Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vì sao sai phạm sử dụng đất tại xã Phú Cường, huyện Sóc Sơn kéo dài?

An Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những sai phạm sử dụng đất tại xã Phú Cường (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) kéo dài nhiều năm khiến dư luận bất bình. Nhóm phóng viên Kinh tế và Đô thị đã điều tra, tìm hiểu vụ việc.

Khu vực bãi xe dịch vụ tại xã Phú Cường (huyện Sóc Sơn) là điểm nóng xảy ra khiếu kiện kéo dài thời gian qua. Ảnh An Thanh
Khu vực bãi xe dịch vụ tại xã Phú Cường (huyện Sóc Sơn) là điểm nóng xảy ra khiếu kiện kéo dài thời gian qua. Ảnh An Thanh

Xã Phú Cường (huyện Sóc Sơn) là điểm nóng về tình trạng vi phạm đất đai kéo dài vài năm nay. Việc cán bộ có biểu hiện bao che các vi phạm lớn, kéo dài không bị xử lý mà ngược lại còn được đề bạt càng làm cho tình hình thêm rối ren, mất lòng tin của nhân dân.

Thiếu đất canh tác

Diện tích đất tự nhiên của xã Phú Cường khoảng 600 ha; trong đó đất nông nghiệp trồng lúa chiếm khoảng 30%, còn lại 70% là đất trung du, trồng màu (ngô, sắn, khoai). Để xây dựng Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, từ năm 1978 đến nay xã Phú Cường (huyện Sóc Sơn) đã 8 lần giải phóng mặt bằng, với diện tích 155,86 ha.

Năm 2008, để xây dựng Nhà ga T2 thôn Tân Phú có 5.000 nhân khẩu đã phải giải phóng 56ha đất nông nghiệp, di dời 1.000 ngôi mộ, chỉ còn 12ha đất canh tác (bình quân 24m2/người). 40 năm qua, Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài chỉ tuyển dụng được 30 lao động thời vụ là con em người địa phương. Như vậy rõ ràng sau 8 lần bị thu hồi đất, người dân địa phương nơi đây đã lâm vào cảnh thiếu công ăn việc làm, buộc phải tìm cách xoay xở mưu sinh là điều có thật.

Thôn Tân Trại, giáp Sân bay Quốc tế Nội Bài là điểm nóng của tình trạng sử dụng đất đai trái phép nhiều năm nay. Ảnh AT
Thôn Tân Trại, giáp Sân bay Quốc tế Nội Bài là điểm nóng của tình trạng sử dụng đất đai trái phép nhiều năm nay. Ảnh AT

Để bảo đảm đời sống cho người dân, chính quyền các xã xung quanh Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài đã cố gắng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhưng chủ yếu chuyển đổi mục đích sử dụng đất, lập bãi giữ xe ô tô. Xung quanh khu vực Cảng hàng không quốc tế Nội Bài hiện có 54 bãi trông giữ xe tự phát, thuộc địa bàn 3 xã Phú Cường, Phú Minh và Mai Đình (huyện Sóc Sơn). Các khu đất làm bãi trông giữ xe trên có nguồn gốc là đất ở, đất nông nghiệp trồng cây hàng năm và thậm chí có cả đất công. 

Trong đó, hiện nay xã Phú Cường có 45 bãi, xã Phú Minh có 7 bãi, xã Mai Đình có 2 bãi trông xe. Với giá 60.000 đồng/xe/ngày đêm, các bãi xe dịch vụ tại xã Phú Cường đã giảm tải đáng kể cho bãi xe Cảng hàng không quốc tế Nội Bài (giá 250.000 đồng/xe/ngày đêm) đúng theo tinh thần Nghị quyết 09/2019/HĐND của HĐND TP Hà Nội khuyến khích đầu tư xây dựng, khai thác bến xe, bãi đậu xe và các phương tiện cơ giới khác. 

Bí thư Đảng ủy xã Phú Cường Nguyễn Văn Năm cho biết: “Các dịch vụ trông giữ xe ô tô đã phần nào tạo điều kiện công ăn việc làm cho người dân địa phương, thực tế ngay cả những người dân được bố trí vào làm lao động phổ thông trong sân bay (trong đó có người nhà ông) cũng đã bỏ việc gần hết”.

