Vì sao số người bị chết do bệnh dại gia tăng?

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đại diện Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho rằng, nguyên nhân làm gia tăng số người chết do bệnh dại từ đầu năm 2024 là do nhiều địa phương chưa quản lý tốt đàn chó; công tác tiêm phòng dại còn đạt rất thấp.

Theo Cục Thú y, trong năm 2023, cả nước ghi nhận 82 trường hợp tử vong do bị chó dại cắn, tăng 12 người so với năm 2022. Một số tỉnh có số người tử vong do chó dại cắn nhiều nhất là: Gia Lai, Đắk Lắk, Bình Phước, Bến Tre, Nghệ An, Điện Biên…

Từ đầu năm 2024 đến nay, dù mới chỉ đi qua hơn 2 tháng nhưng cả nước đã ghi nhận đến 21 trường hợp bị chết do chó dại cắn. Đây là con số rất đáng báo động trong bối cảnh đàn chó hiện nay chưa được quản lý chặt chẽ.

Tiêm vaccine phòng bệnh Dại trên đàn chó tại huyện Thanh Trì (TP Hà Nội).
Tiêm vaccine phòng bệnh Dại trên đàn chó tại huyện Thanh Trì (TP Hà Nội).

Theo Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long, một trong những nguyên nhân làm gia tăng các trường hợp tử vong do bị chó dại cắn là do nhiều địa phương chưa quản lý được đàn chó, công tác tiêm phòng dại còn thấp.

“Tỷ lệ tiêm phòng bệnh dại trên đàn chó của cả nước hiện mới đạt khoảng 53%. Nhiều tỉnh, TP mới chỉ tiêm phòng dại trên đàn chó đạt dưới 10% như: Quảng Bình, Hậu Giang, Bình Định, Quảng Nam” - ông Long thông tin thêm.  

 

Tại Hà Nội, trong tháng 1/2024 đã ghi nhận 2 trường hợp bị chó dại cắn tại huyện Sóc Sơn. Cả 2 trường hợp đã được phát hiện, xử lý kịp thời nên không ảnh hưởng đến tính mạng. Ổ dịch đến nay đã được khống chế.

Trước tình trạng bùng phát các ổ dịch chó dại gây nguy hiểm đến tính mạng con người, nhiều tỉnh, TP đã ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện nghiêm các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh dại trên động vật (chủ yếu là chó, mèo).

Đơn cử như tại Hà Nội, đầu tháng 3/2024, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đã ký, ban hành văn bản chỉ đạo các sở ngành tăng cường các biện pháp phòng, chống dại. Trong đó, đề nghị các đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn cho người dân về bệnh Dại và các biện pháp xử lý khi bị chó, mèo cắn.

UBND TP Hà Nội cũng yêu cầu các quận, huyện, thị xã tiếp tục chỉ đạo việc thành lập, duy trì và tăng cường hoạt động của các “Đội bắt chó thả rông”. Thực hiện tốt việc quản lý chó nuôi, phối hợp với các sở ngành tiêm phòng bệnh dại đầy đủ; đồng thời tăng cường các chế tài xử lý vi phạm quy định về nuôi chó, mèo và tiêm phòng vaccine dại...

Để ngăn chặn các ổ dịch chó dại bùng phát, Cục Thú y đề nghị các địa phương cần thông tin tuyên truyền sâu rộng đến người dân về công tác phòng, chống bệnh dại trên đàn chó. Đặc biệt, phải lên án các đối tượng nuôi chó nhưng cố tình không quản lý, giám sát chặt, thả rông chó dẫn đến cắn người và gây tử vong.

Bên cạnh đó, các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cũng như Chương trình Quốc gia phòng, chống bệnh dại giai đoạn 2022 - 2030; phấn đấu đến năm 2025, giảm 50% số người bị tử vong vì bệnh dại so với giai đoạn 2017 - 2021 và không còn người tử vong vì bệnh dại vào năm 2030.