Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vì sao liên tiếp xảy ra các vụ thảm án kinh hoàng?

Theo VOV.VN
Chia sẻ Zalo

Sức ép về việc làm, về mưu sinh, tiền bạc… đã chi phối, làm thay đổi giá trị sống của một bộ phận người dân, dẫn tới xung đột, thảm án xảy ra nhiều hơn.

Hàng loạt vụ thảm án xảy ra thời gian qua tại nhiều địa phương trong cả nước khiến dư luận xã hội không khỏi bất an, lo sợ. Nói về gốc rễ, căn nguyên của tình trạng vi phạm pháp luật, người ta thường nhìn nhận ở góc độ xã hội, ở nguyên nhân nền tảng giáo dục, nhưng liệu đây có phải là căn nguyên chính?
Phóng viên đã có cuộc trao đổi với Đại tá, Tiến sĩ Đỗ Cảnh Thìn - Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu tội phạm học và điều tra tội phạm, Học viện Cảnh sát Nhân dân để làm rõ hơn vấn đề này.
Phương thức gây án ngày càng manh động, tàn nhẫn
PV: Những vụ thảm án, vi phạm pháp luật trong hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội thời gian qua khiến nhiều người lo ngại về một xã hội bất an. Theo ông, sự lo lắng đó có thái quá?
Đại tá, Tiến sĩ Đỗ Cảnh Thìn: Việc xã hội lo lắng, cảm thấy bất an là điều tất yếu. Một vụ án xảy ra thu hút dư luận xã hội rất lớn, chưa kể lại là những vụ án gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng như giết người, cướp tài sản.
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và điều tra tội phạm, mỗi năm, trung bình số vụ phạm pháp hình sự vào khoảng 50.000-65.000 vụ, tăng giảm mỗi năm khác nhau, nhưng không nhiều nên chưa có căn cứ để cho rằng số vụ án hình sự gia tăng hàng năm. 
 Đại tá, Tiến sĩ Đỗ Cảnh Thìn. Ảnh: Kim Anh
Tuy nhiên, số vụ gây án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trong những năm gần đây cho thấy tính chất hoạt động của tội phạm đang trở nên rất nghiêm trọng. Trong nhiều vụ án, bị cáo là trẻ vị thành niên gây ra những vụ án trước đây chưa bao giờ xảy ra, phương thức thủ phạm hoạt động hết sức manh động, dã man, tàn nhẫn.
Phải nhấn mạnh rằng, những sự việc, vụ án nghiêm trọng này gây bức xúc trong dư luận, nhưng nó không phải là hiện tượng xã hội mang tính phổ biến. Không vì số vụ án nghiêm trọng gia tăng thời gian qua mà nhận định xã hội là bất an. Bởi còn rất nhiều lĩnh vực khác vẫn đang hoạt động bình thường, việc đảm bảo bình yên cho cuộc sống của người dân của các cơ quan, tổ chức vẫn diễn ra bình thường. Những vụ án mà dư luận coi là chấn động xã hội, vẫn xảy ra ở nhiều quốc gia, kể cả ở những quốc gia có nền văn minh phát triển.
PV: Những vụ thảm án liên tiếp xảy ra, phản ánh hiện tượng không bình thường trong đời sống xã hội hay đó là mặt trái đương nhiên của nền kinh tế thị trường, của một xã hội phát triển?
Đại tá, Tiến sĩ Đỗ Cảnh Thìn: Những vụ thảm án xảy ra thời gian qua cần được cắt nghĩa dưới nhiều góc độ, trước hết là những mâu thuẫn, xung đột thường xảy ra từ những va chạm hàng ngày trong sinh hoạt, công việc, quan hệ làm ăn, quan hệ tình cảm. Khi những xung đột tích tụ, dồn nén lâu ngày gặp những điều kiện bất lợi rất dễ dẫn đến những hành vi nguy hiểm, khó kiểm soát. 
Kết quả nghiên cứu hàng năm của Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và điều tra tội phạm, số vụ phạm pháp hình sự có nguyên nhân “xã hội” (những người phạm tội không phải là đối tượng hình sự nguy hiểm, có tiền án tiền sự, băng nhóm, mà tội phạm là những người lao động bình thường) nhiều năm nay luôn dao động trên dưới 70%, có nghĩa cứ 100 người phạm tội bị bắt giữ thì có tới 70 người chưa bao giờ phạm tội, không phải đối tượng hình sự. 
