phường về công tác quản lý đô thị, quản lý đất đai, GPMB.
Các tổ chức đoàn thể chính trị từ quận xuống cơ sở như MTTQ, Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, các chi bộ, tổ dân phố đều được huy động tham gia công tác dân vận, tuyên truyền về công tác GPMB. Để bảo đảm tiến độ Dự án, hiện trên tuyến đường Tam Trinh đang có 4 địa điểm thi công với tinh thần bàn giao mặt bằng tới đâu thì nhà thầu đưa máy móc, thiết bị và nhân công có mặt đến đó.
Hoàn thành GPMB trên 30% diện tích
Trước hết, phải nói quy mô của dự án khá lớn, phải thu hồi tổng diện tích trên 54.000m2, liên quan đến khoảng 1.590 hộ dân và 20 tổ chức thuộc 3 phường Yên Sở, Mai Động, Lĩnh Nam. Đến thời điểm này, theo thống kê từ Trung tâm phát triển quỹ đất quận Hoàng Mai, cơ bản 3 phường đã làm xong thủ tục đối với các đơn vị, tổ chức phải GPMB cho dự án, nhiều đơn vị đã nhận tiền, bàn giao mặt bằng và phá dỡ.
Vấn đề vướng mắc còn lại chủ yếu là các hộ dân, đối với phường Mai Động hiện đã phê duyệt phương án đền bù cho 75/163 hộ, còn lại 88/163 hộ; đối với phường Hoàng Văn Thụ đã phê duyệt phương án đền bù 27/206 hộ, còn lại 179/206 hộ; đối với phường Yên Sở đã đã phê duyệt phương án đền bù đất nông nghiệp 7.204m2, liên quan đến 800 hộ gia đình và tổ chức (3.041m2) đã hoàn thành công tác GPMB và đã thực hiện thi công, với 422 hộ đất ở, chỉ mới 279 hộ phê duyệt phương án (trong đó 172/172 hộ đã bàn giao mặt bằng). Tính về mặt diện tích GPMB, đến nay Dự án xây dựng đường Tam Trinh mới đạt tỷ lệ hơn 30%, chậm tiến độ đề ra.
Tuy nhiên, với những lý do, trong đó khách quan là chính sách đền bù của Dự án trên toàn tuyến chưa thống nhất, giá cùng vị trí chênh lệch nhau. Ngoài ra, đối với quận Hoàng Mai nói riêng và TP Hà Nội nói chung, đường Tam Trinh chính là dự án đầu tiên áp dụng chính sách bồi thường, đền bù đối với công tác GPMB, nhiều vấn đề chưa có văn bản hướng dẫn, thậm chí nhiều tình huống luật chưa đề cập đến. Ví dụ, đất do Hợp tác xã Thanh Mai (phường Hoàng Văn Thụ) giao cho dân làm thương mại dịch vụ, nhưng người dân địa phương đã sử dụng làm đất ở hơn 20 năm nay. Trường hợp này không thuộc mục đất người dân tự ý lấn chiếm, cũng không thuộc đất do các tổ chức giao trái thẩm quyền như quy định của pháp luật. Chưa kể khi bàn bàn giao cho người dân HTX không đo đạc, cắm mốc và vẽ bản đồ, nên công tác xác minh đang gặp vô số khó khăn.
Vấn đề nhiều hộ dân hiện không sinh sống tại 3 phường nói trên, nên việc kê khai nhân khẩu để nhận tiền thuê nhà tái định cư cũng nan giải không kém. Vấn đề xác nhận thời điểm hình thành tài sản, nhà ở xây dựng trái phép cũng khiến chính quyền địa phương mất rất nhiều thời gian. Thực tế tại quận Hoàng Mai có khá nhiều diện tích đất nông nghiệp, mua đi, bán lại nhiều chủ, hồ sơ, thông tin thất lạc, rất khó xác minh, đo đạc và kiểm đếm. Chính vì thế, tại phường Hoàng Văn Thụ đã có hơn 50 cuộc đối thoại với người dân, nhưng chưa thể tìm được tiếng nói chung.
Trong quá trình áp dụng Luật Đất đai 2024 thay thế Luật Đất đai 2013 (có hiệu lực từ ngày 1/8/2024) có nhiều điểm mới, nếu áp dụng sẽ khiến quyền lợi người dân thiệt thòi hơn phương án đền bù đã công khai trước đó. Đơn cử như đối với chính sách bồi thường công trình, tài sản trên đất, do Luật Đất đai 2024 quy định chính quyền không bồi thường nếu người dân tạo lập trái quy định, trong khi đó theo luật cũ, cho phép chính quyền bồi thường theo tỷ lệ %, tùy thời điểm. Để bảo đảm tiến độ, UBND quận Hoàng Mai phải mất vài tháng rà soát, tìm ra những điểm bất cập để làm việc với các sở chuyên ngành, kiến nghị TP xin cơ chế đặc thù.
Cơ chế đặc thù gì?
Trao đổi với phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị, Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Minh Tâm cho biết: UBND quận Hoàng Mai đang đề xuất TP cấp cho tiền thuê nhà (trong thời gian chờ chỉnh trang lại 3 chung cư tái định cư CT1, CT2, CT3 Khu đô thị Đền Lừ III), chính sách bồi thường đất và công trình, tài sản trên đất, theo các chính sách GPMB đã được UBND TP chấp thuận cho quận Hoàng Mai triển khai trước đây đối với Dự án này.
Ông Vũ Tuấn Đạt, Giám đốc Trung tâm Phát triển Quỹ đất quận Hoàng Mai cho biết, đối với chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà, cơ bản TP chấp thuận đơn giá 1,5 triệu đồng/người/tháng (không quá 8 triệu đồng/hộ/tháng) và khung giá bồi thường đất và công trình, tài sản trên đất như đã công bố trước đây. Ông Đạt cho biết, đây là chính sách tốt nhất có thể cho người dân thuộc Dự án xây dựng đường Tam Trinh được TP áp dụng. “Nếu như được UBND TP sớm có quyết định chấp thuận cơ chế đặc thù, tôi tin rằng về tổng thể, quận Hoàng Mai vẫn bảo đảm tiến độ hoàn thành dự án này” ông Vũ Tuấn Đạt khẳng định.