Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vì sao phải bổ cập nước cho sông Tô Lịch?

Công Trình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Nhằm “hồi sinh” sông Tô Lịch, ngoài việc triển khai xây dựng Dự án Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá, các đơn vị chức năng đang tiếp tục kiến nghị TP cho phép dẫn nước từ sông Hồng vào bổ cập cho sông Tô Lịch.

Theo nhiều chuyên gia, đây là đề xuất không mới. Vậy, tại sao các đơn vị chức năng Hà Nội lại tiếp tục đề cập đến biện pháp này. Và biện pháp này sẽ có tác dụng như thế nào đối với sông Tô Lịch?
 Theo các chuyên gia, bổ cập nước sông Hồng cho sông Tô Lịch là việc cần thiết.
Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cấp thoát nước và Môi trường GS.TS Trần Đức Hạ, biện pháp dẫn nước sông Hồng để bổ cập, từ đó cải thiện chất lượng nước sông Tô Lịch sẽ là giải pháp hợp lý kết hợp với việc thu gom toàn bộ nước thải để xử lý mà TP Hà Nội đang triển khai. Theo lý giải của GS.TS Trần Đức Hạ, đã là sông phải có dòng chảy và biện pháp dẫn nước sông Hồng vào bổ cập cho sông Tô Lịch là một trong những việc làm cần thiết.
Cũng theo GS.TS Trần Đức Hạ, việc bổ cập nước sông Hồng vào sông Tô Lịch đã được đưa vào quy hoạch thoát nước của Hà Nội, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cuối năm 2012. Bên cạnh đó, vào mùa khô, khi lượng mưa thấp, nếu không có nước bổ cập, sông Tô Lịch sẽ đứng trước nguy cơ chạm đáy và trở thành dòng sông chết.
Đồng quan điểm trên, nguyên Giám đốc Ban QLDA thoát nước Hà Nội (nay là Ban QLDA đầu tư Công trình Cấp, thoát nước và môi trường TP) Phạm Văn Cường, với đặc điểm của sông Tô Lịch là mùa mưa, dòng chảy mới được lưu thông, mùa khô thì nước sông sẽ trở nên “tù”, thậm chí có khi cạn trơ đáy nên vẫn phải được bổ cập nước thường xuyên.
 Không chỉ cải thiện môi trường, việc bổ cập nước sẽ giúp tạo ra dòng chảy cho sông Tô Lịch.
Cùng quan điểm trên, nhiều chuyên gia nhấn mạnh, việc dẫn nước sông Hồng vào sông Tô Lịch là rất cần thiết, đặc biệt là khi Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá đi vào hoạt động. Theo lý giải của các chuyên gia, khi nhà máy hoàn thành, lượng nước thải từ các hộ dân dọc bờ sông sẽ chảy vào hệ thống cống gom, tức không còn chảy trực tiếp xuống sông. Như vậy, nếu không có nước bổ cập, chỉ trông chờ vào lượng nước tự nhiên thì sông Tô Lịch cũng chỉ là một cái ao tù, không có nhiều giá trị.
Còn nhớ, những ngày giữa năm 2019, Hà Nội trải qua đợt mưa lớn kéo dài khiến mực nước ở Hồ Tây tăng cao. Để đảm bảo an toàn, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đã tiến hành mở các cửa thoát để đưa nước trong hồ về mức an toàn và mở cửa xả dẫn nước từ Hồ Tây vào sông Tô Lịch.
Nhờ đó, nước, chất lượng nước tại sông Tô Lịch đã được thay đổi. Trước đó, năm 2018, đơn vị này cũng đã thử nghiệm xả nước ở Hồ Tây ra sông Tô Lịch, bước đầu cho thấy dòng nước đen không còn, thay vào là màu nước xanh đặc trưng của hồ; mùi hôi thối, ô nhiễm cũng biến mất.