Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vì sao xe khách trá hình lấn át xe khách tuyến cố định?

Huyền Sâm - Ngọc Trang
Chia sẻ Zalo

kinhtedothi - Từ sau dịch Covid - 19, lượng khách đến các bến xe giảm mạnh (gần 50%). Việc nhiều DN kinh doanh vận tải bỏ bến ra ngoài chạy “dù” và lượng xe hợp đồng tăng mạnh đã làm ảnh hưởng đến hoạt động vận tải và tổ chức giao thông Hà Nội.

Quy định lỏng lẻo

Theo Sở GTVT Hà Nội, TP có 897 tuyến vận tải hành khách cố định đi 41 tỉnh, TP, do 502 DN khai thác với 3.303 phương tiện, 3.556 chuyến/ngày. Riêng DN của TP có 52 đơn vị với 730 xe, khai thác tại 6 bến xe chính gồm: Giáp Bát, Gia Lâm, Mỹ Đình, Yên Nghĩa và Sơn Tây và Nước Ngầm.

Những năm qua, bộ mặt các bến xe khách của Thủ đô ngày càng được cải thiện, nhiều DN vận tải đã đổi mới cung cách phục vụ, cơ sở vật chất được đầu tư hiện đại, khang trang. Song, thực tế, so với trước khi xảy ra dịch Covid - 19, lượng hành khách vào bến đang giảm mạnh, hàng loạt DN vận tải tuyến cố định thông báo cắt lốt, ngừng hoạt động.

Quản lý xe vận chuyển khách trá hình còn nhiều bất cập.
Quản lý xe vận chuyển khách trá hình còn nhiều bất cập.

Theo ông Trần Hoàng - Phó Giám đốc Công ty CP Bến xe Hà Nội, năm 2023, các bến xe Giáp Bát, Mỹ Đình, Gia Lâm đã phải giảm 300.000 lượt xe. Trong đó, bến Mỹ Đình giảm trên 30%, bến Giáp Bát giảm 25%, bến Gia Lâm giảm gần 50%. Về hành khách, mức độ ảnh hưởng trầm trọng hơn, số lượng giảm trên toàn công ty là 52% kéo theo việc sụt giảm về doanh thu, lợi nhuận của DN.

Ông Nguyễn Văn Lập - Giám đốc Bến xe Nước Ngầm cho biết, trước dịch Covid - 19 ngày thường bến xe đón khoảng 600 - 700 lượt xe, riêng dịp lễ tết là trên 900 lượt nhưng nay chỉ còn 250 - 300 lượt xe/ngày. Trong tháng 3, 4 này là trên 400 lượt xe/ngày, tỷ lệ giảm gần 50%.

“Đây là một con số đáng lo ngại, bởi, ngoài gây ảnh hưởng tới kinh tế còn ảnh hưởng tới các vấn đề về xã hội, làm mất vai trò là trục xương sống của vận tải hành khách” - ông Nguyễn Văn Lập nói.

Về nguyên nhân khiến lượng hành khách vào bến xe giảm, ông Nguyễn Công Hùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, việc số lượng xe hợp đồng gia tăng lên đến hàng chục nghìn xe, chưa kể còn xuất hiện loại hình xe ghép, xe tiện chuyến đang gây ra cạnh tranh không công bằng với xe tuyến cố định.

Trên địa bàn Hà Nội có trên 36.000 xe hợp đồng với nhiều loại xe kinh doanh vận tải khác nhau, khiến việc quản lý của lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn. Điều kiện quản lý xe hợp đồng quá lỏng lẻo vì không phải đăng ký xin vào lốt, không đăng ký luồng tuyến, lái xe không bị kiểm soát, văn phòng đại diện mọc khắp nơi như những bến xe thu nhỏ. Trong khi đó, nhiều DN chấp hành tốt lại thường xuyên bị thanh, kiểm tra, còn DN xe hợp đồng lại ít bị kiểm soát, xử lý gây ra nhiều bức xúc.

Ông Nguyễn Văn Lập cho rằng, trước dịch, các DN vận tải không bỏ bến ra ngoài, hoạt động trá hình dưới dạng xe hợp đồng. Có nghĩa, lượng khách tại bến xe tương đối ổn cho nhà xe hoạt động. Sau dịch, khách không vào bến xe nữa, trong khi lượng xe hợp đồng trá hình tăng, như vậy là do hoạt động của xe khách trá hình. Nếu xe khách tuyến cố định mà phục vụ đón đưa khách tại nhà được như xe hợp đồng thì tốt hơn.

“Thực tế, DN xe hợp đồng trá hình hiện nay đa số tách ở DN tuyến cố định ra. Đây là do công tác quản lý, xử lý xe trá hình chưa đến nơi đến chốn nên họ mới lôi kéo được khách từ bến xe. Điều này gây ảnh hưởng tới công tác tổ chức giao thông” - ông Nguyễn Văn Lập cho hay.

