Vì sao tồn kho bất động sản lớn nhưng giá bán không giảm?

Bài & ảnh: Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lượng hàng tồn kho riêng năm 2020 tăng thêm khoảng 9.000 sản phẩm, những trái ngược là giá bán không có xu hướng giảm mà tiếp tục tăng.

Theo Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) Hà Quang Hưng, tổng hợp lũy kế đến cuối năm 2020, số lượng nhà ở đưa ra thị trường còn tồn, chưa có giao dịch trong năm 2020 ước tính vào khoảng gần 9.000 sản phẩm. Trong đó, các khu vực có số lượng BĐS đưa ra thị trường chưa được hấp thụ nhiều chủ yếu là các địa phương chịu nhiều tác động ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19, như: Đà Nẵng, Khánh Hòa, Kiên Giang, Bình Dương... trong khi các tỉnh, TP lớn và những địa phương đang có tốc độ đô thị hóa mạnh cơ bản vẫn giữ được phát triển ổn định, lượng nhà ở đưa ra thị trường chưa được hấp thụ ở mức vừa phải. Đáng chú ý, mặc dù số lượng giao dịch ít, nhưng giá bán các sản phẩm thì không giảm.
“Chỉ tính riêng tại 2 thị trường lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh bình quân giá bình quân các loại căn hộ chung cư (bao gồm căn hộ bình dân, trung cấp, cao cấp) tại Hà Nội tăng khoảng 2 - 3%; TP Hồ Chí Minh tăng khoảng 3 - 4%”  - ông Hà Quang Hưng cho hay.
Nhiều doanh nghiệp BĐS có xu hướng "găm"  hàng để chờ thời điểm thích hợp chào bán.
Qua thống kê cho thấy, tỷ lệ tồn kho căn hộ mới chào bán tại Hà Nội năm 2020 là 73,4%, so với mức 34,6% của năm 2019, 29,4% của năm 2018 và 39,3% của năm 2017; Tương tự, tại TP. HCM, lượng tồn kho các sản phẩm chào bán mới năm 2020 là 38,8%, tăng hơn gấp đôi so với năm 2019 (15%). Cụ thể, theo Báo cáo tài chính của Tập đoàn Đất Xanh (mã chứng khoán DXG - HSX), tính đến hết tháng 12/2020, hàng tồn kho tăng 51% ghi nhận 10.251 tỷ đồng, chiếm đến 55% tổng giá trị tài sản; Công ty CP Phát triển BĐS Phát Đạt, hàng tồn kho cũng tăng 16%, ghi nhận 9.308 tỷ đồng, chiếm gần 60% tổng giá trị tài sản và nhiều doanh nghiệp khác giá trị sản phẩm tồn kho cũng chiếm quá phân nửa số tài sản nhưng chưa thống kê được hết do chưa niêm yết trên sàn chứng khoán.
Lý giải về điều này, Phó Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam Nguyễn Chí Thanh cho rằng, trong năm qua doanh nghiệp kinh doanh và nhà đầu tư BĐS gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19, cùng với đó là những vấn đề pháp lý liên quan đến việc cấp phép mới cho dự án bị siết chặt, khiến cho thị trường bị giảm nguồn cung mới sản phẩm. Cụ thể, tại Hà Nội lượng sản phẩm đủ điều kiện bán hàng năm 2020 chỉ đạt  66,9% so với năm 2019, thị trường TP Hồ Chí Minh lượng cung mới chào bán bằng 72,6%.
“Mặc dù lượng sản phẩm tồn kho của các doanh nghiệp tương đối lớn, nhưng thực tế trong khoảng 3 năm trở lại đây nguồn cung mới liên tục giảm, trong khu nhu cầu thị trường vẫn ở mức cao, đó chính là lý do khiến giá bán không ngừng bị đẩy lên. Doanh nghiệp BĐS cũng có xu hướng giữ lại hàng chờ thời điểm giá bán tăng hợp lý sẽ “bung” ra để bán” – ông Nguyễn Chí Thanh nhìn nhận.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần