Trong nhiều ngày qua, giá thép cuộn CB240 tại thị trường 3 miền Bắc, Trung, Nam dao động từ 17.570 đến 18.670 đồng/kg. Còn với thép thanh vằn D10 CB300 dao động từ 17.780 cho tới 18.870 đồng/kg. Tính riêng trong tháng 4, bán hàng thép xây dựng giảm sâu tới 39% so với tháng 3 và giảm 33,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Mới đây, Tập đoàn Hòa Phát cho biết lượng tiêu thụ thép xây dựng tháng 4 đạt gần 300.000 tấn, giảm 30%, chủ yếu do lượng hàng tồn kho tại các đại lý từ tháng trước đó vẫn còn. Tuy nhiên, sản lượng xuất khẩu vẫn tăng 28% so với tháng 4/2021 và đạt 93.000 tấn.
Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, việc giá nguyên vật liệu giảm liên tục từ cuối tháng 3 đến nay khiến thị trường chững lại. Trong khi đó, các nhà phân phối đang tìm cách giảm lượng hàng tồn kho nên lượng hàng xuất xưởng của các nhà máy giảm nhiều so với bình thường.
Tính đến hết tháng 4, tồn kho thép xây dựng tại các nhà máy khoảng 900.000 tấn, cao gần gấp đôi với cùng kỳ năm ngoái.
Hiện tại, nguồn nguyên liệu có thể chủ động trong nước mới chỉ đáp ứng được 20 - 30% nhu cầu của các nhà máy thép. Do đó, giá thép trong nước neo khá chặt so với diễn biến của giá nguyên liệu thế giới.
Khác với thời điểm đầu năm khi những lo ngại về đứt gãy chuỗi cung ứng và căng thẳng giữa Nga - Ukraine đẩy giá nguyên liệu đầu vào sản xuất thép liên tục tăng cao, thời điểm hiện tại giá cũng đã hạ nhiệt.
Với tình hình bán hàng giảm sâu, khá chậm nên các nhà máy đẩy mạnh xuất khẩu ra các thị trường. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng đang tìm thêm và đẩy mạnh xuất khẩu sang Campuchia, Hong Kong, Canada, Mỹ... do Trung Quốc đang trong tình trạng dư cung thép.
Theo trang S&P Global Commodity Insights, tình trạng dư cung thép tại Trung Quốc có thể giảm bớt trong thời gian tới do đà giảm về nhu cầu được cho là đã chạm đáy ngắn hạn.
Sản lượng gang hàng ngày của Trung Quốc đạt mức cao kỷ lục trong tháng 4 vào thời điểm thị trường đối mặt với nhu cầu thấp. Điều này khiến thị trường thép chịu áp lực.
Cục thống kê Trung Quốc cho biết, trong 4 tháng đầu năm, Trung Quốc đã sản xuất 336,15 triệu tấn thép, giảm 10,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Điều này dẫn đến tồn kho thép tại các nhà máy của Trung Quốc còn nhiều và việc xuất khẩu thép của Việt Nam chững. Xuất khẩu thép xây dựng của Việt Nam trong tháng 4 giảm mạnh tới 44% so với tháng 3 và chỉ tăng nhẹ gần 5% so với năm 2021.
Xuất khẩu suy yếu, tiêu thụ trong nước giảm nguyên liệu đầu vào cũng hạ nhiệt cùng lúc tạo áp lực lên giá thép trong xây dựng trong nước phải điều chỉnh.
Với tín hiệu giá thép xây dựng giảm được cho là tín hiệu tốt cho thị trường xây dựng khi mặt hàng này chiếm khoảng 20 - 30% chi phí các công trình.
Giám đốc Công ty CP COPLAN Phó Thanh Tùng nhìn nhận, việc giá thép giảm là điều đã được dự báo trước, lợi ích trước mắt sẽ giúp tăng tính khả thi cho các dự án, tránh hiện tượng các nhà thầu phải dừng vì sợ không phê duyệt được phần bù tăng.