Từ năm 1978 đến nay xã Phú Cường (huyện Sóc Sơn) đã 8 lần giải phóng mặt bằng, với diện tích 155,86 ha để xây dựng Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài. Ảnh AT
Từ năm 1978 đến nay xã Phú Cường (huyện Sóc Sơn) đã 8 lần giải phóng mặt bằng, với diện tích 155,86 ha để xây dựng Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài. Ảnh AT

Tuy nhiên, theo Kết luận Thanh tra 2880/KL-TTTP-P3 cho thấy một số hộ đã tự phát chuyển đổi mục đích sử dụng đất, dựng hàng quán, lều giữ xe ô-tô sai với quy định cần được chính quyền địa phương chấn chỉnh. Trong số này có những bãi xe lớn như HTX Dịch vụ tổng hợp Nội Bài dù đã được Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho đấu nối với lý trình km 14+320 đường Võ Nguyên Giáp (Văn bản 2685/SGTVT-QLKCHTGT ngày 27/4/2020, thời gian 12 tháng).

Đi tìm nguyên nhân

Những bất cập trong công tác quản lý và sử dụng đất đai tại xã Phú Cường (huyện Sóc Sơn)  ngoài ý thức chấp hành chưa tốt của người dân, có một phần do chính những người đứng đầu chính quyền địa phương không gương mẫu. Những vụ việc liên quan đến Chủ tịch UBND xã Phú Cường có biểu hiện bao che cho người thân đã nhiều lần được các cơ quan báo chí phản ánh nhưng vẫn không được xử lý đúng mức, đã khiến cho một số hộ dân “té nước, theo mưa” khiến cho kỷ cương quản lý đất đai nơi đây bị buông lỏng.

Chính quyền xã Phú Cường cho thuê đất trái phép đất đình làng thôn Hương Gia để Công ty May Phương Thảo xây dựng xưởng sản xuất. Ảnh TB
Chính quyền xã Phú Cường cho thuê đất trái phép đất đình làng thôn Hương Gia để Công ty May Phương Thảo xây dựng xưởng sản xuất. Ảnh TB

Các cơ quan báo chí như: Nhân Dân, Pháp luật Việt Nam, Tuổi trẻ Thủ đô, Tạp chí Ngày mới Online… đã có hàng loạt bài chỉ rõ những sai phạm tại xã Phú Cường. Báo Pháp luật Việt Nam (số ra 1/7/2020) đã có bài chỉ rõ “Sóc Sơn, Hà Nội: Dấu hiệu bao che công trình vi phạm của người thân Chủ tịch xã”. Bài viết đề cập ông Nguyễn Văn Huynh - Chủ tịch UBND xã Phú Cường đã có dấu hiệu buông lỏng quản lý đất đai, bao che không xử lý công trình vi phạm lấn chiếm đất công, đất nông nghiệp trên địa bàn xã để làm nhà xưởng. 

Cụ thể để bà Nguyễn Thị Vượng xây kho hàng với diện tích 1.000m2 trên đất công tại khu vực giáp chợ Phú Cường. Ngoài ra, công dân còn tố cáo UBND xã Phú Cường cho thuê khu đất vốn là đình làng thôn Hương Gia để làm nhà xưởng, tường bao cổng kiên cố.

Ông Nguyễn Văn Tuyến nguyên là Chủ nhiệm HTX Dịch vụ Phú Cường (1998-2004) đã tố cáo ông Nguyễn Văn Nghĩa (anh trai ông Nguyễn Văn Huynh) xây nhà trên đất nông nghiệp quỹ đất II, thuộc xóm Đường, thôn Thụy Lương và một nhà kho diện tích 300 m2/1500 m2 tại Xứ Đồng, bãi Đuôi Nheo cũng thuộc thôn Thụy Lương

Gia đình ông Nguyễn Văn Chính, một người anh khác của ông Nguyễn Văn Huynh (nguyên là Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Sóc Sơn) xây nhà lối kiến trúc biệt thự sinh thái trên 300 m2 đất nông nghiệp tại Xứ Đồng, thôn Thụy Lương. Đến nay, có kết luận của cơ quan thanh tra nhưng 2 người nhà ông Huynh chỉ mới tạm dỡ mái nhà kho, còn nguyên 2 biệt thự thách thức dư luận.

Theo quy định, chính quyền cấp xã chỉ được phép cho thuê phần diện tích đất công chưa sử dụng với các cá nhân tại địa phương để sản xuất nông nghiệp với thời hạn không quá 5 năm. Tuy nhiên, chính quyền xã Phú Cường tự ý cho các doanh nghiệp thuê đất để kinh doanh, sản xuất với thời hạn lên tới hàng chục năm.

