Vì sao vắng bóng thương hiệu nông sản Việt trên thị trường thế giới?

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù Việt Nam đạt được những con số ấn tượng về kim ngạch xuất khẩu với nhiều mặt hàng chủ lực như gạo, cà phê, cao su, tôm…, song hầu hết các sản phẩm này được xuất khẩu và bán ở thị trường nước ngoài dưới thương hiệu không phải của doanh nghiệp Việt.

Thiếu kinh phí, vướng thủ tục pháp lý

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, nhãn hiệu Gạo Việt Nam/Vietnam Rice (bảo hộ dưới dạng nhãn hiệu chứng nhận) tính đến hết năm 2021 đã có 19 quốc gia chấp nhận bảo hộ nhãn hiệu Gạo Việt Nam/Vietnam Rice bao gồm: Indonesia, Nga và OAPI (gồm 17 nước châu Phi: Benin, Burkina Faso, Cameroon, Cộng hòa Trung Phi, Chad, Comoros, Cộng hòa Cônggô, Bờ Biển Ngà, Guinea Xích đạo, Gabon, Guinea, Guinea Bissau, Mali, Mauritania, Niger, Senegal và Togo); có 3 quốc gia: Trung Quốc, Brunei và Na Uy đã thông báo bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận.

Chưa có doanh nghiệp nào được sử dụng nhãn hiệu Gạo Việt Nam để xuất khẩu. Ảnh minh họa
Chưa có doanh nghiệp nào được sử dụng nhãn hiệu Gạo Việt Nam để xuất khẩu. Ảnh minh họa

Mặc dù nhãn hiệu chứng nhận Gạo Việt Nam đã được bảo hộ trong nước và tại một số quốc gia, nhưng cho đến nay chưa được cấp cho bất cứ doanh nghiệp nào sử dụng vì còn vướng mắc. Giải quyết điểm nghẽn này, Bộ NN&PTNT đã tiến hành chuyển nhượng quyền sở hữu cho Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) quản lý sử dụng nhãn hiệu chứng nhận Gạo Việt Nam.

Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam Đỗ Hà Nam, đăng ký bảo hộ ra nước ngoài cũng gặp khó khăn bởi 2 lý do: thiếu kinh phí đăng ký và một số nước chỉ chấp nhận bảo hộ dưới hình thức nhãn hiệu thông thường, không bảo hộ dưới hình thức nhãn hiệu chứng nhận.

Không chỉ gạo, cà phê Việt Nam chất lượng cao dù đã được phê duyệt là sản phẩm quốc gia và triển khai xây dựng thương hiệu Cà phê Việt Nam chất lượng cao đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế, song đến nay kết quả vẫn “dậm chân tại chỗ”.

Lý giải điều này, đại diện Bộ Khoa học & Công nghệ cho hay, vướng mắc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận Cà phê Việt Nam chất lượng cao và xây dựng thương hiệu cho ngành cà phê chính là do thiếu hành lang pháp lý và hệ thống quản lý tên gọi quốc gia. Bộ Khoa học và Công nghệ được giao nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật về việc sử dụng tên quốc gia nhưng đến nay Bộ cũng chưa thực hiện.

Đáng nói, nhãn hiệu chứng nhận Cà phê Việt Nam chất lượng cao chưa được bảo hộ, Đề án tuyên truyền, quảng bá cho thương hiệu Cà phê Việt Nam chất lượng cao gắn với thương hiệu ngành, chỉ dẫn địa lý do Bộ Công Thương trình Thủ tướng cũng chưa được phê duyệt.

Cần chính sách đặc thù phát triển thương hiệu nông sản

Thông tin từ Bộ NN&PTNT, hiện Việt Nam duy trì 11 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên, trong đó có 7 nhóm mặt hàng (gỗ và sản phẩm gỗ, tôm, cà phê, gạo, cao su và rau quả, hạt điều) đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD.

Cà phê Việt Nam được bán ở thị trường nước ngoài dưới thương hiệu không phải của doanh nghiệp Việt. Ảnh minh họa
Cà phê Việt Nam được bán ở thị trường nước ngoài dưới thương hiệu không phải của doanh nghiệp Việt. Ảnh minh họa

Mặc dù đạt được những con số ấn tượng về kim ngạch xuất khẩu, nhưng có 80% sản lượng nông sản xuất khẩu chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có logo, nhãn mác riêng và chưa tham gia đầy đủ vào chuỗi giá trị toàn cầu. Nhiều sản phẩm được xuất khẩu và bán ở thị trường nước ngoài dưới thương hiệu không phải của doanh nghiệp Việt Nam.

Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn chính sách nông nghiệp (Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn) Nguyễn Ngọc Luân chia sẻ, hiện nay, Việt Nam chưa có chính sách riêng nào để hỗ trợ cho việc phát triển thương hiệu nông sản.

Thông qua công tác tuyên truyền và các chương trình hiện nay ở các bộ, ngành và địa phương, nhiều tổ chức, doanh nghiệp đã tích cực, chủ động trong đăng ký nhãn hiệu, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, phát triển thương hiệu nông sản, nhưng việc phát triển các thương hiệu mạnh (ở cả 3 nhóm sản phẩm quốc gia, vùng và địa phương) đều còn hạn chế.

Vì vậy, việc xây dựng một cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển thương hiệu cho nông sản đảm bảo phù hợp hợp với các chủ trường, chính sách, cơ sở pháp lý liên quan và phù hợp với quy định tại Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật là cần thiết.

Theo đó, các nội dung chính sách cần xem xét gồm: hỗ trợ xây dựng thương hiệu thông qua thúc đẩy đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ trong và ngoài nước; hỗ trợ xây thực hiện nhiệm vụ nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ; thúc đẩy và tăng cường hiệu quả thực thi và chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, xâm phạm thương hiệu; hỗ trợ hình thành, tạo dựng văn hóa sở hữu trí tuệ và phát triển thương hiệu nông sản.

 

Tại thị trường Việt Nam, hiện mới chỉ có 2 trong tổng số 13 sản phẩm nông sản chủ lực quốc gia đã được đăng ký bảo hộ, gồm: nhãn hiệu chứng nhận “Cao su Việt Nam” (Hiệp hội Cao su Việt Nam làm chủ sở hữu) và nhãn hiệu chứng nhận “Gạo Việt Nam” (Bộ NN&PTNT làm chủ sở hữu). Các sản phẩm còn lại như cà phê, tôm, cá tra... đều đang trong quá trình xây dựng.