Vì sao vẫn vướng nhà 8B Lê Trực?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự án đường Trần Phú - Kim Mã (quận Ba Đình, Hà Nội) mặc dù đã được phê duyệt hơn 3 năm nhưng đến nay công tác GPMB vẫn đang vướng mắc. Đặc biệt là việc GPMB nhà số 8B phố Lê Trực, phường Điện Biên. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ này?

Lấy nhà của Nhà nước để... “gán nợ”

Nhà số 8B phố Lê Trực vốn thuộc sở hữu Nhà nước do Xí nghiệp Quản lý nhà Ba Đình (Xí nghiệp nhà) quản lý. Ngày 9/1/1992, Xí nghiệp nhà cho ông Nguyễn Bá Chí thuê. Năm 1992, ông Chí nhượng quyền thuê lại cho vợ chồng ông Ngô Đức Trung và bà Đỗ Kim Thanh. Năm 1998, ông Trung, bà Thanh ly hôn, chia đôi căn nhà. Năm 1999, bà Thanh bị ông Trần Xuân Đồng kiện vì món nợ 108 triệu đồng. Tại phiên tòa ngày 19/8/1999, bà Thanh thừa nhận có nợ tiền ông Đồng và cam kết sẽ trả khi được Nhà nước bồi thường tiền đền bù GPMB tại nhà số 8B phố Lê Trực. Theo Bản án số 30 DSST (ngày 19/8/1999) của TAND quận Ba Đình, ông Đồng chỉ yêu cầu bà Thanh trả tiền và không có thêm ý kiến gì khác.
Nhà số 8B phố Lê Trực vẫn chưa bị giải tỏa.
Nhà số 8B phố Lê Trực vẫn chưa bị giải tỏa.
Tuy nhiên, ngày 10/4/2000, bà Thanh cùng con trai là Ngô Thanh Đức lúc này là đồng chủ sở hữu và chủ sử dụng căn nhà số 8B phố Lê Trực lại ký hợp đồng chuyển quyền sở hữu nhà và sử dụng đất cho bà Nguyễn Thị Dăm cùng chồng là ông Công Đình Quý. Sau khi ký hợp đồng, bà Thanh và ông Đức đã ký nhận đủ 230 triệu đồng, bàn giao nhà và các giấy tờ liên quan, đồng thời cam kết trong hợp đồng rằng: “Nếu có gì man trá trong việc chuyển nhượng sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật”.

Vấn đề đặt ra là, vì sao bà Thanh cam kết nhà số 8B phố Lê Trực là nhà của mình và tại phiên xử ngày 19/8/1999, ông Đồng lại không thỏa thuận với bà Thanh, hoặc yêu cầu Tòa đưa căn nhà này vào diện tài sản bảo đảm để thi hành án (THA)? Nguyên do được lý giải, bởi đây là nhà của Nhà nước cho bà Thanh thuê và tại thời điểm trước năm 2000, tòa án không đưa ra xét xử các thỏa thuận dân sự liên quan tới nhà ở, đất đai mà không có sổ đỏ. Vì vậy, Bản án số 30 DSST ngày 19/8/1999, TAND quận Ba Đình không tuyên buộc bà Thanh phải giao nhà cho ông Đồng để trừ nợ. Thế nhưng, đến ngày 28/5/2001, trước đại diện cơ quan THA quận Ba Đình, theo yêu cầu của ông Đồng, bà Thanh ký vào biên bản với nội dung: “Tự nguyện giao nhà 8B Lê Trực cho ông Đồng để THA”. Việc “tự nguyện” của bà Thanh và ông Đồng là điều khó xử với cơ quan THA. Vì đến thời điểm này, bà Thanh chưa đứng tên trên hợp đồng thuê nhà số 8B phố Lê Trực (người thuê ban đầu là ông Nguyễn Bá Chí). Theo đó, căn nhà chưa đủ điều kiện pháp lý để đưa vào diện có thể THA bản án đã tuyên giữa ông Đồng và bà Thanh. Cũng tại biên bản này, đại diện cơ quan THA quận Ba Đình đã yêu cầu với nội dung: “Thỏa thuận này chỉ có hiệu lực khi hai bên làm thủ tục sang tên thuê nhà tại Xí nghiệp Kinh doanh nhà Ba Đình”. Nhưng thực tế, ông Đồng và bà Thanh không thực hiện được yêu cầu này.

