Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vì sao kinh tế Đắk Lắk 6 tháng đầu năm 2024 tăng trưởng thấp?

Lê Thắng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Đắk Lắk 6 tháng đầu năm 2024 đạt thấp so với kế hoạch đề ra. Đâu là nguyên nhân?

Thành phố Buôn Ma Thuột cần phát huy lợi thế để tắng tốc
Thành phố Buôn Ma Thuột cần phát huy lợi thế để tắng tốc

Các chỉ tiêu đạt thấp

UBND tỉnh Đắk Lắk, đánh giá tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm tiếp tục phát triển, các chỉ tiêu đều tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ năm 2023, song nhiều chỉ tiêu đạt thấp so với kế hoạch đề ra.

Trong đó, giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP- giá so sánh năm 2010) ước đạt 25.493 tỷ đồng, tăng 4,13% so với cùng kỳ năm 2023, bằng 39,56% kế hoạch năm 2024. Lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước đạt 31,4% kế hoạch; công nghiệp - xây dựng ước đạt 39,83% kế hoạch, riêng công nghiệp ước đạt 40,84% kế hoạch; dịch vụ ước đạt 45,37% kế hoạch…

Thành phố Buôn Ma Thuột là đầu tàu phát triển kinh tế của tỉnh.
Thành phố Buôn Ma Thuột là đầu tàu phát triển kinh tế của tỉnh.

Huy động vốn đầu tư toàn xã hội ước thực hiện 15.683,6 tỷ đồng, tăng 3,62% so với năm 2023, đạt 40,63% kế hoạch năm 2024. Xuất khẩu ước thực hiện 920 triệu USD đạt 57,5% kế hoạch năm 2024.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt trên 53.458 tỷ đồng, bằng 53,6% kế hoạch năm 2024.

Tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước thực hiện 4.257 tỷ đồng, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2023, bằng 60,8% dự toán Trung ương giao và bằng 50,1% dự toán HĐND tỉnh giao.

Cũng trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh có 715 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 1,13% so với cùng kỳ năm 2023, bằng 38,7% kế hoạch năm 2024. Lũy kế đến 30/6, trên địa bàn tỉnh có khoảng 12.841 doanh nghiệp còn đăng ký, hoạt động, trong đó có 11.858 doanh nghiệp và 983 chi nhánh của doanh nghiệp ngoài tỉnh đăng ký hoạt động trên địa bàn tỉnh; có 35 hợp tác xã thành lập mới, đạt 53,85% kế hoạch.

Đường Võ Nguyên Giáp tạo nên diện mạo mới cho TP Buôn Ma Thuột.
Đường Võ Nguyên Giáp tạo nên diện mạo mới cho TP Buôn Ma Thuột.

Hoạt động du lịch tăng trưởng khá, tổng doanh thu từ du lịch ước đạt 646 tỷ đồng, bằng 68% kế hoạch năm 2024.

Về công tác giải ngân vốn đầu tư công, năm 2024, tổng vốn đầu tư công của tỉnh Đắk Lắk là 6.496,86 tỷ đồng, trong đó tổng kế hoạch đầu tư công ngân sách tỉnh quản lý để thực hiện dự án là 4.559,96 tỷ đồng.

Chậm giải ngân đầu tư công cũng là nguyên nhân dẫn đến các chỉ tiêu kinh tế xã hội Đắk Lắk đạt thấp.
Chậm giải ngân đầu tư công cũng là nguyên nhân dẫn đến các chỉ tiêu kinh tế xã hội Đắk Lắk đạt thấp.

Về tình hình triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia, năm 2024 tổng vốn thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh là 1.188,5 tỷ đồng, trong đó giao chi tiết đầu năm là 1.158,5 tỷ đồng, số vốn còn lại 30 tỷ đồng phân bổ sau.

Các hoạt động văn hóa, giáo dục, y tế, đối ngoại, an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh, nổi bật là các hoạt động thi đua chào mừng kỷ niệm 120 năm ngày thành lập tỉnh.

Phân tích tìm nguyên nhân

Về nguyên nhân dẫn đến nhiều chỉ tiêu tăng trưởng của tỉnh Đắk Lắk đạt thấp so với kế hoạch đề ra, ông Đinh Xuân Hà - Chánh Thanh tra tỉnh Đắk Lắk nhận định: tính từ đầu nhiệm kỳ 2021-2025 đến nay, tỉnh Đắk Lắk không có sự phát triển vượt trội.

