Vì sao Kinh Bắc bất ngờ “bốc hơi” hơn 2.200 tỷ đồng?

Diệu Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo dự báo của công ty chứng khoán, thị trường có thể điều chỉnh ở phiên kế tiếp và VN-Index còn biến động trong vùng 1.260 – 1.285 điểm.

Lợi nhuận KBC bất ngờ “bốc hơi”

Thị trường chứng khoán “xanh vỏ đỏ lòng” khi có sự hỗ trợ đồng thuận của nhóm vốn hóa lớn, vừa và nhỏ. Đóng cửa phiên giao dịch chứng khoán 30/8, VN-Index tăng 8,59 điểm (0,68%) lên 1.279,39 điểm, HNX-Index giảm 1,69 điểm (0,57%) về 293,86 điểm, UPCoM-Index tăng 0,82 điểm (0,9%) lên 92,39 điểm.

Cổ phiếu KBC của Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc giảm mạnh tới 2,67% giá trị.
Cổ phiếu KBC của Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc giảm mạnh tới 2,67% giá trị.

Dòng tiền lại ghi nhận sự thoái lui khi giảm về mức thấp nhất trong hơn 1 tháng vừa qua, bất chấp thanh khoản bứt phá trên 20.500 tỷ đồng tại phiên giao dịch trước đó.

Trong phiên này, chỉ số tăng mạnh trong khi có rất nhiều mã midcap giảm điểm, chủ yếu sắc xanh của chỉ số được kéo lên bởi các cổ phiếu trụ. Tại nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, có 18/30 mã tăng điểm, đặc biệt GVR tăng rực rỡ 6,81% nâng điểm thị trường. Bên cạnh đó, những cái tên như MSN, PDR, BID, CTG cũng đồng thuận đi lên với biên độ dao động 1% - 2%.

Ngân hàng là nhóm ảnh hưởng tích cực nhất đến chỉ số chính. Tiêu biểu là nhà băng VCB đóng góp tới 4,18 điểm cho đà hồi phục của thị trường. Sắc xanh tại VCB nhờ đó mà lan tỏa sang BID (1,92%); CTG (+1,79%); MBB (+1,07%); VBB (+1,92%)… Một số cổ phiếu ngân hàng khác đồng thuận đi lên với biên độ dưới 1% phải kể tới VPB, TCB, VCB, BVB, SGB…

Ngược chiều diễn biến thị trường chung, nhóm bất động sản - xây dựng, dầu khí, công nghệ viễn thông, thủy sản, thép… ghi nhận sắc xanh đỏ đan xen, trong khi nhóm chứng khoán chìm trong sự ảm đạm với hầu hết cổ phiếu đồng loạt giảm điểm.

Đáng chú ý trong nhóm bất động sản, cổ phiếu KBC của Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc giảm mạnh tới 2,67% giá trị. Chốt phiên KBC lùi về mốc 34.650 đồng/cổ phiếu. Đáng chú ý, toàn phiên có tới hơn 12,8 triệu cổ phiếu được khớp lệnh, và đến cuối phiên còn hơn 1,1 triệu cổ phiếu dư mua.

Đây là phiên giảm thứ 3 liên tiếp của mã cổ phiếu này, đưa mức giảm tính chung qua 1 tháng lên gần 8,1% giá trị.

Liên quan đến mã này, mới đây báo cáo soát xét bán niên 2022 của Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc – CTCP (KBC) do Công ty kiểm toán Ernst & Young Việt Nam (EY) thực hiện, cho thấy một số chỉ tiêu đã thay đổi so với báo cáo tự lập hợp nhất 6 tháng đầu năm. Cụ thể, mức chênh lệch là 2.260 tỷ đồng - giảm gần 92% so với số tự lập.

Với mức chênh “khủng” như vậy, KBC đã có văn bản giải trình theo quy định. Theo lý giải, sự chênh lệch đến từ việc KBC đã bút toán tạm thời thu nhập chênh lệch giữa phần sở hữu trong tài sản thuần từ bên bị mua, và giá phí hợp nhất kinh doanh từ thương vụ tăng tỷ lệ sở hữu tại CTCP Đầu tư Sài Gòn - Đà Nẵng lên 48%.

