Vì sao du lịch Nghệ An phát triển chưa tương xứng với tiềm năng?

Hoàng Phạm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại phiên chất vấn kỳ họp 17, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII, nhiều ý kiến cho rằng, ngành du lịch tỉnh này phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Các đại biểu mong muốn tỉnh Nghệ An sớm có giải pháp thúc đẩy để đưa du lịch sớm là ngành mũi nhọn.

Báo cáo tại phiên chất vấn kỳ họp Hội đồng Nhân dân tỉnh (HĐND tỉnh) Nghệ An khóa XVIII, Giám đốc Sở Du lịch Nghệ An Nguyễn Mạnh Cường nêu rõ, Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Nghệ An đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, tiếp tục khẳng định phát triển du lịch Nghệ An thành ngành kinh tế mũi nhọn, một trong những trung tâm du lịch của vùng Bắc Trung bộ, là điểm đến hấp dẫn của cả nước.

Thời gian qua, ngành du lịch đã chủ động tham mưu UBND tỉnh về các văn bản, chính sách thúc đẩy phát triển du lịch; phối hợp với các ngành từng bước phát triển hạ tầng du lịch, nhất là giao thông trọng yếu, tạo điều kiện cho du lịch kết nối và mở rộng không gian phát triển...; về các sản phẩm du lịch thì đang tập trung khai thác ba nhóm sản phẩm trụ cột, gồm: một là du lịch văn hóa và lịch sử gắn với tâm linh, hai là du lịch nghỉ dưỡng, giải trí gắn với thể thao biển và du lịch sinh thái, mạo hiểm gắn với du lịch cộng đồng; thị trường khách du lịch càng ngày càng được mở rộng, tiếp tục định hướng mở rộng các thị trường mới...; đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch, thương mại với các tỉnh, thành trong cả nước...

Giám đốc Sở Du lịch Nghệ An Nguyễn Mạnh Cường trả lời chất vấn các cử tri tại kỳ họp HĐND tỉnh Nghệ An (Ảnh Hoàng Phạm)
Giám đốc Sở Du lịch Nghệ An Nguyễn Mạnh Cường trả lời chất vấn các cử tri tại kỳ họp HĐND tỉnh Nghệ An (Ảnh Hoàng Phạm)

Du lịch Nghệ An đã có những bước phục hồi nhanh chóng sau đại dịch. Đến nay gần như đã lấy lại được đà tăng trưởng, tổng lượng khách du lịch đạt gần 8,4 triệu lượt khách, bằng 124% so với năm 2022. Trong đó, khách lưu trú đạt 5,3 triệu lượt, bằng 125% so với cùng kỳ năm 2022, doanh thu dịch vụ du lịch đạt 7.800 tỷ đồng, bằng 139% so với cùng kỳ năm 2022.

Để đạt được mục tiêu theo Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị, Giám đốc Sở Du lịch Nghệ An cho rằng, cần tổ chức triển khai có hiệu quả về chiến lược phát triển Nghệ An đến năm 2030 và tầm nhìn 2035 gắn với quy hoạch tỉnh; tập trung phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng 4 mùa, sản phẩm du lịch dịch vụ đẳng cấp, tiếp tục phối hợp nâng cấp đầu tư hạ tầng du lịch...thu hút các nhà đầu tư chuyên nghiệp, tiềm lực mạnh. Quy hoạch trọng tâm 1 số khu du lịch quốc gia, trước mắt là Khu di tích Kim Liên, Nam Đàn; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến quảng bá gắn với chuyển đổi số, xây dựng kết nối các chương trình, các tỉnh thành trong cả nước; tăng cường đầu tư nhân lực cho ngành du lịch, từ cán bộ nhà nước đến doanh nghiệp và cả người dân; bám sát, chỉ đạo, có các chính sách kịp thời để hỗ trợ du lịch tỉnh phát triển..

Giám đốc Sở Du lịch Nghệ An cho rằng, thời gian qua ngành du lịch cũng đã có nhiều nỗ lực, liên kết với các tỉnh, thành phố, đơn vị du lịch trong cả nước, do đó tốc độ phát triển khá cao và doanh thu cũng khá cao...mặc dù so với yêu cầu đặt ra là vẫn chưa đạt được.

Nhiều vấn đề về ngành du lịch vì sao chưa tương xứng được mổ xẻ rõ nét tại kỳ họp HĐND tỉnh Nghệ An (Ảnh Hoàng Phạm) 
Nhiều vấn đề về ngành du lịch vì sao chưa tương xứng được mổ xẻ rõ nét tại kỳ họp HĐND tỉnh Nghệ An (Ảnh Hoàng Phạm) 

Trong thời gian tới, UBND tỉnh cần phân công các Sở, ngành quan tâm việc phát triển ngành mình gắn với phát triển du lịch...Thực hiện Nghị quyết 07, năm 2021 - 2022 đã hỗ trợ 6 đối tượng với 8 bản và 4 hộ với số tiền 4,2 tỷ đồng cho các huyện Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Anh Sơn. Năm 2023 đang hỗ trợ cho 12 hộ của 4 huyện gồm Tân Kỳ, Nam Đàn, Con Cuông, Quỳ Châu với tổng kinh phí 2,4 tỷ đồng....

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An Thái Thanh Quý cho rằng, trong quá trình xây dựng chiến lược, phương hướng thì tỉnh Nghệ An luôn xác định du lịch là thế mạnh, lĩnh vực ưu tiên phát triển. Dù du lịch đã có nhiều khởi sắc, thành tựu nhưng vẫn chưa phát triển hết tiềm năng, lợi thế, vai trò mũi nhọn trong nền kinh tế. Sản phẩm du lịch chưa tạo được đột phá, du lịch còn diễn biến theo mùa, du lịch cộng đồng, canh nông còn mức trào lưu, tự phát, thử nghiệm. Sản phẩm du lịch ít được đổi mới, còn trùng với các địa phương khác. Thiếu các dịch vụ vui chơi giải trí, tăng mua sắm, chi tiêu của du khách...

Do đó đề nghị UBND tỉnh tập trung các giải pháp đồng bộ như: nhận thức đúng và quyết tâm cao về việc xây dựng du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, du lịch là ngành mũi nhọn nhưng có tính liên kết, liên ngành, liên vùng, phát triển du lịch liên quan nhiều ngành, nhiều lĩnh vực do đó để phát triển du lịch cần sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ từ các cấp, ngành.