Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vì sao lao động giúp việc gia đình chưa được bảo vệ?

Thuỷ Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhu cầu nhân lực lao động giúp việc gia đình ngày càng gia tăng ở Việt Nam. Mặc dù Nhà nước đã có các quy định pháp lý bảo vệ quyền lao động giúp việc gia đình, thế nhưng đến nay vẫn chưa có hợp đồng tiêu chuẩn cho mối quan hệ lao động giúp việc gia đình và chủ sử dụng.

Ngày 10/11, tại Hội thảo tham vấn về hợp đồng tiêu chuẩn đối với lao động giúp việc gia đình tại Việt Nam, bà Anna Olsen - chuyên gia kỹ thuật Chương trình Tam giác ILO khu vực Asean cho biết: Trên thế giới, cứ 13 lao động làm công ăn lương thì có 1 người là lao động giúp việc gia đình. Đến nay, toàn thế giới có 67 triệu lao động giúp việc gia đình, trong đó hơn 80% là phụ nữ. 
Độ tuổi trung bình của lao động giúp việc gia đình là 44,8. Ảnh: Internet: 
Bà Anna cũng dự báo, số lao động giúp việc gia đình di cư có khả năng tăng lên để đáp ứng nhu cầu chăm sóc và dịch vụ gia đình. Tuy nhiên, những người giúp việc gia đình lại đang gặp rủi ro về buôn bán người hoặc bị cưỡng bức. Nhất là khi họ thường xuyên làm việc tại nơi biệt lập, bị phân biệt đối xử.
Tại Việt Nam, nhu cầu giúp việc gia đình đang ngày càng gia tăng và là nghề phổ biến đối với lao động nữ di cư. Không chỉ trong nước, nhiều thị trường lao động nước ngoài đang là điểm đến của lao động giúp việc gia đình Việt Nam như: Đài Loan, Ma Cao, Cyprus, và Ả rập Xeut.
Theo Giám đốc GFCD Ngô Thị Ngọc Anh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình và phát triển cộng đồng, lao động giúp việc gia đình tại Việt Nam có tới 98,6% là phụ nữ, trong đó khoảng 75% là người di cư. Vì nhiều người chưa coi trọng việc này và bản thân lao động giúp việc gia đình không coi đây là một nghề thực sự nên có tới 96,8% chưa qua đào tạo. Không chỉ thế, trình độ học vấn của lao động giúp việc gia đình thấp, có tới 77% lao động chỉ học từ tiểu học đến THCS.

Theo bà Ngọc Anh, 70% lao động giúp việc gia đình tiềm năng chưa biết đến các quy định pháp luật liên quan quyền lợi người lao động. Đây là một trong những lý do dẫn đến 97% lao động giúp việc không tham gia bảo hiểm xã hội. Và, hiện nay chỉ có 19,5% lao động giúp việc gia đình có bảo hiểm y tế nhưng phần lớn tự mua hoặc thuộc diện Nhà nước chi trả (hộ nghèo, gia đình chính sách).

“Định kiến giúp việc gia đình còn nặng nề, chưa xem đây là nghề. Bản thân người lao động giúp việc gia đình không muốn ký hợp đồng lao động do thiếu hiểu biết, thiếu thông tin. Về phía chủ sử dụng lao động không muốn ký vì cho rằng các quy định hiện giờ chỉ tập trung lợi ích của NLĐ và không muốn tăng chi phí cho bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế...”, bà Ngọc Anh nêu ra nguyên nhân dẫn đến chỉ 3% lao động giúp việc gia đình tham gia BHXH..

Để bảo vệ người giúp việc, bên cạnh việc thực hiện những quy định bảo vệ quyền lao động giúp việc gia đình, các chuyên gia tình bày bản Hợp đồng tiêu chuẩn giúp việc gia đình. Văn bản có nhiều nội dung nêu rõ trách nhiệm của người lao động và chủ sử dụng.

Bàn luận về bản hợp đồng tiêu chuẩn, Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và Tiền lương, Bộ LĐTB&XH Tống Thị Minh nhấn mạnh đến các nội dung: Tiền lương lao động giúp việc gia đình theo thoả thuận nhưng đảm bảo không thấp hơn mức lương tối thiểu tính theo vùng. Tiền lương làm thêm giờ, tiền lương ngừng việc phải được thực hiện theo quy định chung của pháp luật lao động. Lao động giúp việc gia đình được nghỉ ít nhất 1 ngày trong 1 tuần, khi làm việc đủ 12 tháng/năm sẽ được nghỉ phép 12 ngày, hưởng nguyên lương.

Khi thực hiện ký hợp đồng lao động, người lao động giúp việc gia đình có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin cho chủ sử dụng lao động. Trong quá trình làm việc, luôn tuân thủ các điều khoản đã thoả thuận trong hợp đồng lao động. Khi làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị hoặc gây thiệt hại tài sản của người sử dụng lao động thì người giúp việc phải có trách nhiệm bồi thường.

Lao động giúp việc thu nhập 5,7 triệu đồng/tháng

Thông tin từ GFCD, lao động giúp việc gia đình nội địa có thời gian làm việc trung bình 11 giờ/ngày. Lao động giúp việc gia đình sống cùng gia chủ có thu nhập 5.730.000 đồng/tháng (lương 3.000.000 đồng, hỗ trợ 130.000 đồng, chi phí sinh hoạt 2.600.000 đồng.