Một trong những nguyên nhân là do Đắk Lắk kêu gọi đầu tư đạt thấp, không có những dự án lớn mang tính đột phá để thúc đẩy sự phát triển. Tính hết 6 tháng năm 2024, Đắk Lắk có hơn 47 nhà đầu tư đến tìm hiểu môi trường đầu tư, có 38 nhà đầu tư đã nộp hồ sơ đề nghị cấp chủ trương đầu tư với tổng giá trị 3.746,8 tỷ đồng. Nhưng UBND tỉnh mới phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư cho 9 dự án với tổng mức đăng ký đầu tư 2.736 tỷ đồng, là chưa xứng tầm với tiềm năng lợi thế của tỉnh.

Từ đó, tỉnh cần thực hiện có hiệu quả hơn nữa về xúc tiến đầu tư, tập trung tháo gỡi những tồn tại vước mắc của các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư để các nhà đầu tư thực hiện dự án nhanh hiệu quả nhằm thức đầy kinh tế phát triển có tính đột phá.

Đắk Lắk kêu gọi đầu tư còn hạn chế.
Đắk Lắk kêu gọi đầu tư còn hạn chế.

Về sản xuất công nghiệp, thương mại - dịch vụ, một chỉ tiêu quan trọng thúc đẩy phát triển nền kinh tế đạt thấp, ông Lư Văn Khôi - Giám đốc Sở Công Thương cho biết: sản xuất công nghiệp của Đắk Lắk chủ yếu là điện năng, sắt thép, vật liệu xây dựng và các sản phẩm bia rượu, và chế biến nông sản. Song, do sức tiêu thụ chậm nên hoạt động sản xuất bị giảm.

Về sản xuất điện năng phụ thuộc vào Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, trong khi ngành điện ở Đắk Lắk chủ yếu hiện nay là thủy điện, do nguồn nước cạn kiệt, chỉ điều độ phát điện khi có yêu cầu nên sản lượng điện cũng giảm ảnh hưởng đến chỉ tiêu sản xuất công nghiệp không đạt như mong muốn.

Các sản phẩm bia rượu chiếm tỷ lệ đáng kể trong sản xuất công nghiệp tỉnh Đắk Lắk.  
Các sản phẩm bia rượu chiếm tỷ lệ đáng kể trong sản xuất công nghiệp tỉnh Đắk Lắk.  

Đối với ngành nông nghiệp, được xác định là trụ đỡ của nền kinh tế, thế nhưng việc gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn.

Về thực trạng này ông Nguyễn Hoài Dương - Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk cho rằng: để ngành nông nghiệp thực sự phát huy thế mạnh, bền vững là trụ đỡ vững chắc cho nền kinh tế, đang cần ngành công nghiệp chế biến đi cùng. Trong khi đó việc thu hút đầu tư cho hoạt động chế biến các sản phẩm nông nghiệp sau thu hoạch còn hạn chế.

Bên cạnh đó, giá vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp tăng và không có dấu hiệu giảm nhiệt. Do đó, việc kêu gọi đầu tư vào các hoạt động chế biến nông sản sau thu hoạch nhằm nâng cao giá trị sản phẩm là rất cần thiết và cấp bách. Điều này cần có sự chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt của UBND tỉnh để các địa phương, sở, ngành vào cuộc quyết liệt để thực hiện.

Chế biến cà phê chất lượng cao.
Chế biến cà phê chất lượng cao.

Cần có giải pháp quyết liệt, trọng tâm

Để tháo gỡ những vấn đề còn bất cập cản trở sự phát triển, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà đề nghị các sở, ngành, đơn vị, địa phương tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Triển khai thực hiện Quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk và kế hoạch thực hiện Quy hoạch cấp huyện. Cung cấp đầy đủ, kịp thời tài liệu quy hoạch và hướng dẫn các đơn vị, địa phương trong việc triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh, nhất là quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, bảo đảm tính đồng bộ giữa các loại quy hoạch làm cơ sở để thu hút đầu tư.

Đắk Lắk cần thực hiện quyết liệt kế hoạch đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân các nguồn vốn
Đắk Lắk cần thực hiện quyết liệt kế hoạch đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân các nguồn vốn

Thực hiện quyết liệt kế hoạch đầu tư công; đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân các nguồn vốn. Bên cạnh đó, triển khai quyết liệt 3 Chương trình mục tiêu quốc gia bảo đảm đúng tiến độ kế hoạch.

Tập trung kêu gọi đầu tư phát triển công nghiệp, công nghiệp chế biến. Nhất là, thực hiện tháo gỡ những khó khăn vướng mắc để các nhà đầu tư đã được chấp thuận chủ trương hoàn tất thủ tục, có mặt bằng để triển khai dự án, nhanh chóng đưa vào hoạt động gia tăng giá trị sản phẩm cho nền kinh tế. Nếu không, kịch bản tăng trưởng kinh tế đạt thấp sẽ còn tái diễn.