Vì sao nhu cầu thuê văn phòng cao cấp của doanh nghiệp ngoại tăng?

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong 3 năm gần đây, khách thuê văn phòng là doanh nghiệp nước ngoài chiếm tỷ trọng vượt trội với 63%.

Nguồn thuê nước ngoài tăng
Số liệu thống kê từ Savills Việt Nam, tính từ năm 2017 đến hết quý III/2019, thị trường văn phòng cho thuê Việt Nam có sự lấn lướt của khối ngoại so với các doanh nghiệp trong nước. Cụ thuể, tỷ trọng giữa khách thuê văn phòng Việt Nam và nước ngoài lần lượt là 37% và 63%.
Đáng chú ý, đa phần khách thuê nước ngoài có xu hướng lựa chọn những văn phòng cao cấp có không gian rộng, tiện nghi; còn đối với khách thuê trong nước có xu hướng tìm những văn phòng có mức giá “mềm” ở những phân khúc thấp hơn. Trong nửa đầu năm 2019, có đến 80% diện tích thuê tại các tòa hạng A là của khách thuê nước ngoài. Riêng tại TP Hồ Chí Minh, hai ngành chiếm tỷ trọng cao nhất là bất động sản (57%) và công nghệ thông tin (14%). Trong đó, phần lớn giao dịch đến từ các không gian làm việc chung (Co-working space).
 Văn phòng cho thuê tăng giá vì cung - cầu chênh lệch.
Qua khảo sát cho thấy, Việt Nam hiện là một trong những thị trường có hoạt động cho thuê văn phòng Hạng A tốt nhất khu vực châu Á, với công suất 98% và giá thuê 60 USD/m2/tháng. Trong đó TP Hồ Chí Minh là địa bàn sở hữu nhiều văn phòng Hạng A nhất tại Việt Nam hiện nay.
Theo Giám đốc bộ phận nghiên cứu CBRE Việt Nam Dương Thùy Dung, trong hai năm tới nguồn cung mới sản phẩm cho thuê tại Việt Nam dự kiến sẽ có thêm khoảng 300.000m2, thị trường vẫn được kỳ vọng sẽ hoạt động tốt trong bối cảnh nguồn cung mới khan hiếm và giá cho thuê sẽ tiếp tục gia tăng.
“Các khách thuê cần văn phòng mới hoặc muốn mở rộng diện tích hiện tại sẽ không có nhiều lựa chọn bởi nguồn cung hạn chế trong tương lai gần, vì vậy giá thuê dự báo sẽ tăng” – bà Dung nhận định.
Chênh lệch cung – cầu
Cũng theo đại diện của CBRE, nhu cầu thuê văn phòng liên tục ghi nhận những điểm tích cực, đặc biệt là sau chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Cuộc chiến thương mại này đã thúc đẩy các công ty sản xuất và logistics nước ngoài tìm kiếm mặt bằng văn phòng để dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Gần 40% tổng các yêu cầu thuê mới đến từ công ty sản xuất và logistics và 50% trong số đó có văn phòng tại Trung Quốc. Bên cạnh ngành Sản Xuất và Logistics, các công ty công nghệ thông tin cũng chiếm thị phần đáng kể với 15% tổng số yêu cầu thuê. Những công ty công Nghệ này mở rộng nhanh chóng và họ tìm kiếm mặt bằng lớn để hợp nhất các chi nhánh nhỏ khác nhau.
Do kinh tế vĩ mô của Việt Nam phát triển tăng trưởng mạnh trong suốt thời gian qua đã làm gia tăng nhu cầu cần thuê văn phòng của các doanh nghiệp lớn. Việc quy hoạch đô thị hóa đang gặp phải vướng mắc lớn, tại khu vực trung tâm quỹ đất để xây văn phòng không còn, việc hạn chế cấp phép mới cho các dự án dẫn đến nguồn cung văn phòng cho thuê vào thị trường thiếu hụt, cung – cầu không chênh lệch, giá thuê được đẩy lên cao.
Lý giải về điều này, Chuyên gia Vũ Tuấn Trường – Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng, thời gian qua tỷ giá đô la Mỹ tăng mạnh và Việt Nam Đồng VNĐ trượt giá, do FED (Cục dự trữ Liên bang Mỹ) tăng lãi, lạm phát ở Việt Nam ở mức tương đối cao… là một trong những nguyên nhân dẫn đến giá thuê văn phòng tăng cao trong thời gian qua.
Bênh cạnh đó, thị trường xuất hiện hình thức kinh doanh cho thuê lại văn phòng dẫn đến bên độ chênh lệch giá thuê văn phòng tăng. Ngoài ra, thị trường bất động sản trong thời gian 2 năm qua giá mua bán tăng mạnh dẫn đến chi phí đầu tư mua tòa nhà, chi phí xây dựng cũng tăng mạnh do vậy giá đầu ra sẽ tất yếu gia tăng theo.
“Mặc dù giá thuê được đánh giá là tăng, nhưng ở các Hạng khác nhau sẽ có những diễn biến khác nhau. Trong đó, Hạng A sẽ bị hạn chế bởi giá thuê đã ở mức cao gấp đôi so với các Hạng thấp hơn, đồng thời ở các Hạng thấp hơn cũng có sự cạnh tranh lớn, khi đó các nhà phát triển BĐS cũng dành sự quan tâm lớn trong việc đầu tư thêm các tiện ích, nên vẫn còn nhiều đất để tăng giá thuê” – ông Trường nhìn nhận.