Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vì sao thị trường bất động sản Việt Nam vẫn hút giới đầu tư siêu giàu?

Mai Vân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Báo cáo nghiên cứu thị trường của hãng môi giới bất động sản (BĐS) Knight Frank cho biết, Việt Nam xếp vị trí thứ năm trong 5 điểm đến đầu tư BĐS yêu thích nhất của giới siêu giàu Singapore.

Điểm đến hấp dẫn

Hãng môi giới BĐS Knight Frank vừa báo cáo kết quả nghiên cứu tình hình thị trường BĐS năm 2022, theo đó cùng Australia, Ấn Độ, Hong Kong và Trung Quốc đại lục, Việt Nam là một trong 5 điểm đến đầu tư bất động sản hàng đầu của giới siêu giàu Singapore.

Knight Frank định danh "siêu giàu" là người có tài sản ròng từ 30 triệu USD sau khi trừ tất cả khoản vay. Theo hãng này, một trong những yếu tố tạo nên sự thu hút của BĐS Việt Nam là giá căn hộ hạng sang phải chăng so với các đô thị khác.

Việt Nam là điểm đến hấp dẫn của giới đầu tư BĐS "siêu giàu"
Việt Nam là điểm đến hấp dẫn của giới đầu tư BĐS "siêu giàu"

TP Hồ Chí Minh đứng thứ ba về mức giá phải chăng của căn hộ hạng sang, sau Sao Paulo (Brazil) và Cape Town (Nam Phi). Knight Frank tính toán, với một triệu USD có thể mua được đến 162 m2 BĐS hạng sang tại TP Hồ Chí Minh so với 35 m2 tại Singapore. Sự quan tâm lớn từ các nhà đầu tư nước ngoài với BĐS thương mại Việt Nam, phần lớn trong số đó đến từ nguồn vốn tư nhân vào năm 2022.

"Xu hướng này sẽ tiếp tục trong năm 2023, tuy vậy định giá BĐS trong nước cũng sẽ chịu nhiều áp lực cạnh tranh từ khắp châu Á. Lý do là nhà đầu tư tư nhân cũng có thể khai thác, tận dụng cơ hội từ các nền kinh tế đang phát triển khác, hoặc tại những thị trường phát triển nơi có lợi thế về độ an toàn và khả năng sinh lợi” - Giám đốc điều hành Knight Frank Việt Nam Alex Crane cho hay.

Thị trường nhiều tiềm năng

Năm 2022, tiếp tục là một năm với đầy dãy khó khăn của thị trường BĐS, trước những áp lực về lạm phát, xung đột chính trị quốc tế; trong khi đó, những khó khăn nội tại vẫn còn đeo bám khi một số dự thảo Luật liên quan đến thị trường BĐS chưa được khơi thông, nguồn vốn đầu tư ách tắc... thì lĩnh vực BĐS vẫn trở thành điểm sáng về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Cụ thể, BĐS đứng thứ hai trong danh sách những ngành nghề, lĩnh vực thu hút vốn đầu tư FDI, với số vốn hơn 4,45 tỷ USD, chiếm 16,1% tổng vốn đầu tư đăng ký.

“Nếu nhìn lại bức tranh đầu tư từ sau cuộc khủng hoảng tài chính kết thúc năm 2013, lượng vốn FDI mới tăng lên rõ rệt và đều đặn qua từng năm, trong đó vốn FDI rót vào BĐS luôn chiếm tỷ trọng lớn, 2/3 doanh nghiệp FDI tham gia lĩnh vực BĐS Việt Nam đều là doanh nghiệp có quy mô lớn, hình thức ngày càng đa dạng, chất lượng hơn” - Quản lý bộ phận tư vấn đầu tư Savills Hà Nội Đỗ Duy Thành nói.

 

Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ hồi phục, phát triển kinh tế mạnh của thế giới giai đoạn sau đại dịch, nên càng thu hút sự quan tâm đầu tư nước ngoài. Nhất là sau khi Chính phủ mở lại các chuyến bay quốc tế từ tháng 10/2021, nhiều ngành kinh tế trong đó du lịch, khách sạn được hưởng lợi rất lớn. Chính những yếu tố kể trên đã thúc đẩy doanh nghiệp nước ngoài gia nhập thị trường Việt Nam, giữa bối cảnh cơ hội đầu tư tại quốc gia của họ bị hạn chế.

Phó Tổng Giám đốc Savills Việt Nam Troy Griffiths           

Theo đánh giá, với việc nguồn vốn FDI tiếp tục “chảy” mạnh vào lĩnh vực BĐS, trở thành yếu tố quan trọng để thu hút thêm nhà đầu tư, đặc biệt là những nhà đầu tư “siêu giàu” trên thế giới.

Báo cáo khảo sát của nhà đầu tư châu Á - Thái Bình Dương năm 2023, do Công ty tư vấn bất động sản CBRE công bố vào tháng 1/2023 cho thấy, TP Hồ Chí Minh và Hà Nội lọt top 10 điểm đến hấp dẫn nhất về đầu tư xuyên biên giới. Đặc biệt, TP Hồ Chí Minh lần đầu tiên xếp thứ ba chung cuộc, thậm chí còn hấp dẫn hơn cả Australia.

Các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến thị trường BĐS nhà ở tại Việt Nam chủ yếu đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á như: Hồng Kông, Singapore, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Năm 2023 được sự báo sẽ tiếp tục là một năm thuận lợi cho việc thu hút đầu tư nước ngoài vào BĐS, từ đầu năm đến nay rất nhiều Tập đoàn lớn đã bắt đầu triển khai các thương vụ mua bán, sáp nhập và đề xuất dự án đầu tư mới với quy mô lớn.

Đơn cử như Keppel Land (Singapore), nhà phát triển với danh mục hơn 20 dự án, tổng vốn đăng ký 3,5 tỷ USD trên toàn thế giới, vào đầu tháng 2/2023 đã ký biên bản ghi nhớ với tập đoàn Khang Điền để hợp tác phát triển các dự án khu dân cư cũng như phát triển đô thị bền vững tại TP Hồ Chí Minh. Tương tự, Sembcorp Development cũng đã ký biên bản ghi nhớ với Becamex IDC về việc hợp tác phát triển 5 khu công nghiệp xanh, thông minh và bền vững tại Việt Nam trong vòng 3 năm tới, với tổng vốn đầu tư khoảng 1 tỷ USD.

Các chuyên gia đều cho rằng, nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có giới “siêu giàu” vẫn đang đặt nhiều kỳ vọng và dành sự quan tâm đặc biệt đối với thị trường BĐS Việt Nam, do chính sách kinh tế mở và hội nhập chuỗi cung ứng toàn cầu của Việt Nam đã tạo ra khả năng tăng trưởng to lớn cho các nhà sản xuất. Vì vậy, chuỗi cung ứng bền vững sẽ là chìa khóa cho sức mạnh kinh tế của Việt Nam và tăng sức hấp dẫn của lĩnh vực BĐS đối với nhà đầu tư nước ngoài.

“Vốn ngoại tăng mạnh vào lĩnh vực BĐS cho thấy nhà đầu tư tiếp tục đặt niềm tin vào môi trường đầu tư của Việt Nam nói chung và ngành BĐS nói riêng. Nhà đầu tư ưu tiên BĐS do tính ổn định, thu hút được nguồn vốn lớn so với các ngành khác” – chuyên gia Trần Khánh Quang phân tích.