Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vị thế Việt Nam

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 68 năm đã trôi qua kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Lịch sử dân tộc đã trải qua nhiều biến cố thăng trầm và mỗi lần như vậy, vị thế của đất nước, của dân tộc Việt Nam lại được khẳng định, nâng cao trên trường quốc tế.Trước Cách mạng tháng Tám 1945, Việt Nam chỉ là An Nam nằm trong xứ Đông Dương thuộc Pháp và không có tên trên bản đồ thế giới. Về chính trị, Vịêt Nam là xứ thuộc địa, nửa phong kiến. Về kinh tế, Việt Nam là xứ nông nghiệp độc canh lúa, nhưng năm nào cũng có người chết đói mà đỉnh cao là năm 1945 có tới 2 triệu người bị chết; công nghiệp còn sơ khai, chủ yếu nhằm khai thác tài nguyên và bóc lột nhân công rẻ mạt của thực dân. Về xã hội, người dân bị hai tròng áp bức, bóc lột của thực dân và phong kiến; hơn 90% người dân mù chữ; trường học, cơ sở y tế còn ít hơn nhà tù và cũng chỉ chủ yếu phục vụ thực dân, phong kiến. Cách mạng tháng Tám thành công đã chấm dứt hàng nghìn năm chế độ phong kiến và hơn 80 năm dưới ách thực dân. Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã mở ra một trang sử mới cho dân tộc, từ nước thuộc địa, nửa phong kiến, Việt Nam đã chuyển sang vị thế của nước độc lập có chủ quyền, có quyền dân tộc tự quyết, có quyền lựa chọn và quyết định thể chế chính trị của mình.

Ngay sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, cách mạng Việt Nam lại rơi vào thế "ngàn cân treo sợi tóc", rồi 9 năm kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, với kết thúc là chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu năm 1954. Mặc dù hòa bình được lập lại, nhưng đất nước lại bị chia cắt 2 miền với chế độ chính trị - xã hội khác nhau và cả dân tộc lại bước vào thời kỳ chống Mỹ cứu nước kéo dài hơn 20 năm với nhiều hy sinh, mất mát về người và của để có được ngày toàn thắng 30/4/1975. Đây là chiến thắng vĩ đại của dân tộc, thống nhất đất nước, thu giang sơn về một mối.

 
Ảnh: Đức Giang
Ảnh: Đức Giang
Đất nước thống nhất hòa bình, nhưng do hậu quả của chiến tranh nặng nề, cùng với sự duy ý chí, kéo dài cơ chế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp, rồi lại phải tiến hành hai cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, một ở biên giới Tây Nam và một ở biên giới phía Bắc; sự bao vây, cấm vận của Mỹ… nên cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội tiềm ẩn từ cuối thập kỷ 70 của thế kỷ trước đã bùng phát vào giữa thập kỷ 80 và kéo dài tới đầu thập kỷ 90, Việt Nam mới ra khỏi khủng hoảng nhờ đường lối Đổi mới từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (năm 1986). Và lần thứ ba, vị thế của đất nước được thay đổi, xác lập một nước Việt Nam mới, chủ động hội nhập quốc tế trên tinh thần làm bạn, đối tác với tất cả các nước không phân biệt chế độ chính trị, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.

Thành công của gần 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới đã đưa Việt Nam  ra khỏi nhóm nước có thu nhập thấp, chuyển sang nhóm nước có thu nhập trung bình thấp. Tăng trưởng kinh tế, nếu thời kỳ 1977 - 1990 chỉ đạt 3,96%/năm (trong đó thời kỳ 1977 - 1980 chỉ đạt 0,4%/năm, thấp xa so với tốc độ tăng dân số), thì thời kỳ 1991 - 2012 đã đạt 7,14%/năm. Thời gian tăng trưởng kinh tế liên tục của Việt Nam tính đến năm 2013 này đã đạt 33 năm, chỉ thấp thua kỷ lục thế giới 35 năm hiện do Trung Quốc nắm giữ. GDP bình quân đầu người tính bằng USD theo tỷ giá hối đoái đã tăng lên khá, nếu năm 1988, đỉnh cao của khủng hoảng, chỉ còn 86 USD, là một trong mấy nước thấp nhất thế giới, thì đến năm 2012 đã đạt 1.749 USD. Đây là bước chuyển vị thế lần thứ tư, khẳng định vai trò, lãnh đạo đúng đắn, duy nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Bước vào năm thứ ba của thập kỷ thực hiện Chiến lược 10 năm (2011 - 2020), mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do sự suy thoái của kinh tế quốc tế và sự bất ổn của thế giới, nhưng với sự kiên định con đường đã chọn, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Việt Nam đã giữ vững an ninh chính trị, ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội. Với những thành tựu đạt được, với truyền thống đoàn kết, sáng tạo, sự đồng thuận trong xã hội, chúng ta có quyền tin tưởng và kỳ vọng sẽ thực hiện thành công mục tiêu đến năm 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, xứng đáng với vai trò, vị thế của một dân tộc Văn hiến, Anh hùng.

 
Quyền lợi của người dânđược đảm bảo

 
Vị thế Việt Nam - Ảnh 1
Nhờ có sự lãnh đạo của Đảng, trong những năm qua, đất nước đã có nhiều thay đổi đáng kinh ngạc. Trước kia, người dân chỉ mong có cơm no, áo ấm nhưng đến nay đã có quyền nghĩ đến ăn ngon, mặc đẹp. Đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt. Đặc biệt, quyền lợi của người dân đã được đảm bảo. Hiện nay, nhân dân được tham gia bàn bạc, kiểm tra và thực hiện nhiều công việc ở địa phương, nhất là trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Tôi mong muốn, Đảng, Nhà nước tiếp tục giữ vững nền độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Đồng thời đảm bảo ổn định kinh tế, chính trị, xã hội và quan tâm tới vấn đề dân chủ ở nông thôn.

Ông Phùng Văn Thuật xã Phú Đông, huyện Ba Vì

Phát huy tinh thần tự lực, tự cường

 
Vị thế Việt Nam - Ảnh 2
Là thế hệ 7X, sinh ra khi cuộc chống Mỹ cứu nước của dân tộc đã gần đến thắng lợi, nhưng tôi vẫn cảm nhận được sự khốc liệt của chiến tranh qua lời kể của cha anh và những trang sách vở khi ngồi trên ghế nhà trường. Không chỉ cảm nhận, tôi còn thấu hiểu được cuộc sống nghèo khó do chiến tranh tàn phá, do kéo dài cơ chế tập trung quan liêu bao cấp. Chính vì thế, những người trẻ như tôi cảm thấy tự hào về những thành tựu mang tính kỳ tích của gần 30 năm đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng. Từ một nước không có tên trên bản đồ thế giới, hôm nay, Việt Nam đã có quan hệ với hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, là điểm sáng của khu vực và thế giới về phát triển kinh tế- xã hội, ổn định chính trị. Với truyền thống tự lực, tự cường, Việt Nam đã đẩy lùi nghèo đói và trở thành một trong những nước đứng đầu thế giới về xuất khẩu lương thực. Việt Nam được đánh giá là một trong những nước đi đầu thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hợp quốc.

Ông Cấn Đức Dũng Giám đốc Xí nghiệp MTĐT Từ Liêm