KTÐT - Sony đã xông đất cho thị trường TV 3D từ năm 2008. Trong khi công nghệ 3D vẫn tiếp tục gây sốt ngoài rạp, dòng sản phẩm này vẫn tỏ ra hết sức “trầy trật” bước chân vào các hộ gia đình.
Sợ đeo kính
Bên cạnh những lý do truyền thống là giá bán còn quá đắt và sự bất tiện khi phải đeo những chiếc kính chuyên dụng, khách hàng cho biết đến bây giờ họ vẫn chẳng thể tìm ra lý do nào giải thích cho việc vì sao họ lại cần một chiếc TV 3D.
Bất chấp Sony và Panasonic vẫn ra sức thuyết phục các khách hàng rằng TV 3D là một sản phẩm cần thiết thì kết quả một cuộc khảo sát gần đây do Tập đoàn NPD tiến hành cho thấy, khi người dùng càng hiểu rõ về công nghệ 3D, họ càng… không muốn mua TV 3D. Khảo sát của NPD cho biết, có tới 45% khách hàng tuyên bố giá bán đắt khiến họ không quan tâm đến TV 3D, còn 42% khác cho biết họ kiên quyết nói không với dòng sản phẩm này vì ghét phải đeo kính. Cách đây 6 tháng, tỷ lệ này chỉ là 37% (về giá) và 32% (vì bất tiện khi đeo kính) và điều này cho thấy tỷ lệ người quay lưng với TV 3D vì yếu tố “đeo kính” đang tăng ngày càng nhanh. Theo một khảo sát khác của hãng Nielsen thì 90% khách hàng cho biết họ không muốn đeo kính khi xem TV 3D bởi khi đó họ không thể làm được việc gì khác chẳng hạn như lướt web trên laptop...
“Trong những ngày đầu của kỷ nguyên HD, giá cả cũng là sự cản trở lớn nhất đối với người dùng nhưng ở kỷ nguyên 3D, có quá nhiều thứ đang chặn đường khách hàng như: giá bán, kính chuyên dụng, nội dung và cả sự “cần thiết” để mua một chiếc TV 3D”, Ross Rubin, nhà phân tích của NPD nói.
Rất may là những sự hạn chế này đang dần dần được giải quyết. Điển hình nhất là sự giảm giá khá nhanh. Ngày nay, không khó để mua được một chiếc TV 3D với giá chỉ khoảng 1.200 USD và dù nó vẫn đắt gấp đôi so với giá một chiếc TV Plasma thì giá này vẫn là quá tốt so với mức 3.000 USD của 1 năm trước đây. Thêm vào đó, nhiều loại sản phẩm mang các thương hiệu khác nhau, với các kích thước màn hình đa dạng hơn cũng đang khiến cho giá bán của TV 3D chắc chắn sẽ giảm hơn nữa.
Đường còn xa
Nhưng còn với vấn đề kính chuyên dụng? Trong khi vẫn chưa thể cho ra đời những mẫu TV kích thước lớn không dùng kính, các nhà sản xuất đang nỗ lực “chữa cháy” bằng việc chế tạo những mẫu kính hiện đại hơn, tiện lợi hơn, đỡ đau mắt và đỡ “đau ví” hơn. Không chỉ có vậy, họ cũng đã tìm đến giải pháp thống nhất tiêu chuẩn về kính xem 3D toàn cầu, cho phép người dùng có thể sử dụng một loại kính cho bất kỳ mẫu TV nào, tại nhà hay ngoài rạp. Tuy nhiên, đó vẫn chỉ là giải pháp ngắn hạn, tạm thời và không đủ sức thu hút khách hàng đến với dòng sản phẩm công nghệ cao này.
Mới đây, hãng Nintendo đã cho ra mắt mẫu máy chơi game cầm tay Nintendo 3DS với khả năng hiển thị hình ảnh 3 chiều mà không cần đeo kính chuyên dụng. Điều này mở ra một niềm hy vọng mới cho “sự nghiệp 3D hóa” ngành công nghiệp giải trí. Người ta cũng còn nhớ, hồi tháng 12 năm ngoái, Toshiba tuyên bố bắt đầu bán ra mẫu TV 20 inch có khả năng xem phim 3D không cần kính tại thị trường Nhật Bản. Họ cũng tiết lộ rằng mẫu TV 3D 40 inch sẽ có mặt trên thị trường thế giới vào tháng 4/2011 nhưng đến nay tất cả vẫn bặt vô âm tín. Có cùng tham vọng này là các hãng sản xuất TV lớn khác như Sharp hay LG… có điều tất cả vẫn chỉ có thể thành công với các màn hình cỡ nhỏ trên thiết bị di động.
Chưa hết, có một tin không mấy vui vẻ đối với các nhà sản xuất TV là hiện vẫn còn khá nhiều người tuyên bố: kể cả khi TV 3D có thể xem mà không cần đeo kính thì họ vẫn quyết định không móc ví bởi đây là dòng sản phẩm “không cần thiết”. “Không giống như TV HD – sản phẩm mà ai cũng cho rằng nhà mình cần phải có, TV 3D đang bị rất nhiều khách hàng thờ ơ bởi họ thấy nó không thực sự có giá trị”, Phil Lelyveld – Giám đốc Trung tâm công nghệ giải trí và thí nghiệm 3D tiêu dùng USC nói. Nhưng cũng đã có những tín hiệu tốt lành cho ngành công nghiệp TV 3D là việc Apple đã quyết định tham gia nghiên cứu và phát triển dòng sản phẩm này.
“Bây giờ chưa phải là thời của TV 3D. Chặng đường đi đến phòng khách của các hộ gia đình của TV 3D có lẽ sẽ còn phải mất thêm vài năm nữa”, chuyên gia Rubin của NPD kết luận.