Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vì sao phổ biến pháp luật còn mang tính hình thức?

Phạm Văn Dùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, mặc dù công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được đổi mới về nội dung, đa dạng về hình thức tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng hiệu quả công tác này vẫn chưa rõ nét, chưa khắc phục được tính hình thức, phong trào.

Nhiều mô hình PBGDPL
Theo Bộ Tư pháp, trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) nhiều giải pháp tiếp tục đổi mới nội dung, đa dạng hóa phù hợp với từng nhóm đối tượng, địa bàn. Nội dung PBGDPL được đổi mới, sát nhu cầu xã hội, trọng tâm là tuyên truyền, phổ biến nội dung chính sách, điểm mới, hành vi bị nghiêm cấm, chế tài xử lý; quyền, nghĩa vụ của chủ thể; tác động, hiệu quả của chính sách; bước đầu đã quan tâm tuyên truyền, phổ biến qua vụ việc, tình huống, sự kiện pháp lý, gắn với quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể, với các vấn đề nổi cộm trong xã hội thu hút sự quan tâm của dư luận hoặc cần định hướng dư luận xã hội để pháp luật gần gũi hơn với cuộc sống, thực sự là công việc hàng ngày của mỗi người. Hình thức PBGDPL được đa dạng hóa, sát với nội dung, đối tượng, địa bàn gắn với ứng dụng công nghệ thông tin.
Tuyên truyền phòng chống bạo lực gia đình.
Công tác PBGDPL trong nhà trường, cơ sở giáo dục nghề nghiệp được chú trọng hơn. Với điểm nhấn là tổ chức cuộc thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến dành cho học sinh trung học phổ thông năm 2016 và 2017 tại 21 địa phương thu hút gần 300 ngàn lượt học sinh tham gia... Mô hình tủ sách pháp luật được xây dựng tại 100% cấp xã và phát triển, nhân rộng dưới nhiều mô hình để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu pháp luật phục vụ công tác của hệ thống chính trị ở cơ sở và người dân như: Tủ sách, ngăn sách pháp luật tại điểm Bưu điện - Văn hóa xã; túi sách pháp luật lưu động tại vùng dân tộc, tôn giáo; mô hình ngăn sách, túi sách tại các làng, ấp, khóm, khu dân cư văn hóa, giỏ sách pháp luật tại khu công nghiệp theo hình thức xã hội hóa. Tổ chức bộ máy cán bộ, chất lượng nguồn nhân lực; kinh phí, cơ sở vật chất ngày càng được tăng cường.
Hà Nội mở rộng nhiều hình thức tìm hiểu pháp luật
Thời gian qua, các hình thức tuyên truyền, PBGDPL tại Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Cùng với hình thức tổ chức PBGPL tại các hội nghị, trên các phương tiện thông tin đại chúng, in phát tài liệu, tờ gấp, trợ giúp pháp lý... năm 2017, UBND TP, Hội đồng Phối hợp PBGDPL TP Hà Nội đã tổ chức thành công các cuộc thi tìm hiểu pháp luật dưới nhiều hình thức thi đa dạng, phong phú. Trong đó, cuộc thi viết "Tìm hiểu Bộ luật Dân sự 2015" đã thu hút đông đảo đội ngũ cán bộ và Nhân dân trên địa bàn TP với hơn 420.000 bài dự thi, cao nhất từ trước tới nay. Hội đồng PBGDPL TP đã tổ chức cuộc thi viết về "người tốt, việc tốt" trong thực hiện kỷ cương hành chính của cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô trên Trang thông tin điện tử PBGDPL.
Mục đích nhằm phát hiện, biểu dương và nhân rộng những gương người tốt, việc tốt của cán bộ, công chức, viên chức TP trong việc thực hiện kỷ cương hành chính, thực hiện quy tắc, văn hóa ứng xử tại công sở. Từ đó, nâng cao ý thức trách nhiệm, tinh thần phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ, tích cực về hiệu quả trong công tác quản lý, điều hành, thi hành công vụ, nâng cao chất lượng phục vụ Nhân dân. Cũng trong năm 2017, TP Hà Nội đã tổ chức thành công cuộc thi "Tìm hiểu pháp luật về phòng cháy, chữa cháy" dưới hình thức thi sân khấu.
Cùng với đó là mô hình hòa giải 5 tốt đã được các quận, huyện tích cực triển khai như các quận Bắc Từ Liêm, Ba Đình, Hoàn Kiếm, huyện Gia Lâm... Việc củng cố, kiện toàn, thành lập mới tổ hòa giải, tổ trưởng và các hòa giải viên ở cơ sở đã được các địa phương triển khai thực hiện theo quy định. Đến nay, toàn TP có hơn 5.300 tổ hòa giải với trên 33.000 hòa giải viên. Trong năm 2018, Hội đồng Phối hợp PBGDPL TPtriển khai tổ chức cuộc thi viết "Tìm hiểu Bộ luật Hình sự năm 2015" trên địa bàn TP.
Nâng cao PBGDPL
Tuy nhiên, Bộ Tư pháp cho rằng hiệu quả công tác PBGDPL chưa rõ nét, chưa tạo được chuyển biến rõ rệt trong ý thức tôn trọng, tuân thủ và chấp hành pháp luật; thiếu thường xuyên, liên tục và rộng khắp; có nơi chưa khắc phục được tính hình thức, phong trào. Cách thức tuyên truyền, PBGDPL còn dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm, thậm chí phân tán nguồn lực, chậm đổi mới hoặc chưa phù hợp với nội dung, tính chất của đối tượng, địa bàn; mới chú trọng đội ngũ cán bộ ở cơ sở, chưa thật quan tâm nhiều đến người dân do thiếu nguồn lực bảo đảm.
Theo ông Đỗ Xuân Lân - Vụ trưởng Vụ PBGDP, một điều dễ nhận thấy là nhiều hình thức PBGDPL theo phương thức truyền thống ngày càng tỏ ra kém hiệu quả (ví dụ hội nghị, hội thảo truyền đạt theo phương thức một chiều, gây nhàm chán) nhưng vẫn được triển khai đại trà mà không có sự điều chỉnh. Trong khi đó một số hình thức lồng ghép để PBGDPL thì lại chưa được quan tâm đúng mức (như PBPL qua lễ hội truyền thống, chợ phiên...).
Một trong những nguyên nhân được chỉ ra theo Bộ Tư pháp là một số bộ, ngành, đoàn thể, địa phương chưa quan tâm đầu tư nguồn lực và điều kiện bảo đảm triển khai công tác PBGDPL. Chương trình, Đề án về PBGDPL nhiều, nhiệm vụ lớn nhưng thiếu nguồn lực bảo đảm thực hiện; việc lồng ghép các nguồn lực, hoạt động còn hạn chế (nhất là tại các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách thuộc diện ngân sách T.Ư phải hỗ trợ).
Ngoài việc tiếp tục thực hiện nghiêm Luật PBGDPL, tăng cường nguồn lực, củng cố kiện toàn bộ máy, Bộ Tư pháp xác định thời gian tới sẽ đẩy mạnh đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền pháp luật; chú trọng nhân rộng mô hình hay, cách làm hiệu quả; làm tốt công tác thông tin về pháp luật gắn với triển khai thi hành Luật Tiếp cận thông tin nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện để mọi cá nhân, tổ chức tiếp cận, sử dụng thông tin về pháp luật.