Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vì sao giá vé máy bay sau Tết đột ngột tăng phi mã?

Nguyễn Quý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngay sau kỳ nghỉ Tết Nhâm Dần 2022, giá vé máy bay bất ngờ tăng phi mã khiến nhiều hành khách choáng váng. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, việc sốt vé chỉ mang tính thời điểm và “cơn sốt” sẽ nhanh chóng hạ nhiệt trong ít ngày tới.

Sân bay Tân Sơn Nhất ghi nhận lượng khách đi máy bay Tết tăng đột biến (Ảnh: Lam Giang).
Sân bay Tân Sơn Nhất ghi nhận lượng khách đi máy bay Tết tăng đột biến (Ảnh: Lam Giang).

Muốn bay chỉ còn vé thương gia

“Choáng váng”, “bàng hoàng”, giật mình”... là những từ cảm thán được nhiều người sử dụng để mô tả lại cảm giác của mình khi mua vé máy bay ở những ngày cuối kỳ nghỉ Tết Nhâm Dần 2022 cũng như sau kỳ nghỉ. Đặc biệt là vé các đường bay trục dọc Bắc – Nam.

Ngày 5/2, trên website của Vietnam Airlines đưa ra thông báo, tất cả hạng phổ thông, phổ thông linh hoạt trên khoảng 20 chuyến bay chặng Hà Nội - TP Hồ Chí Minh ngày 5/2 đều đã hết sạch. Người nào muốn đi máy bay chặng này chỉ còn lựa chọn duy nhất là vé hạng thương gia nhưng mức giá đưa ra là vô cùng...chát.

Cụ thể là mức giá vé thấp nhất của hàng thương gia cho chặng Hà Nội – TP Hồ Chí Minh được Vietnam Airlines chào bán lên tới gần  8,7 triệu đồng/chiều. Còn mức giá cao nhất thì chắc chắn sẽ khiến tất cả phải giật mình với hơn 10 triệu đồng/chiều. Thậm chí, một số chuyến bay tối muộn, giá vé cũng chẳng dễ chịu hơn khi lên tới hơn 9,6 triệu đồng/chiều.

Không chỉ ngày 5/2 mà nhiều ngày sau đó, giá vé máy bay cho chặng Hà Nội – TP Hồ Chí Minh mà Vietnam Airlines đưa ra cũng cao ngất ngưởng. Cụ thể, tất cả vé hạng phổ thông, phổ thông linh hoạt trong 3 ngày từ 6/2 đến 8/2 đều đã không còn.

Hành khách muốn bay chặng này cũng chỉ còn lựa chọn duy nhất là vé hạng thương gia với mức giá tương tự ngày 5/2, đó là dao động từ hơn 8,7 triệu đồng đến hơn 10 triệu đồng/chiều. Nếu hành khách nào muốn mua vé rẻ hơn sẽ phải đợi đến tận này 9/2 nhưng mức giá cũng lên tới hơn 3,5 triệu đồng/chiều và đây là vé phổ thông chứ không phải vé thương gia.

Tương tự Vietnam Airlines, vé máy bay của các hãng hàng không khác như Vietjet Air, Pacific Airlines, Vietravel Airlines, Bamboo Airlines trong những ngày từ 5/2 đến 8/2 đều được treo bán ở mức giá rất cao.

Thậm chí, trên trang web của các hãng hàng không Bamboo và Vietjet, chặng bay Hà Nội – TP Hồ Chí Minh đều đã báo hết vé trong ngày 6/2. Một số chặng bay từ Đà Nẵng, Nha Trang, Huế, Thanh Hóa tới TP Hồ Chí Minh đều đã báo hết vé tất cả hãng bay tới 8/2.

Việc giá vé máy bay đột ngột tăng phi mã sau Tết khiến nhiều người đặt ra nghi vấn về hiện tượng sốt vé ảo để trục lợi. Tuy nhiên, phân tích của các chuyên gia cho thấy, đây là hiện tượng bình thường trong quy luật thị trường khi nhu cầu đột ngột tăng cao vượt quá nguồn cung.

Giá vé máy bay tăng đột biến là tín hiệu đáng mừng cho ngành hàng không (Ảnh: Linh San).
Giá vé máy bay tăng đột biến là tín hiệu đáng mừng cho ngành hàng không (Ảnh: Linh San).

