Giá gạo xuất khẩu lập đỉnh 15 năm
Dữ liệu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho thấy, kết thúc phiên giao dịch ngày 1/11, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam lên 653 USD/ tấn, cao nhất 15 năm và cao hơn hàng cùng loại của Thái Lan 93 USD.
Theo VFA, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đang cao hơn mức đỉnh lịch sử của đợt sốt giá hồi tháng 8/2023 và bỏ xa các đối thủ như Thái Lan, Pakistan lần lượt 93 USD và 90 USD mỗi tấn. Gạo tấm 25% của Việt Nam cũng đang giao dịch ở mức 638 USD/ tấn, cao hơn hàng cùng loại của Thái Lan và Pakistan lần lượt 118 USD và 150 USD một tấn.
Không chỉ có gạo xuất khẩu, giá lúa gạo trong nước cũng đang lên cao kỷ lục. Trong đó, tại miền Bắc, giá lúa tăng rất mạnh. Cụ thể, Đài Thơm lấy từ các doanh nghiệp lớn trong nước có giá 21.000 đồng/kg, tăng 1.000 đồng (5%) so với tháng 9/2023 và tăng 3.000 đồng (16%) so với cùng kỳ năm 2022. Các loại gạo khác cũng tăng từ 500 – 1.500 đồng/kg so với cách đây 1 tháng. Ví dụ như: Thơm Lài Long An 21.000 đồng/kg, Gò Công 22.000 đồng…..
Nguyên nhân khiến giá gạo Việt Nam tăng cao, theo các chuyên gia, doanh nghiệp là do chất lượng ngày càng cao và nhu cầu thị trường thế giới lớn.
Trước đó, Chính phủ Ấn Độ công bố sẽ gỡ lệnh cấm xuất khẩu trong tháng 10, nhưng đến nay vẫn không có thông báo mới, thậm chí lệnh cấm có thể kéo dài đến hết tháng 2/2024. Vì vậy, thế giới vẫn hụt 40% nguồn cung gạo từ nước này.
Bên cạnh đó, Indonesia, Trung Quốc, Philippines vẫn có nhu cầu thu mua gạo dự trữ cao. Theo dữ liệu xuất khẩu từ các doanh nghiệp, Indonesia vẫn chấp nhận mua gạo Việt Nam với giá trên 650 USD/tấn.
Sản lượng gạo xuất khẩu năm 2023 có thể đạt gần 7,8 triệu tấn
Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam Đỗ Hà Nam phân tích, giá gạo nội địa đang cao hơn giá xuất khẩu, đây cũng là lý do khiến giá gạo xuất khẩu Việt Nam lội ngược dòng thế giới. Nguồn cung đáp ứng thấp mà giá lại leo thang khiến nhiều doanh nghiệp Việt không dám ký thêm hợp đồng xuất khẩu mới.
Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy 10 tháng năm 2023, Việt Nam xuất hơn 7,1 triệu tấn gạo, tăng 17% về lượng và 35% về giá trị so với cùng kỳ 2022, vượt kế hoạch đầu năm (6,5 triệu tấn). Riêng tháng 10, xuất khẩu gạo đạt 700.000 tấn, tương ứng 433 triệu USD, tăng 27% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Các chuyên gia, doanh nghiệp dự báo, với sản lượng xuất khẩu tăng vượt bậc, hết năm nay, xuất khẩu gạo có thể đạt tới 7,8 triệu tấn, mức cao kỷ lục từ trước tới nay. Về giá gạo xuất khẩu của Việt Nam và khu vực châu Á sẽ tiếp tục tăng thời gian tới trong bối cảnh tình trạng căng thẳng nguồn cung gạo trên thế giới vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện.
“Hiện dư địa xuất khẩu gạo của Việt Nam còn rất lớn khi các thị trường tiêu thụ gạo lớn của Việt Nam liên tục tăng nhu cầu mua vào. Dựa trên tình hình cung cầu, dự báo trong những tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024, giá gạo xuất khẩu có thể giữ ở mức 640 - 650 USD/tấn” – ông Đỗ Hà Nam nhận định.
Về nguồn cung, theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, năm 2023, sản lượng lúa đạt từ 43 - 43,4 triệu tấn, tăng khoảng 650.000-700.000 tấn so với 2022. Ngoài nguồn cung xuất khẩu, Việt Nam vẫn phải đảm bảo an ninh lương thực trong nước.Tính đến hết tháng 10/2023, vụ Thu Đông còn khoảng gần 400.000ha lúa chưa thu hoạch, tương đương gần 2,2 triệu tấn thóc sẽ thu hoạch từ nay tới hết tháng 12/2023.
Với vụ Đông Xuân 2023 - 2024, dự kiến, cả nước gieo trồng gần 3 triệu ha, giảm 10.000 ha so với vụ trước. Tuy nhiên, sản lượng dự kiến tăng hơn so với cùng kỳ 2022, đạt trên 20 triệu tấn, do nông dân ứng dụng kỹ thuật chăm sóc cao và lựa chọn giống cho năng suất tốt, phù hợp với khí hậu.
Bám sát diễn biến giá lúa gạo thế giới và luôn sẵn sàng nguồn hàng xuất khẩu những tháng cuối năm, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo tại Đồng bằng sông Cửu Long đang tiếp tục thực hiện chuỗi liên kết bền vững với nông dân, bạn hàng, đối tác, khách hàng để ổn định về mặt nguyên liệu, vật tư đầu vào và tiêu thụ sản phẩm đầu ra; đảm bảo duy trì ổn định cho hoạt động thu mua, sản xuất và tiêu thụ cả khi thị trường biến động liên tục.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam Đỗ Hà Nam