Quản chặt từ địa phương

Nói về nguyên nhân xe khách trá hình nở rộ và lộng hành, ông Nguyễn Công Hùng cho rằng, thực tế, chỉ mất vài phút, chúng ta có thể tìm kiếm trên Google rất nhiều nhà xe công khai đăng tải dịch xe ghép, tiện chuyến dù họ không hề đăng ký kinh doanh vận tải.

Ở thời điểm dịch bệnh, toàn bộ người dân phải tăng cường sử dụng trực tuyến nên các hình thức xe ghép tiện chuyến lại càng bùng nổ. Dù Nhà nước ban hành nhiều quy định như luật giao thông, thuế, luật DN nhưng vẫn không quản lý được. Vì vậy, cần tập trung quản lý chặt, giao trách nhiệm xuống chính quyền địa phương vì chỉ có họ mới biết trên địa bàn mình có bao nhiêu DN đang hoạt động để xử lý.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Lập cho rằng: “Trách nhiệm và vai trò của địa phương rất quan trọng, cần giao trách nhiệm cho người đứng đầu địa phương. Bởi cơ quan thanh tra không thể kiểm tra sát sao bằng địa phương”.

Ông Cao Văn Hiệp - Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội cho biết, để chứng minh hành vi vi phạm của xe hợp đồng trá hình hay còn gọi là xe limousine lách luật hoạt động trái phép không dễ và mất nhiều thời gian, phải kiểm tra trực tiếp tại các DN, văn phòng đại diện mới xác định được hành vi vi phạm.

Thiếu tá Trần Anh Tuấn - Phó trưởng phòng CSGT, Công an TP Hà Nội cũng cho rằng, chế tài xử lý chưa đảm bảo tính răn đe đã khiến nhiều đơn vị vận tải kinh doanh theo loại hình xe hợp đồng tìm mọi phương thức, thủ đoạn để né tránh cơ quan chức năng, trốn tránh khi bị xử lý.

 

Thực tế xe 16 chỗ hoán cải thành xe limousine hoạt động trá hình có số lượng lớn hơn rất nhiều so với xe tuyến cố định. Trong khi các tuyến cố định phải có giấy phép kinh doanh vận tải, thành lập bộ phận an toàn, có luồng tuyến rõ ràng, nộp ngân sách cho Nhà nước với nhiều loại thuế, thì xe hợp đồng trá hình lại không nộp thuế cho ngân sách Nhà nước, dừng bắt khách tùy tiện, không mất chi phí hai đầu bến, không chấp hành các điều kiện đảm bảo ATGT.

Trưởng phòng Quản lý Vận tải, Công ty TNHH Văn Minh Đoàn Ngọc Hùng

“Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai, tuần tra kiểm soát với các loại hình vi phạm. Đồng thời, triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp xử lý vi phạm, phối hợp với các đơn vị liên quan để xử lý triệt để, cũng như để có các giải pháp căn cơ hơn” - Thiếu tá Trần Anh Tuấn cho biết.

Theo bà Phan Thị Thu Hiền - Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam, sau Covid - 19, người dân đã thay đổi một số thói quen. Hoạt động vận tải hành khách bằng đường bộ cũng phải điều chỉnh cho phù hợp với mục đích đi lại. Hành khách đã chủ yếu tìm kiếm phương tiện vận tải qua internet, do đó, bản thân các DN vận tải, bến xe cũng cần nắm bắt và đáp ứng được nhu cầu này của hành khách.

Trưởng phòng Quản lý vận tải Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Tuyển nhấn mạnh, để thu hút người dân, các DN vận tải liên tỉnh tuyến cố định cần có những chính sách nâng cao dịch vụ, cho hành khách thấy được sự tiện lợi. Các đơn vị tuyến cố định, bến xe cũng cần tăng cường quảng bá, ứng dụng công nghệ.

“Chúng tôi cũng đang nghiên cứu app cho xe trung chuyển hành khách đến các bến xe để thời gian tới có thể thực hiện công tác quản lý, tăng cường hiệu quả hơn, người dân cũng sẽ thuận lợi hơn” - ông Nguyễn Tuyển cho hay.

Như vậy, để giải bài toán xe khách trá hình tăng mạnh làm ảnh hưởng đến hoạt động vận tải và tổ chức giao thông Hà Nội, cần có nhiều giải pháp mạnh mẽ hơn. Bên cạnh việc giao trách nhiệm quản chặt loại hình vận tải này cho các địa phương, cần đồng thời thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng, thu hút khách hàng, có như vậy mới kéo khách đến với bến xe và các tuyến cố định.

 

Bến xe phải tạo ra môi trường để hành khách cảm nhận được sự văn minh, thân thiện; DN vận tải cũng cần nâng cao chất lượng dịch vụ, đổi mới phương tiện, triển khai các phương thức tiếp cận hành khách một cách thuận lợi nhất như ứng dụng dịch vụ đặt vé online, dịch vụ trung chuyển...

Phó Giám đốc Công ty CP Bến xe Hà Nội Trần Hoàng