Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vì sao dư luận không thông cảm với đề xuất tăng thuế của Bộ Tài chính?

Nha Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại cuộc tọa đàm “Đề xuất của Bộ Tài chính về sửa đổi các luật thuế: Những vấn đề đặt ra từ các góc nhìn đa chiều” ngày 9/5 tại trường Đại học Kinh tế Quốc dân, đại diện Tổng cục Thuế cho biết, lần sửa đổi này là một sức ép rất lớn của Bộ Tài chính trước công luận.

Bộ này kêu gọi các cơ quan báo chí có tiếng nói công tâm, khách quan. Tuy nhiên, các chuyên gia lại cho rằng việc dư luận “không thông cảm” cho Bộ Tài chính là có lý do chứ không phải vô cớ.

Ảnh minh họa
Theo ông Nguyễn Văn Phụng - Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế DN (Tổng cục Thuế), lần này Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi 6 luật thuế, bao gồm: Thuế Giá trị gia tăng, Thuế Tiêu thụ đặc biệt, Thuế Thu nhập doanh nghiệp; Thuế Thu nhập cá nhân, Thuế Tài nguyên, Thuế Xuất nhập khẩu. Đồng thời đề xuất xây dựng, ban hành thêm Thuế Tài sản. Việc đề xuất sửa đổi, ban hành các luật thuế này, theo đại diện đơn vị soạn thảo là nhằm đảm bảo mức động viên ngân sách Nhà nước và động viên thuế theo Chiến lược thuế 2011 - 2020. Đồng thời, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị (Nghị quyết số 07/NQ-TW) và Nghị quyết 25/2014/QH14...
“Lần sửa đổi này là một sức ép rất lớn của Bộ Tài chính trước công luận, vì đặt ra yêu cầu là bảo đảm các mục tiêu động viên ngân sách nhưng cũng đảm bảo làm sao môi trường kinh doanh ổn định, đây là bài toán khó nhất. Tôi kêu gọi các cơ quan báo chí có tiếng nói công tâm, khách quan”, ông Nguyễn Văn Phụng nói.

Tuy nhiên, các chuyên gia lại cho rằng việc dư luận “không thông cảm” cho Bộ Tài chính là có lý do chứ không phải không. PGS.TS Ngô Trí Long - Nguyên Viện trưởng Viện Quản lý giá cho rằng bài toán đặt ra cho Bộ Tài chính là cân đối lại ngân sách, mà giải pháp dễ nhất của Bộ Tài chính là tăng thuế.

“Bộ Tài chính luận giải vì “cơ cấu lại một cách hợp lý nguồn thu”, “sức khỏe con người”, “phù hợp với thông lệ quốc tế” và để đảm bảo thực hiện các cam kết hội nhập quốc tế, giảm thiểu những tác động bất lợi do quá trình cắt giảm thuế... Tuy nhiên, qua những nội dung của việc thay đổi chính sách thuế của Bộ Tài chính đưa ra làm cho mọi người cảm thấy mục tiêu là hướng tới huy động nguồn thu ngân sách Nhà nước mà chưa tính đến chính sách thuế phải tạo động lực cho phát triển kinh tế, tạo điều kiện để phát triển DN, đóng góp nhiều hơn nữa nguồn thu cho ngân sách”, chuyên gia Ngô Trí Long nêu quan điểm.

Đáng nói, theo vị chuyên gia này việc sửa đổi cùng lúc 6 luật thuế khiến nhà đầu tư, DN cảm thấy môi trường kinh doanh Việt Nam không ổn định “Luật quản lý thuế mới có hiệu lực đầu năm 2017 thì nay lại đề xuất sửa đổi. Việc sửa đổi, bổ sung 6 Luật thuế lần này làm cho nhà đầu tư và người dân sẽ băn khoăn liệu sau kỳ sửa đổi, bổ sung lần này thì chính sách thuế này sẽ tồn tại trong bao lâu nữa? Dường như nhà đầu tư và người dân luôn phải đánh cược với nhà làm chính sách thuế”, PGS Ngô Trí Long nói.

Cùng với đó, những giải trình, đánh giá tác động của việc thay đổi các sắc thuế đến đối tượng chịu sự điều chỉnh của chính sách và nền kinh tế nói chung chưa thuyết phục...

“Đối với Bộ Tài chính để tìm giải pháp cân đối ngân sách, cách dễ nhất là tăng thuế. Nếu tăng thuế chắn chắn sẽ vấp phải sự phản đối. Do vậy, để tái cơ cấu nguồn thu, nếu chỉ dùng biện pháp tăng thu bằng cách tăng thuế thì rất khó lòng được công chúng chấp nhận. Cân đối ngân sách phải có nhiều biện pháp chứ không phải tăng thuế là đủ”, ông Long nêu quan điểm.
Dư luận không thông cảm với đề xuất tăng thuế của Bộ Tài chính.
Ngoài các luận điểm trên, các chuyên gia cũng chỉ ra nhiều vấn đề trong xây dựng luật của Bộ Tài chính. Ông Đậu Anh Tuấn đến từ Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam VCCI cho rằng, chúng ta đang muốn thu theo thông lệ quốc tế, nhưng chi có theo thông lệ không. “Cái khó của ngành thuế là chỉ quyết định được thu mà không quyết định được chi”, ông Tuấn nói.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Bùi Trinh cho rằng hiện các số liệu thống kê cho thấy chi thường xuyên quá cao, lên tới 80%. Vì vậy giải pháp quan trọng nhất là giảm chi thường xuyên, nhưng cái khó của Bộ Tài chính là “Bộ có mỗi quyền tăng thuế thôi”.

Một vấn đề nữa, theo chuyên gia Bùi Trinh, hiện vấn đề công khai ngân sách đang có vấn đề. “Tôi vào website của Bộ Tài chính, thấy có mục Công khai ngân sách với công dân, nhưng không có bất cứ thông tin nào có giá trị với người dân. Thì không thể đòi hỏi nhân dân thông cảm được, vì có thông tin đâu mà thông cảm”, vị chuyên gia nêu quan điểm.

Đồng quan điểm, chuyên gia Vũ Đình Ánh cho biết ông chưa từng được biết mục Công khai ngân sách với công dân. Trong khi các số liệu về ngân sách lại mỗi nơi một kiểu, mỗi chuyên gia phân tích về chính sách thuế dựa trên một “bức tranh” ngân sách khác nhau. “Hai số liệu tôi lấy từ Bộ Tài chính để phân tích ngân sách cho thấy bản thân Bộ cũng cho bức tranh khác nhau, đó là số liệu quốc tế và số liệu trong nước. Tôi làm ở Bộ Tài chính 20 năm nay cũng không hiểu số liệu quốc tế với số liệu trong nước nó là cái gì”, TS Vũ Đình Ánh nói.