Khuất tất khi thi hành án?

Theo quy định của Nhà nước liên quan đến cho thuê nhà (thời điểm năm 2001), không có điều khoản nào quy định công nhận sang tên nhà Nhà nước cho thuê với lý do để THA, mà chỉ cho phép công nhận việc chuyển nhượng, cho, tặng… quyền thuê nhà. Do đó, ông Đồng không thể làm thủ tục sang tên thuê nhà Nhà nước từ bà Thanh theo diện nhận tài sản THA. Tuy nhiên, phía cơ quan THA lại viện dẫn Thông tư liên tịch số 12 (ngày 26/2/2001) của Bộ Tư pháp để xử lý vụ việc. Cụ thể, mục này quy định: “Đối với các trường hợp sau khi có bản án, quyết định của Tòa án, người phải THA đã chuyển nhượng các tài sản thuộc quyền sở hữu của mình, thì Chấp hành viên có quyền kê biên tài sản đó và có văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền hủy bỏ giao dịch đó. Người được THA, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền hoặc khởi kiện yêu cầu Tòa án hủy bỏ giao dịch đó”. Từ căn cứ này, nhiều năm qua, cơ quan THA quận Ba Đình liên tục gây sức ép, tìm cách kê biên nhà bà Dăm để THA. Đến năm 2014, khi Nhà nước thực hiện thu hồi đất để mở tuyến đường nối đường Trần Phú - Kim Mã, cơ quan THA quận Ba Đình tiếp tục có công văn đề nghị giữ lại phần lớn số tiền đền bù đã được tính cho gia đình bà Dăm.

Ngày 29/1, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã được Ban bồi thường GPMB quận Ba Đình cung cấp thông tin vụ việc. Theo đó, ngày 28/6/2014, UBND quận Ba Đình có Quyết định số 1913/QĐ-UBND phê duyệt phương án bồi thường và tái định cư. Tại quyết định này, tổng số tiền bồi thường sẽ là 2,83 tỷ đồng. Trong đó, số tiền mà gia đình bà Dăm được nhận ngay là 11,7 triệu đồng. Số tiền còn lại hơn 2,8 tỷ đồng bị giữ lại tại Kho bạc Nhà nước và chỉ được chi trả “khi có quyết định giải quyết tranh chấp của cấp có thẩm quyền”. Sau đó, gia đình bà Dăm không đồng ý với nội dung được phê duyệt và có đơn nhận toàn bộ số tiền bồi thường. Ngày 26/12/2014, UBND quận Ba Đình đã ra quyết định nâng số tiền chi trả ngay cho gia đình bà Dăm từ 11,7 triệu đồng lên 231,5 triệu đồng (tính chẵn). Số tiền còn lại vẫn giữ lại tại Kho bạc Nhà nước. Tuy nhiên, hộ bà Dăm vẫn không đồng ý. Ngày 20/1, UBND quận Ba Đình đã ban hành Quyết định số 108 về việc cưỡng chế thu hồi đất đối với hộ gia đình bà Dăm (sử dụng tại địa chỉ số 8B phố Lê Trực) và ban hành Quyết định số 109 về thành lập Ban thực hiện cưỡng chế thu hồi đất dự án xây dựng đường Trần Phú – Kim Mã. Ngày 23/1, Ban thực hiện cưỡng chế đã tổ chức đối thoại với gia đình bà Dăm tại phường Điện Biên về việc GPMB tại nhà số 8B phố Lê Trực, đồng thời tiếp tục vận động gia đình bàn giao mặt bằng.