Được biết để lập lại trật tự công tác quản lý và sử dụng đất đai tại xã Phú Cường, Huyện ủy, UBND huyện Sóc Sơn đã chỉ đạo rà soát, đánh giá việc sử dụng đất nông nghiệp tại địa phương. Ảnh AT
Được biết để lập lại trật tự công tác quản lý và sử dụng đất đai tại xã Phú Cường, Huyện ủy, UBND huyện Sóc Sơn đã chỉ đạo rà soát, đánh giá việc sử dụng đất nông nghiệp tại địa phương. Ảnh AT

Trường hợp vi phạm của gia đình ông Chính, ông Nghĩa không phải là hiếm tại địa phương này. Khi người đứng đầu chính quyền xã không xử lý nghiêm các vi phạm của người thân, đã vô hình trung “bật đèn xanh” cho các hộ dân vi phạm tương tự khi xây dựng bãi giữa xe ô tô không phép và các công trình khác.

Theo ông Trần Cao Loan (thôn Hương Gia, xã Phú Cường), các biển quảng cáo trên địa bàn xã Phú Cường nhiều năm qua không được cấp phép nhưng vẫn có “bảo kê” cho xây dựng trái quy định. Nhiều biển quảng cáo lớn có diện tích hàng chục m2 xây dựng vi phạm gần sân bay Nội Bài, không biết thu vào ngân sách được bao nhiêu - nhiều người dân thắc mắc (?!!).

Để tìm hiểu sâu hơn vấn đề người dân có đơn thư tố cáo, phản ánh phóng viên các báo, trong đó có Kinh tế và Đô thi đã nhiều lần đặt lịch hẹn làm việc với Chủ tịch UBND xã Phú Cường Nguyễn Văn Huynh nhưng liên tiếp vài năm nay ông đều… bận đi học (?!!). Khá nhiều tình tiết mà Phó Chủ tịch Ngô Mạnh Tuân và Bí thư Đảng ủy Nguyễn Văn Năm không nắm rõ, đành khất hẹn trả lời bằng văn bản.

Bắt đầu từ một chủ trương đúng

Trở lại câu chuyện bãi dịch vụ trông xe ô tô, điểm xuất phát ban đầu được đánh giá là tích cực khi đã nhiều lần địa phương có công văn xin phép chuyển đổi mục đích 3,8ha đất nông nghiệp xen kẹt giữa Cảng Hàng không Quốc Tế Nội bài và thôn Tân Phú (xã Phú Cường).

Ngày 9/4/2012, lãnh đạo xã Phú Cường đã ký văn bản gửi Cục Hàng không Việt Nam, Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam và Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài đề nghị các đơn vị trên cho mở cổng tường rào (đường Võ Nguyên Giáp, đoạn đối diện với sân bay Nội Bài) tại khu vực 3 bãi đỗ xe taxi để tiếp tục tạo điều kiện cho cụm dịch vụ của Hợp tác xã Môi trường Tân Cường do ông Trần Văn Đường làm Chủ nhiệm. Mục đích là để tạo điều kiện thuận lợi cho các bãi xe này hoạt động, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương, một việc làm được người dân ủng hộ.

Sau khi có con đường, hàng loạt các bãi xe trái phép rộng hàng chục nghìn mét vuông đã hoạt động rầm rộ trong suốt nhiều năm. Điều đáng nói, các bãi xe này lại chính là địa điểm mà lãnh đạo xã Phú Cường ký hợp đồng cho thuê đất trái pháp luật làm để làm nơi kinh doanh các dịch vụ ăn uống.

Được biết để lập lại trật tự công tác quản lý và sử dụng đất đai tại xã Phú Cường, Huyện ủy, UBND huyện Sóc Sơn đã chỉ đạo rà soát, đánh giá việc sử dụng đất nông nghiệp tại địa phương. Đây là việc làm cần thiết nhưng điều công luận và người dân đòi hỏi là mọi việc phải được diễn ra công bằng, công khai, đúng quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, Huyện ủy, UBND huyện Sóc Sơn cần phải tiến hành chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm các cá nhân lãnh đạo liên quan vi phạm công tác quản lý đất đai tại xã Phú Cường, công khai thông báo các hình thức kỷ luật, tránh bao che cho vi phạm và để có tác dụng răn đe...

​Báo Kinh tế & Đô thị sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc