Những lý do nhỏ nhặt
Theo chia sẻ của Chỉ huy Công an quận Hà Đông, TP Hà Nội, thời gian gần đây trên địa bàn quận đã có 2 trường hợp thiếu niên bị bố mẹ trách mắng về việc học tập chưa tốt đã tự ý bỏ nhà đi, cắt liên lạc, thuê nhà ở trọ để ở. Đó là trường hợp cháu N.T.Q.T, trú tại Vạn Phúc, Hà Đông, dịp Tết vừa qua về quê ở Thanh Liêm, Hà Nam ăn Tết.
Ngày 15/2/2024, cháu T lên xe khách trở về Hà Nội. Đến bến xe Giáp Bát, T đã không về nhà chỉ vì mẫu thuẫn trong sinh hoạt với mẹ. Sau khi mẹ của T đăng tìm con trên mạng xã hội, Công an Hà Đông vào cuộc xác minh đã tìm được T đang ở nhà trọ cùng bạn tại xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì, Hà Nội và bàn giao về cho gia đình.
Cũng với tình trạng này, cháu D.T.N.A, sinh năm 2008, hiện đang học lớp 10, sống cùng bố mẹ và hai em tại phường Vạn Phúc. Do kết quả học tập của cháu A tại trường không tốt, bố mẹ cháu đã mắng và yêu cầu cháu cần cố gắng học hơn.
Tuy nhiên, A cho rằng bố mẹ không còn quan tâm tới mình. Do đó, ngày 30/3, A viết một bức thư nội dung: “Bố mẹ tốt với con quá, con xin lỗi vì đã không được như bố mẹ mong muốn. Đừng tìm con. Hãy thay đổi tất cả để các em không như con. Con yêu bố mẹ!” rồi bỏ nhà đi.
Phát hiện con gái để lại thư nội dung trên ở phòng, không liên lạc được với cháu A nên bố mẹ cháu đã đến Công an quận Hà Đông trình báo. Sau khi xác minh, Công an quận Hà Đông đã phát hiện cháu A thuê nhà trọ tại phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội và bàn giao cháu cho gia đình.
Cần nhìn nhận vấn đề từ 2 phía
Theo đánh giá của đại diện cơ quan công an Hà Đông, các cháu bỏ nhà đi đều trong độ tuổi dậy thì, tâm lý một bộ phận thiếu niên không ổn định, dễ bức xúc trước những lời nhắc nhở nhất là của cha mẹ, người thân. Về phía bố mẹ, người thân khi nói chuyện với con cái chưa có cách thể hiện phù hợp, đôi khi thiếu tôn trọng với con cái.
Lãnh đạo công an quận Hà Đông cho biết: nguyên nhân dẫn đến việc các cháu ở lứa tuổi học sinh bỏ nhà đi, một phần do thiếu sự quan tâm giáo dục, tìm hiểu tâm sinh lý con cái của các bậc cha mẹ. Khi con bỏ nhà đi, các gia đình chưa tự tìm hiểu, kiểm tra kỹ các thông tin để tìm kiếm, động viên con về nhà mà báo cơ quan chức năng làm ảnh hưởng đến tâm, sinh lý của các cháu.
Mặc khác, việc quản lý, giáo dục đạo đức, nhân cách, trang bị kỹ năng sống, kiến thức cơ bản về pháp luật của cha mẹ, nhà trường chưa phù hợp với lứa tuổi, tâm sinh lý của học sinh.
Về phía các cháu, khi bỏ nhà đi ở độ tuổi tâm lý không ổn định, một phần do một số em có cái tôi cao, muốn thể hiện mình. Để giảm tình trạng thanh, thiếu niên bỏ nhà đi, cơ quan công an khuyến cáo các gia đình, nhà trường và các tổ chức đoàn thể tại địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhằm nâng cao trách nhiệm trong việc quản lý, giáo dục con cái của các bậc cha mẹ.
Đồng thời quan tâm giáo dục đạo đức, nhân cách, trang bị kỹ năng sống, kiến thức cơ bản về pháp luật phù hợp lứa tuổi, tâm sinh lý của các em trong gia đình, kịp thời uốn nắn những hành vi lệch chuẩn, không để các em vi phạm pháp luật và vướng vào các tệ nạn xã hội.
Ngành giáo dục và đào tạo cần phối hợp với gia đình tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bảo vệ trẻ em, kỹ năng phòng, chống bạo lực học đường, xâm hại trẻ em phù hợp với lứa tuổi, giới tính. Đặc biệt, nâng cao chất lượng giáo dục các em về đạo đức, kỹ năng sống, ý thức trách nhiệm đối với bản thân, gia đình, xã hội, nhất là đối với số học sinh cá biệt, bỏ học và có dấu hiệu vi phạm pháp luật...
Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Hoa, ở phường Văn Quán, quận Hà Đông chia sẻ: “Tôi cũng có con đang ở độ tuổi vị thành niên. Để thấu hiểu được tâm sinh lý, cũng như mong muốn của con, tôi luôn lựa chọn cách nói chuyện với con như hai người bạn. Khi mình cho con mình một điểm tựa về tâm lý thì con sẽ chia sẻ với mình mọi khúc mắc trong lòng. Từ đó, bản thân tôi cũng phải điều chỉnh hành vi, cử chỉ, lời nói đối với con.
Đồng thời cũng theo đó mà bà Hoa nói với con những tệ nạn ngoài xã hội đang có để con có thể tránh. Đặc biệt, vấn đề giáo dục đạo đức với con là rất quan trọng và cần được làm hàng ngày. Đó là xây dựng tình yêu, trách nhiệm của cha mẹ đối với con cái và trách nhiệm của con trong việc chia sẻ đối với cha mẹ về các hoạt động việc nhà, việc học tập.
Ông cha ta xưa đã có câu: “Uốn cây từ thuở còn non, dạy con từ thuở con còn thơ ngây”. Đúng vậy, mỗi ngày các bậc phụ huynh điều chỉnh con một chút theo hướng cởi mở, chia sẻ thì nhận thức của các con sẽ thay đổi tích cực và hình thành nền nếp.