Vì sao FDI "dè dặt" với nông nghiệp ?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong khi các doanh nghiệp trong nước ồ ạt nhảy vào lĩnh vực này thì các nhà đầu tư nước ngoài lại tỏ ra khá hờ hững.

Nhìn vào các số liệu thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), có thể thấy tổng số vốn đăng ký FDI dành cho lĩnh vực nông nghiệp từ đầu năm 2015 tới nay chỉ đạt 3,7 tỷ USD, chiếm 1,4% tổng FDI của cả nước với quy mô trung bình 7 triệu USD/dự án. Đây là những con số đáng ngạc nhiên nếu biết nông nghiệp vốn là thế mạnh của Việt Nam với điều kiện khí hậu, chi phí nhân công đang ở mức rất hấp dẫn.

 
Từ nhiều năm trở lại đây FDI rót vào nông nghiệp luôn ở mức rất thấp
Từ nhiều năm trở lại đây FDI rót vào nông nghiệp luôn ở mức rất thấp
Chính vì Việt Nam hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi nên trong những năm trở lại đây, ngành nông nghiệp đã đón nhận một làn sóng đầu tư ồ ạt đến từ các doanh nghiệp trong nước. Có thể kể đến như Him Lam với cây mắc ca, Hòa Phát với thức ăn chăn nuôi hay Vingroup với rau sạch ... Các doanh nghiệp này đều khẳng định, đầu tư vào nông nghiệp không phải là chạy theo "mốt" mà do ngành này có thể mang lại lợi nhuận bền vững trong tương lai.

Tuy nhiên đối với các nhà đầu tư nước ngoài, thái độ của họ lại tỏ ra khá hờ hững với lĩnh vực này. Hiện tại chủ yếu nguồn FDI dành cho nông nghiệp vẫn chủ yếu vẫn tập trung tại các quốc gia có trình độ công nghệ chưa thực sự cao như Đài Loan hay Thái Lan, trong khi đó sự hiện diện của các quốc gia hàng đầu như Mỹ, Nhật Bản ... lại rất ít ỏi.

Tiêu biểu như trường hợp của Nhật Bản, quốc gia có nền nông nghiệp hàng đầu thế giới. Mặc dù từ nhiều năm qua, liên tục từ cấp Chính phủ tới các tập đoàn lớn của nước này đã đưa ra những hứa hẹn sẽ đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam nhưng cho đến nay tất cả mới chỉ dừng lại ở mức sang thăm tìm cơ hội hoặc thí điểm hay chuyển giao công nghệ một phần ... còn những dự án cụ thể, có tính chất dài hạn vẫn chưa thấy xuất hiện.

Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, FDI vào nông nghiệp quá thấp có nguyên nhân chủ yếu bắt nguồn từ chính Việt Nam. Như hạ tầng tại vùng nông nghiệp còn kém, lao động có tay nghề được đào tạo bài bản có rất ít ... Bên cạnh đó, liên quan tới FDI vào lĩnh vực này còn "dính" tới nhiều cơ quan nhà nước như Bộ Kế hoạch và Đầu tư hay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chính vì vậy khâu phối hợp về mặt chính sách đầu tư cũng có nhiều hạn chế.

Ông Doanh cho rằng, muốn cải thiện tình trạng này cần phải tạo ra một môi trường đầu tư thuận lợi cho doanh nghiệp nước ngoài, việc này cần có sự tham gia đồng bộ của các bộ, ngành cho tới các cấp chính quyền địa phương nơi triển khai dự án FDI. Bên cạnh các yếu tố pháp lý cũng như cân đối được quyền lợi giữa doanh nghiệp đầu tư và người nông dân, hạn chế tối đa sự thua thiệt không đáng có dành cho các nhà đầu tư.

Còn về phía Cục Đầu tư nước ngoài, đơn vị này cho rằng nguyên nhân chính bắt nguồn từ việc  đầu tư vào nông nghiệp không có lợi nhuận nhanh như các ngành hàng khác, trong khi ngành này hay gặp nhiều rủi ro về thiên tai và rủi ro về biến động thị trường. Bên cạnh đó, tình hình sản xuất nông nghiệp Việt Nam nhỏ lẻ, cơ sở hạ tầng và dịch vụ phụ trợ còn thiếu và yếu, trong khi chất lượng và năng suất lao động thấp.

Mặt khác, ngành nông nghiệp trong nước vẫn chưa có một chiến lược, định hướng dài hạn dành cho thu hút vốn FDI cũng như chưa xác định được vị trí của nguồn vốn đối với nhu cầu đầu tư phát triển của ngành, bên cạnh đó hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách đối với các nhà đầu tư nước ngoài trong nông nghiệp chưa rõ ràng và minh bạch, Cục này chỉ ra các vấn đề của ngành.

Tuy nhiên phía Cục này khẳng định, phát triển nông nghiệp gắn liền với FDI luôn là mục tiêu và trọng tâm hàng đầu của Việt Nam. Hiện phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang tích cực hoàn thiện chính sách khuyến khích đầu tư như phát triển cơ sở hạ tầng, thuế, tín dụng, nguồn nhân lực ... nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nguồn vốn FDI vào ngành.

Được biết, định hướng thu hút FDI vào nông nghiệp sẽ tập trung vào lĩnh vực chế biến nhằm tạo nên các sản phẩm nông sản mang thương hiệu quốc gia, có thể chen chân vào chuỗi giá trị thế giới.

Ngoài ra, nguồn FDI có chất lượng và giá trị gia tăng cao, sử dụng và bảo vệ tốt tài nguyên thiên nhiên, sử dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch, tạo thêm nhiều việc làm và hỗ trợ cho những khâu yếu trong chuỗi giá trị nông sản cũng được chú trọng. Đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ cao trong phát triển chuỗi giá trị sản phẩm nhằm tạo ra các sản phẩm nông nghiệp có chất lượng và giá trị gia tăng cao.