Cụ thể, ngày 29/6, HĐQT KBC thông qua việc mua thêm 5,7 triệu cp của Đầu tư Sài Gòn - Đà Nẵng, nâng tỷ lệ sở hữu lên 48% (tương ứng 9.6 triệu cp) và chuyển đơn vị này thành công ty liên kết của KBC. Đây được xem là khoản đầu tư “giá rẻ” của KBC, vì giá trị đầu tư tương ứng chỉ 96 tỷ đồng trong khi giá trị hợp lý của khoản đầu tư là gần 2,5 ngàn tỷ đồng. Giá trị hợp lý tài sản thuần từ Sài Gòn - Đà Nẵng được ước tính là 4,8 ngàn tỷ đồng.

Tuy nhiên, đơn vị kiểm toán là Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam (E&Y) nhận định, do số lượng tài sản lớn và tính định giá phức tạp, việc soát xét định giá trên chưa được hoàn tất. E&Y cũng lưu ý rằng bút toán ban đầu của giao dịch chuyển nhượng này đang được xác định tạm thời trên BCTC hợp nhất bán niên dựa trên giá trị sổ sách tài sản thuần của Công ty tại ngày mua. Việc hoàn tất kế toán ban đầu sẽ được thực hiện trong 12 tháng kể từ ngày mua.

Do vậy, BCTC soát xét bán niên 2022 của Công ty tạm thời chưa ghi nhận thu nhập cho giao dịch trên, và sẽ được ghi nhận sau khi E&Y hoàn thành soát xét định giá, qua đó ghi nhận vào BCTC hợp nhất năm 2022.

Với việc lãi sau thuế bán niên giảm sốc, KBC mới đạt được 4,4% kế hoạch lợi nhuận sau thuế cả năm đặt ra tại ĐHĐCĐ 2022.

Còn nhiều rủi ro

Có thể thấy, ngày 31/8 sẽ là phiên giao dịch cuối cùng trước kỳ nghỉ lễ kéo dài 4 ngày. Theo đó nhiều dự báo cho rằng những biến động dập dìu trong phiên giao dịch là điều dễ hiểu khi tâm lý e ngại việc "cầm hàng" qua lễ đang bao trùm, hơn nữa cuối tháng cũng là thời điểm các quỹ thực hiện tái cơ cấu danh mục nên có thể xuất hiện các biến động khó nắm bắt.

Theo Công ty Chứng khoán MB (MBS), việc thanh khoản giảm không phải là tín hiệu đáng ngại, khi kỳ nghỉ lễ dài ngày sắp đến khiến nhà đầu tư cũng giảm giao dịch để hạn chế rủi ro thông tin tác động từ bên ngoài hoặc giảm phí margin…

Về kỹ thuật, VN-Index đã lấp xong gap giảm ở phiên trước đó, thị trường đi lên nhờ các cổ phiếu trụ dẫn dắt khi thanh khoản thấp cũng là tín hiệu tích cực lúc này. Do vậy, khả năng thị trường tiếp tục tăng điểm ở phiên trước kỳ nghỉ với thanh khoản thấp, dòng tiền sẽ tiếp tục luân phiên giữa các nhóm cổ phiếu như ngân hàng, dầu khí, hóa chất, bất động sản khu công nghiệp, chứng khoán…

Tuy nhiên, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (FSC) lại cho rằng, thị trường có thể điều chỉnh trong phiên 31/8, và VN-Index biến động trong vùng 1.260 - 1.285 điểm. Đồng thời, thị trường vẫn đang trong giai đoạn tích lũy ngắn hạn cho nên VN-Index khó có thể vượt hoàn toàn vùng 1.260 - 1.285 điểm.

Ngoài ra, chỉ báo tâm lý ngắn hạn tiếp tục giảm cho thấy các nhà đầu tư vẫn đang bi quan với diễn biến thị trường hiện tại và rủi ro mua mới vẫn ở mức cao. Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức tăng. Do đó, các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục cơ cấu danh mục để giảm tỷ trọng cổ phiếu và hạn chế mua mới.

Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cũng cho rằng, mặc dù cơ hội mở rộng đà hồi phục của chỉ số vẫn hiện hữu, VN-Index vẫn đang phải đối mặt với rủi ro bước vào nhịp điều chỉnh xuống các vùng hỗ trợ sâu hơn nếu áp lực phân phối tiếp tục gia tăng trong những phiên tới. Nhà đầu tư được khuyến nghị bán hạ tỷ trọng trong các nhịp hồi sớm và khống chế tỷ trọng ở mức an toàn, tương ứng với mức độ chấp nhận rủi ro.

Đọc tiếp

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần