Hướng cải tạo bằng đá mà các quận, huyện đang thực hiện là chủ trương đúng. Tuy nhiên, qua thực tiễn, một số tuyến đường vẫn tồn tại hiện tượng xuống cấp. Lý giải về nguyên nhân, theo nhiều chuyên gia, nó bao gồm cả yếu tố khách quan lẫn chủ quan, không đơn thuần bởi chất lượng đá.
Căn cơ là khâu quản lý vỉa hè đô thịỞ bất kỳ TP nào, vỉa hè cũng luôn được coi là một phần bộ mặt cảnh quan đô thị; là nơi thể hiện rõ trật tự đô thị và trình độ văn minh phát triển của một TP. Theo các chuyên gia đô thị, muốn làm đẹp bộ mặt vỉa hè, vấn đề căn cơ không nằm ở việc lựa chọn vật liệu gì.PGS.TS Trần Chủng - Nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) cho rằng, thực tế, đá lát có đẹp, bền vững bao nhiêu đi nữa nhưng thiếu đồng bộ giữa các ngành như điện, cấp, thoát nước… thì việc vỉa hè xuống cấp nhanh là tất yếu. “Tôi cho rằng, cần chăm lo giải quyết mấu chốt khâu quản lý vỉa hè đô thị. Đồng bộ những gì xuất hiện trên vỉa hè. Ai là chủ, ai là người quản lý? Hạn chế tối đa việc “ông cứ lát đá, tôi cứ đào để xây đường ống nước, hạ ngầm cáp điện…”. Muốn vỉa hè đẹp dù sử dụng bất cứ vật liệu khai thác nào, các tuyến phố phải đạt chuẩn về hạ tầng” - PGS.TS Trần Chủng nhấn mạnh.
Ô tô đỗ trái phép trên vỉa hè phố Ông Ích Khiêm. Ảnh: Công Trình |
Vỉa hè trên phố Vạn Phúc bị bong tróc, hư hỏng. |
"Muốn vỉa hè bền, đẹp dù sử dụng bất cứ vật liệu khai thác nào, các tuyến phố phải đạt chuẩn về hạ tầng." - PGS.TS Trần Chủng - Nguyên Cục trưởng Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng |
Theo TS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội, đá tự nhiên có độ bền, cứng tốt, việc lát vỉa hè bằng đá tự nhiên đã được nhiều nước trên thế giới sử dụng. Tuy nhiên ở Việt Nam hiện nay, còn có nhiều bất cập xung quanh việc này. Để giải quyết vấn đề, TS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng cần quan tâm đến nhiều giải pháp tổng thể.Thứ nhất, giám sát kiểm định thành phẩm của đá dùng để lát vỉa hè. Bởi, dù đã nghiên cứu, kết luận và kiểm định các mẫu đá, nhưng việc sản xuất hàng loạt khó bảo đảm đồng bộ chất lượng như mong muốn. Đây là trách nhiệm của chủ đầu tư và nhà thầu.Thứ hai, vỉa hè Hà Nội đã có quá trình phát triển với biến động của các vật liệu khác nhau. Đặc biệt, cấu trúc tự nhiên, nền vỉa hè cơ bản không giống nhau. Đơn cử, có sự khác biệt giữa sử dụng vỉa hè ra vào khu vực nhà, cơ quan với nhiều ô tô, xe máy. Bên cạnh đó, cây xanh trong một số tuyến phố cổ, phố cũ có hiện tượng rễ cây tác động lớn đến nền móng vỉa hè. Do vậy, mỗi một tuyến phố cần nghiên cứu đánh giá lại hiện trạng nền móng để có hướng chủ động xử lý hợp lý. Không thể có giải pháp đồng loạt cho tất cả các tuyến phố vỉa hè ở cấu tạo nền.