Tín hiệu đáng mừng cho ngành hàng không

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống – Chuyên gia hàng không khẳng định, việc vé máy bay tăng phi mã vào dịp đầu năm mới có thể khiến nhiều người bị ảnh hưởng về kế hoạch đi lại nhưng nhìn một cách tổng thể và khách quan, đây chính là tín hiệu đáng mừng cho ngành hàng không nói riêng và cho nền kinh tế nói chung.

“Giá vé máy bay tăng đột biến là do nhu cầu đi lại của người dân tăng cao đột ngột. Điều này chứng tỏ ngành hàng không đã thật sự được phục hồi. Đây chính là tín hiệu rất đáng mừng cho không chỉ ngành hàng không mà cho cả nền kinh tế nước ta” – PGS.TS Nguyễn Thiện Tống nhận định.

Theo chuyên gia hàng không này, vào thời điểm trước Tết, giá vé máy bay ở mức khá thấp. Thậm chí vé máy bay Tết cũng được bán ra với giá thấp hơn nhiều so với những năm trước. Điều này bắt nguồn từ việc người dân còn e ngại dịch bệnh và hạn chế đi lại.

Tuy nhiên, sự sôi động của TP Hồ Chí Minh và nhiều điểm du lịch phía Nam vào những ngày Tết cũng như đầu năm mới khiến nhiều người thay đổi kế hoạch du xuân của mình.

Thay vì ở nhà hoặc lựa chọn những điểm du lịch gần, họ đặt vé bay vào miền Nam với mong muốn tận hưởng không khí nắng ấm sau những ngày Tết rét đậm, rét hại ở phía Bắc. Việc người dân ồ ạt đặt vé máy bay từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh vào những ngày đầu năm mới là lí do chính đẩy giá vé máy bay lên cao như hiện nay.

PGS.TS Nguyễn Thiện Tống phân tích thêm, vé máy bay mua đi ngay bao giờ cũng đắt hơn rất nhiều vé máy bay đặt trước và đặt khứ hồi. Trên thực tế, vé máy bay Tết đặt trước vẫn rẻ, chỉ có những người đặt mua vé đột xuất vào những ngày đầu năm mới thì mới gặp tình trạng hết vé và vé cao.

“Người dân nên lên kế hoạch du xuân từ sớm và đặt vé từ trước để có được mức giá ưu đãi. Còn với các hãng hàng không, họ phải điều chỉnh giá vé linh hoạt với tình hình thị trường. Khi nhu cầu tăng cao thì đương nhiên giá vé sẽ được đẩy lên cao, miễn là không vượt mức trần mà Nhà nước quy định” – PGS.TS Nguyễn Thiện Tống phân tích.

Đại diện Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài cho biết, trong ngày 4/2 (tức ngày Mùng 4 Tết), cảng đã khai thác 332 chuyến bay với khoảng 48.000 khách. Đến ngày 5/2 (tức Mùng 5 Tết), lượng khách qua cảng Nội Bài tiếp tục tăng cao tập trung vào khung 7 giờ - 8 giờ, đạt 2.500 khách, khung 8 - 9 giờ đạt 2.100 khách. 

Trong khi đó, thống kê từ Cảng vụ Hàng không miền Nam cho thấy, ngày 5/2, lượng khách đi/đến sân bay Tân Sơn Nhất đạt 66.500 khách, tăng hơn 6.000 khách so với ngày trước đó. Trong đó, khung giờ cao điểm nhất trong ngày là từ 15 giờ đến 16 giờ và 18 giờ đến 22 giờ.

 

Thống kê của ngành hàng không cho thấy, tổng sản lượng thông vận tải bằng đường hàng không dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 qua các cảng hàng không Việt Nam đạt hơn 5.100 lần hạ cất cánh, tăng 16,6%; hơn 559.000 hành khách, tăng 77,1%; 8.800 tấn hàng hóa, tăng 15,8% so với cùng thời điểm Tết Nguyên đán năm 2021. Các hãng hàng không Việt Nam vận chuyển xấp xỉ 283.000 khách và 8.300 tấn hàng hóa, tăng tương ứng 70% về hành khách và 21% về hàng hóa so với cùng thời điểm Tết Nguyên đán năm 2021.