70 năm giải phóng Thủ đô

Vì sao sàn giao dịch bất động sản lại “nở rộ” trong dịch Covid-19?

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nếu như trong quý I/2020 có đến trên 80% số sàn giao dịch bất động sản (BĐS) phải tuyên bố phá sản hoặc dừng hoạt động, thì từ đầu quý II tới nay số lượng sàn giao dịch thành lập mới được ghi nhận đã tăng thêm khoảng 20%.

Ứng dụng công nghệ 4.0 trong bán hàng

Số liệu tổng hợp của Bộ Xây dựng từ báo cáo của 54/63 tỉnh, TP trực thuộc trung ương về hoạt động của sàn giao dịch BĐS, trong quý I/2020, các sàn giao dịch chịu tác động, ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19, cao điểm có tới 80% sàn tạm dừng hoạt động.

Người làm nghề môi giới cần phải nâng cao kiến thức chuyên môn và hoạt động chuyên nghiệp hơn.

Tuy nhiên từ đầu quý II/2020 tới nay, các sàn giao dịch BĐS đã phục hồi nhanh chóng và hầu hết đã hoạt động trở lại. Tính đến thời điểm này ước tính khoảng 15% sàn vẫn phải đóng cửa hoạt động, nhưng số lượng sàn thành lập mới tăng khoảng 20%.

Theo Phó Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam Nguyễn Văn Đính, sau đợt cao điểm thứ nhất của đại dịch Covid-19 thì số lượng sàn giao dịch BĐS hoạt động gần như không thay đổi, thậm chí có xu hướng tăng. Đồng thời, những sàn giao dịch có tiềm lực tài chính đã bắt đầu khởi động lại, hoạt động với kế hoạch kinh doanh và phương thức kinh doanh mới, như: Bán hàng trực tuyến, áp dụng công nghệ 4.0  vào việc quản lý thông tin, quản lý giao dịch, thanh toán, quảng cáo, nâng cao dịch vụ chăm sóc khách hàng ngày càng tốt hơn.

“Các sàn giao dịch BĐS còn tập trung phát triển mạng lưới bán hàng tinh gọn, chuyên nghiệp, theo chiều sâu chứ không theo chiều rộng, ồ ạt, đại trà như trước kia. Bên cạnh đó, cũng đã nghiên cứu rõ hơn về chủ đầu tư, sản phẩm bán cho khách hàng, pháp lý dự án để mang đến cho khách hàng của mình những sản phẩm đầu tư an toàn và tiềm năng” - ông Đính cho hay.

Kênh đầu tư an toàn

Cũng theo ông Nguyễn Văn Đính, hiện nay đại dịch Covid-19 đang bùng phát trở lại, để có thể tồn tại thì yêu cầu các doanh nghiệp BĐS nói chung và sàn giao dịch nói riêng cần phải tiếp tục xây dựng chiến lược tái cấu trúc lại bộ máy, hệ thống quản trị nhằm giảm chi phí và tăng tính cạnh tranh cho đơn vị của mình.

“Các sàn giao dịch cần phải quan tâm đến hoạt động đào tạo nhằm nâng cao chất lượng và chuẩn hóa theo hướng chuyên nghiệp đội ngũ nhân viên môi giới; đồng thời đối với cá nhân làm nghề môi giới cần hoàn thiện kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ và nâng cao chất lượng nghề nghiệp, giá trị bản thân” - ông Đính nhìn nhận.

Phó Giám đốc trang tin batdongsan.com.vn Nguyễn Quốc Anh cho biết, từ đầu quý II tới nay các tỉnh thành giáp ranh 2 đô thị trung tâm là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có sự tăng trưởng mạnh về nhà đất, như: Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Bình Dương, Long An... Lượng tin đăng và mức độ quan tâm BĐS tăng vượt trội, nếu Long An, Bình Dương tăng từ 21 - 54% thì Hòa Bình, Vĩnh Phúc tăng 41% - 77% nhu cầu tìm kiếm nhà đất so với quý trước.

Lý giải về việc các sàn giao dịch BĐS lại tiếp tục “nở rộ” trong thời gian gần đây, ông Nguyễn Quốc Anh cho rằng BĐS là một kênh đầu tư an toàn hơn so với vàng hay chứng khoán, vì vậy khi người dân tập trung đầu tư nhiều vào sản phẩm này thì kéo theo sự phát triển của các sàn giao dịch BĐS.

“Thị trường vàng và chứng khoán đều biến động mạnh (giá vàng liên tục tăng chạm mức nhất trong vòng 8 năm qua), đầu tư BĐS có xu hướng ổn định hơn. Nhu cầu tìm mua nhà đất chỉ giảm nhẹ ở phân khúc thương mại, loại hình căn hộ, BĐS tầm trung giá có dấu hiệu tăng” - ông Quốc Anh cho hay.