Vỉa hè trên đường Điện Biên Phủ bị hư hỏng nghiêm trọng do nhiều ô tô dừng đỗ. |
Bãi trông xe, hàng quán “băm nát” vỉa hè Dư luận đang bàn luận khá nhiều về tình trạng nhiều vỉa hè ở Hà Nội lát bằng đá tự nhiên có mỹ quan và tuổi thọ cao nhưng đã bị vỡ nứt, bong tróc. Để làm rõ hơn nguyên nhân, phóng viên Kinh tế & Đô thị đã thực hiện cuộc khảo sát thực trạng ở một số tuyến phố nhằm tìm ra câu trả lời.Theo ghi nhận, phần lớn các tuyến phố có vỉa hè lát đá tự nhiên đều được khai thác hoặc lấn chiếm làm điểm trông giữ xe, hàng quán. Lượng phương tiện lớn thường xuyên di chuyển lên xuống khiến nhiều nơi, phần đá lát bị nứt vỡ, hư hỏng. Trong số đó có không ít vỉa hè vừa mới được “thay áo mới” nhưng đã sớm xuống cấp thảm hại. Tại phố Vạn Phúc (phường Kim Mã, quận Ba Đình), phần vỉa hè gần khu vực Đại sứ quán Nhật Bản mới lát đá tự nhiên chưa lâu, màu các viên lát còn khá mới và đẹp. Tuy nhiên, ngay khu vực đầu tuyến phố này (phần bên Đại sứ quán Nhật Bản) đã xuất hiện một điểm trông giữ xe lớn. Theo quan sát của phóng viên, trên vỉa hè, hàng loạt ô tô xếp thành hai hàng gần như đặc kín. Sức nặng của những phương tiện trên khiến bề mặt vỉa hè bị phá vỡ kết cấu, các lớp đá lát bong tróc, nứt vỡ. Điều đáng nói là tình trạng trên xuất hiện từ đầu tháng 9 khi đơn vị thi công chưa hoàn thành công tác lát đá. Sau khi phát hiện sự việc trên, đơn vị thi công đã thừa nhận nguyên nhân khiến vỉa hè hư hại là do bị khai thác làm bãi trông xe và nhanh chóng khắc phục. Cũng trên tuyến phố Vạn Phúc, phần vỉa hè đối diện điểm trông giữ xe trên cũng bị hàng quán lấn chiếm trái phép. Không những thế, nhiều phương tiện của thực khách đến quán còn ngang nhiên để xe ngổn ngang dưới lòng đường khiến người đi bộ gặp nhiều khó khăn.Tình trạng ô tô đậu đỗ gây hư hỏng vỉa hè cũng xuất hiện ở vài phố thuộc phường Điện Biên (quận Ba Đình). Tại đường Điện Biên Phủ, khu vực giao cắt với Quảng trường Ba Đình cũng tồn tại một điểm trông giữ xe lớn với nhiều ô tô, xe máy xếp tràn trên vỉa hè. Cách đó không xa, phần vỉa hè đá tự nhiên ở đầu đường Ông Ích Khiêm cũng bị ô tô leo lên đỗ trái phép. Trong khi đó, trên phố Bà Triệu, đoạn vỉa hè ngay khu vực chùa Vân Hồ (phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng) mới được “thay áo” bằng những viên đá lát tự nhiên còn mới nhưng tại đây cũng tồn tại hàng trăm chiếc xe máy xếp ken đặc vỉa hè. Dù chưa ghi nhận thấy tình trạng hư hỏng vỉa hè nhưng với tần suất, mật độ phương tiện như hiện tại, dự báo sức chịu tải của vỉa hè có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng.Theo một số chuyên gia quản lý giao thông đô thị, nên hợp nhất việc quản lý vỉa hè trên địa bàn TP cho một đơn vị chịu trách nhiệm. Khi đó không chỉ việc triển khai các chính sách sẽ được đồng bộ, mà còn dễ dàng quy hoạch tổng thể các tuyến vỉa hè trên toàn địa bàn một cách hợp lý hơn. Mặt khác, qua đó tránh tình trạng vỉa hè “có sinh không có dưỡng” mà không thể quy trách nhiệm cụ thể để xử lý.Nguyễn Quý – Công Trình |