Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vì sao Việt Nam có vai trò trung tâm ở ASEAN?

Linh Phạm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hơn 2 thập kỷ gia nhập ASEAN, Việt Nam giờ đây là thành viên trụ cột của khối nhờ đóng góp to lớn trên bình diện chính trị và kinh tế.

 Việt Nam tham gia ASEAN từ năm 1995.
Kể từ khi gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 1995, Việt Nam có vai trò ngày càng lớn trong khối. Việt Nam đã nỗ lực không mệt mỏi cho nền hòa bình và hòa giải của khu vực vốn bị chia rẽ sâu sắc bởi chiến tranh. Cụ thể, vai trò của Việt Nam được thể hiện qua 2 bình diện chính trị và kinh tế.
Chính trị
Là quốc gia Đông Dương đầu tiên gia nhập ASEAN, Việt Nam giúp chấm dứt thời kỳ đối đầu giữa Đông Dương và ASEAN, hơn nữa còn liên kết ASEAN với các nước lớn như Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và Liên minh Châu Âu.
Đóng góp của Việt Nam vào an ninh khu vực rất đáng kể. Ngay sau khi gia nhập khối đã ký Hiệp ước Khu vực Đông Nam Á phi vũ khí hạt nhân và là một trong những thành viên sáng lập Diễn đàn Khu vực ASEAN.
Nhưng bước đi chủ động nhất của Việt Nam trong duy trì ổn định khu vực được biểu hiện qua vấn đề Biển Đông. Là nước có tranh chấp trực tiếp, Việt Nam cùng với Philippines đã nỗ lực không ngừng để đưa Biển Đông vào chương trình nghị sự ASEAN, đảm bảo xung đột được giải quyết trên cơ sở xây dựng, theo Sadhavi Chauhan, Quỹ Nghiên cứu Quan sát viên của Ấn Độ.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chỉ đạo công tác chuẩn bị Chủ tịch ASEAN vào năm 2020. Photo: VGP 
Việt Nam bền bỉ ủng hộ Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), Nguyên tắc sáu điểm của ASEAN về Biển Đông và Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) sắp được ký kết.
Việt Nam kêu gọi giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước 1982 của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) bao gồm thông qua các quy định về tôn trọng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các quốc gia ven biển.
Việt Nam đang chuẩn bị cho chức Chủ tịch ASEAN vào năm 2020. Với chủ đề chương trình nghị sự "ASEAN: Gắn kết và Đáp ứng", Việt Nam hy vọng sẽ duy trì được vai trò trung tâm của khối, theo nhà báo kỳ cựu Thái Lan Kavi Chongkittavorn.
Năm tới, Việt Nam cũng đảm nhận vai trò thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021, nhiệm kỳ đầu diễn ra vào năm 2008 - 2009.
Theo luật sư Hoàng Duy Hùng, cựu Nghị viên Hội đồng TP Houston, Texas, Mỹ, với việc tái trúng cử thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc với số phiếu tuyệt đối, Việt Nam trên đường trở thành "đại gia" trên trường quốc tế.
 Giá trị thương mai Việt Nam - ASEAN tăng gần 10 lần trong vòng 20 năm qua. Nguồn: FIA. Chart: Linh Phạm
Kinh tế
Theo Bộ Kế hoạch Đầu tư, thương mại hai chiều giữa Việt Nam và ASEAN đã tăng gần 10 lần, từ 5,9 tỷ USD Mỹ năm 1996 lên 56,3 tỷ USD vào 2018.
Việt Nam cũng tăng cường đóng góp vào Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC). Gia nhập trong bối cảnh khủng hoảng tài chính châu Á, Việt Nam ngay lập tức tham gia vào hàng loạt hoạt động tái thiết của tổ chức này.
Tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 6 tổ chức tại Hà Nội năm 1998, qua "Kế hoạch Hành động Hà Nội", Việt Nam đã đưa ra những ý tưởng và đề xuất để thu hẹp khoảng cách phát triển trong khu vực, nêu bật các giải pháp cho các vùng có điều kiện kinh tế dễ bị ảnh hưởng.
Khi Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội nghị Bộ trưởng ASEAN lần thứ 34 vào năm 2012, ASEAN đã thông qua "Tuyên bố Hà Nội" về thu hẹp khoảng cách phát triển. Tuyên bố này nhắc lại cam kết của ASEAN về hợp nhất Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam vào dòng chảy kinh tế ASEAN và xác định 4 lĩnh vực ưu tiên của cải cách kinh tế: Cơ sở hạ tầng, thông tin và truyền thông, phát triển công nghệ và nguồn nhân lực và hội nhập kinh tế khu vực.
Bên cạnh những nỗ lực bên ngoài hướng tới thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015, Việt Nam đã tiến hành những thay đổi trong nước để hòa nhập với toàn khối. Đất nước đã dần cơ cấu lại bộ máy hành chính để phù hợp với nền kinh tế thị trường.
Chỉ một năm gia nhập ASEAN, Việt Nam thành lập Ủy ban quốc gia ASEAN do một Phó Thủ tướng lãnh đạo. Cơ quan này chịu trách nhiệm điều phối tất cả các tổ chức tương tác với các bộ phận trực thuộc ASEAN. Thậm chí có hẳn Cục ASEAN trong Bộ Ngoại giao.
Lũy kế vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp vào Việt Nam tính đến 12/2018 của một số quốc gia/lãnh thổ tiêu biểu. Nguồn: FIA. Chart: Linh Phạm
Hiện nay, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất. Đất nước đang tận dụng từng cơ hội để cải cách hơn nữa sao cho cái tên Việt Nam xuất hiện trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Kể từ công cuộc "Đổi mới" vào năm 1986, thu nhập bình quân đầu người tăng từ 100 USD lên khoảng 2.700 USD hiện nay. Con số này được dự đoán sẽ tăng mạnh trong những năm tới.
Hiện tại, Việt Nam là một nền kinh tế xã hội chủ nghĩa sở hữu nhiều hiệp định thương mại tự do nhất thế giới với tổng cộng 17 (so với 6 ở Thái Lan). Hiệp định được ký kết mới nhất là với Liên minh châu Âu (EVFTA).
Do đó, các nhà đầu tư nước ngoài đang đổ tiền vào Việt Nam để tận dụng ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do cũng như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Cập nhật mới nhất từ Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cho thấy, xuất khẩu của Việt Nam đã tăng đáng kể trong nửa đầu năm nay. Theo đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ tăng 33%.
Tính đến tháng 12/2018, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lũy kế vào Việt Nam lên đến 340,1 tỷ USD. Hàn Quốc đứng đầu với 62,56 tỷ USD, Nhật Bản đứng thứ hai với 57,02 tỷ USD, tiếp theo là Singapore với 46,62 tỷ USD và Đài Loan 31,44 tỷ USD.
Hơn 20 năm kể từ khi gia nhập ASEAN, Việt Nam giờ đây đã là một thành viên trụ cột và trở thành một trong những quốc gia năng động nhất khu vực, đặc biệt trong hội nhập và phát triển kinh tế, nhà báo Kavi Chongkittavorn nhấn mạnh.