Một kết quả nghiên cứu nữa cho thấy, 15% số vụ giết người là do người thân quen trong gia đình sát hại lẫn nhau, đây là một biểu hiện rất đáng lo ngại. 
Một vấn đề nữa chúng ta cần nhìn nhận đó là áp lực cuộc sống hiện nay tác động vào xã hội, vào mỗi con người rất quyết liệt. Sức ép về việc làm, về mưu sinh, tranh chấp, tiền bạc… những tác động từ mặt trái của thị trường đã chi phối, làm thay đổi giá trị sống của một bộ phận người dân, dẫn đến lối sống thực dụng, ích kỷ, vô cảm. Mặc khác, trong sự biến động mạnh mẽ của thời kỳ hội nhập, toàn cầu hóa, quán tính của lối sống cũ, tư duy cũ còn khá phổ biến, khá nặng nề, chưa thích nghi được với môi trường mới. Trong văn hóa đạo đức, con người ta thiếu một phần kỹ năng sống... nên dễ tạo sự xung đột, thay đổi giá trị sống, dẫn tới vụ án nhiều hơn trước đây.
Kinh tế phát triển, tội phạm gia tăng là bình thường
PV: Vậy theo ông có mâu thuẫn không khi hệ thống pháp luật ngày càng được hoàn thiện, lực lượng an ninh tăng cường, văn hóa phát triển mà tình hình vi phạm pháp luật lại gia tăng nghiêm trọng?
Đại tá, Tiến sĩ Đỗ Cảnh Thìn: Môi trường giáo dục, môi trường gia đình và môi trường xã hội là 3 môi trường căn bản. Trong bất kể thời kỳ nào, môi trường nào và xã hội nào, nếu 3 môi trường này ổn định sẽ hạn chế được những hành vi vi phạm pháp luật.
Trong thời kỳ chúng ta phát triển kinh tế, khi thể chế mới đang hình thành, sự hội nhập tác động đa chiều trong khi những mâu thuẫn nội tại, chưa bắt kịp được sự phát triển tạo ra xung đột vì vậy việc tăng cường an ninh, tăng cường phát triển kinh tế, tội phạm gia tăng là vấn đề bình thường. 
Không thể trong một lúc giải quyết được tất cả các vấn đề phức tạp trong cuộc sống, mà nhiệm vụ của chúng ta là từng bước ngăn chặn nó.
PV: Vậy theo ông đâu là gốc rễ của tình trạng vi phạm pháp luật. Phải chăng là chủ nghĩa cá nhân, lối sống thực dụng đang gia tăng, chi phối đời sống xã hội?
Đại tá, Tiến sĩ Đỗ Cảnh Thìn: Chủ nghĩa cá nhân, lối sống thực dụng ở thời kỳ nào cũng có. Trong nền kinh tế thị trường, giá trị đồng tiền, yếu tố thực dụng được đặt lên rất cao, nổi bật nhất là sự phân tầng xã hội, tác động vào tư tưởng, nhận thức, hành vi của mỗi người.
Nhịp sống ngày nay đòi hỏi mỗi con người phải gấp hơn, “sống chậm” chỉ còn phù hợp với một số bộ phận dân cư. Với yêu cầu của cuộc sống, sự phát triển năng động và hội nhập hiện nay, yếu tố sống gấp tác động ảnh hưởng đến tâm lý, nhận thức. Vì vậy, yếu tố thực dụng, chủ nghĩa cá nhân, ích kỷ, tham lam sẽ chi phối rất nhiều và tạo ra xung đột, một bộ phận con người sẽ bị mất niềm tin vào những sự đúng đắn vẫn đang tồn tại.
PV: Theo ông, giải pháp nào cần được ưu tiên để giải quyết tình trạng này?
Đại tá, Tiến sĩ Đỗ Cảnh Thìn: Có rất nhiều giải pháp, nhưng tôi cho rằng trước hết phải đầu tư vào con người bởi con người là chủ thể của tội phạm, là chủ thể vận động. Đầu tư con người phải bắt đầu từ trong gia đình. Qua nghiên cứu, những vụ phạm pháp do đối tượng thanh thiếu niên gây ra có tỷ lệ rất cao, đặc biệt những đối tượng từng phải chịu ảnh hưởng của bạo lực gia đình, gia đình đổ vỡ ly tán; gia đình không gương mẫu chấp hành các quy định tại nơi cư trú, gia đình có người nghiện (rượu, cờ bạc, ma túy…), thậm chí gia đình có người vi phạm pháp luật. 
Gia đình là nơi nuôi dưỡng tâm hồn, nhân cách, lối sống, đạo đức tử nhỏ nhưng rất tiếc nhiều gia đình lại giáo dục con cái chạy theo những giá trị thực dụng.
PV: Xin cảm ơn ông.