Thị trường khan hiếm sản phẩm
Theo số liệu thống kê của Hội môi giới bất động sản (BĐS) Việt Nam, trong quý III/2019, số lượng sản phẩm mới được đưa ra thị trường tại Thủ đô Hà Nội giảm mạnh so với quý II/2019 và so với cùng kỳ của năm 2018. Cụ thể: Tổng số sản phẩm mới của quý III là trên 5.500 sản phẩm, trong khi đó quý II là trên 7.300 sản phẩm và giảm khoảng 4.100 sản phẩm so với quý III/2018 (quý III/2018 nguồn cung mới đạt gần 9.300 sản phẩm).
Từ số liệu trên cho thấy, lượng cung của thị trường BĐS tại Hà Nội tiếp tục đi xuống. Sự giảm sút này được ghi nhận bắt đầu tư thời điểm quý I/2019, khi các dự án có xu hướng chậm lại khiến cho thị trường bị hạn chế nguồn cung mới.
Theo bà Dương Thùy Dung, Giám đốc bộ phận nghiên cứu CBRE Việt Nam cho biết, hiện nay, việc Chính phủ rà soát lại quỹ đất và thắt chặt cấp phép dự án mới ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến việc ra hàng của các chủ đầu tư. Bên cạnh đó, việc siết chặt tín dụng bất động sản cao cấp cũng dẫn đến sự khan hiếm nguồn cung căn hộ, đặc biệt phân khúc cao cấp và hạng sang trong một vài năm tiếp theo. Tuy nhiên, bà Dung cho rằng, việc rà soát này là cần thiết.
Sự đình trệ của nhiều dự án khiến cho nguồn cung mới giảm sút và giá thuê văn phòng tại Hà Nội tăng (Ảnh: Mai Vân). |
“Sau vài năm thị trường căn hộ tăng trưởng quá nóng, chất lượng dự án cũng như căn hộ bị ảnh hưởng thì việc rà soát ở một khía cạnh nào đó là tích cực cho thị trường. Như vậy có thể kiểm soát được chất lượng dự án, hạn chế những rủi ro cho khách hàng cũng như tránh việc tranh chấp sau khi dự án đi vào sử dụng" – bà Dung cho hay.
Giá thuê tăng mạnh
Theo đánh giá của các chuyên gia, chính việc khan hiếm lượng cung đã khiến cho các sản phẩm cho thuê có sự tăng mạnh về giá. Số liệu, báo cáo mới nhất về thị trường BĐS Hà Nội trong quý III/2019 của Savills Việt Nam, giá cho thuê của phân khúc văn phòng ở Thủ đô đạt mức trung bình 21 USD/m2/tháng, tăng 1% so với quý trước và tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái, lên mức cao kỷ lục trong vòng 6 năm qua.
Trong đó, phân khúc văn phòng hạng B và khu vực phía tây thành phố ghi nhận có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất. Các dự án văn phòng hạng B mới có giá thuê cao hơn mức trung bình của thị trường cũng như có cơ sở vật chất mới hơn. Mặc dù công suất cho thuê được gia nhận giảm 2 điểm theo quý và theo năm (đạt 91%). Tuy nhiên, nguồn cung từ văn phòng hạng A và hạng B vẫn tăng mạnh. Tổng nguồn cung của toàn thị trường đạt 1,8 triệu m2, tăng 3% theo quý và 10% theo năm với 59.000 m2 được thêm từ 6 dự án mới, hầu hết thuộc văn phòng hạng B (56%), theo sau là hạng A (36%).
Phó giám đốc Bộ phận cho thuê thương mại của Savills tại Hà Nội Hoàng Nguyệt Minh cho biết, thị trường văn phòng Hà Nội có nguồn cầu cao đến từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, phần lớn là các doanh nghiệp siêu nhỏ (70%) và nhỏ (29%). Khách thuê giàu kinh nghiệm đang có nhu cầu thuê tại các dự án văn phòng chất lượng cao hơn trong chu kỳ cho thuê tiếp theo.
"Tỷ lệ trống thấp của văn phòng hạng A cũng như hoạt động kinh doanh vững chắc đang đặt ra nguồn cầu lớn đối với các toà nhà văn phòng hiện tại. Điều này không khỏi khiến giá thuê tăng lên" – bà Nguyệt nhận định.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho rằng, việc khách thuê gặp khó khăn trong việc tìm kiếm diện tích sàn lớn trong bối cảnh khan hiếm nguồn cung và diện tích trống chia nhỏ cũng khiến cho giá thuê không ngừng tăng.