Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vì sao ngại công khai?

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phòng, chống tham nhũng có lẽ là chủ đề không bao giờ giảm tính thời sự từ trong đời sống xã hội vào đến diễn đàn Quốc hội.

Thời gian qua, liên tục những vụ "đại án tham nhũng" được đưa ra ánh sáng, nhiều quan tham lần lượt ra hầu tòa khiến dư luận ngày càng “nóng” hơn. Đó là minh chứng cụ thể nhất cho quyết tâm phòng, chống tham nhũng của các cấp, các ngành, nhưng như ý kiến của nhiều đại biểu, kết quả đã có sức răn đe nhất định, nhưng chưa thực sự mang tính đột phá.
Thực tế cho thấy, giữa phát hiện, xử lý và thực trạng tham nhũng vẫn còn một khoảng cách rất lớn khiến không ít người cảm thấy "day dứt". Mục tiêu của công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) là ngăn chặn và đẩy lùi. Nhưng T.Ư, Quốc hội và ngay cả Chính phủ cũng khẳng định chưa thực sự ngăn chặn, đẩy lùi được tham nhũng. Các đại biểu (ĐB) băn khoăn khi Chính phủ nhận định tình hình tham nhũng giảm nhưng số liệu các vụ án tham nhũng lại tăng so với năm trước. Rồi việc thực hiện Chỉ thị 50 của Bộ Chính trị là phải xử lý người đứng đầu, nhưng cả năm 2017 chỉ có 39 người bị xử lý.
"Thanh bảo kiếm trong PCTN là công khai”, nhưng nhiều ý kiến cho rằng, chỉ riêng việc công khai các kết luận thanh tra vẫn còn vấn đề, tuy pháp luật đã quy định, nhưng vẫn còn tình trạng là ngại công khai, cứ sợ công khai ra thì tình hình thêm phức tạp. Một thực trạng lạm dụng yêu cầu bảo mật thông tin để không công khai hoặc có công khai nhưng nội dung không cụ thể, chậm, thiếu minh bạch, công khai trong phạm vi hẹp, nhất là tài chính công, tài sản công, đấu thầu… cũng được thẳng thắn chỉ ra. Rồi việc công khai, minh bạch trong việc kê khai tài sản của cán bộ công chức, tạo hành lang pháp lý trong việc kiểm soát quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn cũng là một vấn đề hạn chế. Bởi thế, đấu tranh PCTN, mục đích cao nhất là phải thu hồi được tài sản, nhưng trong nhiều năm qua, vẫn chưa tìm ra giải pháp cho việc này, hiệu quả thu hồi tài sản vẫn thấp.
Và tính công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan cũng được cho là hiệu quả chưa cao. Như Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga đã nói, nếu như trước đây, tình trạng “lợi ích nhóm”, sân sau mới chỉ là nghi ngờ của dư luận, nhưng qua một số vụ án lớn được xét xử gần đây, qua kết quả kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra T.Ư Đảng cho thấy những nghi ngờ của dư luận cử tri là có căn cứ.
Trong Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV này, cùng với nhận diện đúng tình hình tham nhũng, Quốc hội cũng sẽ tiến hành việc sửa đổi Luật PCTN. Nhiều người kỳ vọng rằng, với những kết quả đã có, những quy định đã ban hành, việc sửa luật sẽ tiếp tục tạo ra một cơ chế phòng ngừa tham nhũng toàn diện và sâu rộng. Trong đó, xây dựng một cơ chế quản lý Nhà nước, quản lý xã hội công khai, minh bạch để “không thể tham nhũng”; tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc ngăn chặn, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi tham nhũng hiệu quả ngay từ khi manh nha. Đồng thời cũng giúp trả lời được câu hỏi ĐB và cử tri vẫn băn khoăn, tham nhũng có thực sự giảm?