Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vỉa hè xuống cấp, do đâu?

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khi UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định 1303/QĐ-UBND quy định về “Thiết kế mẫu hè đường đô thị trên địa bàn TP”, công tác cải tạo chỉnh trang vỉa hè, đặc biệt khu vực 12 quận nội thành sử dụng vật liệu đá tự nhiên được đẩy mạnh, thay thế gạch xi măng truyền thống.

Tuy nhiên, chỉ trong một thời gian ngắn nhiều tuyến vỉa hè lát đá tự nhiên bị xuống cấp, hư hỏng.

Đá tự nhiên được lát trên vỉa phố Lê Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm. Ảnh: Phạm Hùng
Đá tự nhiên được lát trên vỉa phố Lê Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm. Ảnh: Phạm Hùng

Vì đâu nên nỗi?

Tính đến thời điểm hiện tại, Hà Nội có khoảng trên 900 tuyến đường tại 12 quận nội thành được phân cấp quản lý thành các nhóm: Thuộc UBND TP, Sở GTVT và UBND các quận, huyện, thị xã. Công tác cải tạo, xây dựng mới hè phố được TP đặc biệt quan tâm trong khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trước những yêu cầu về chỉnh trang đô thị khi dân số Thủ đô tăng nhanh gây áp lực lớn lên hệ thống hạ tầng giao thông.

Cuối năm 2012, TP thực hiện đề án “Cải tạo, chỉnh trang hè phố Hà Nội đến năm 2020”; năm 2016 ban hành những quy định mới về cải tạo hè phố. Đến cuối tháng 3/2021, UBND TP Hà Nội lại tiếp tục ban hành Quyết định 1303/QĐ-UBND quy định về việc “Thiết kế mẫu hè đường đô thị trên địa bàn”.

Căn cứ theo các quyết định, đề án được phê duyệt, UBND TP đã chấp thuận với đề xuất cải tạo, làm mới hè phố sử dụng vật liệu là đá tự nhiên thay thế gạch xi măng truyền thống. Đến thời điểm này, những tuyến vỉa hè thiết kế, lắp đặt loại vật liệu mới đã được đưa vào sử dụng, góp phần quan trọng vào việc tạo ra diện mạo mới trong quá trình chỉnh trang đô thị và tính thẩm mỹ trong việc bảo tồn công trình văn hóa, công trình có kiến trúc riêng biệt của Thủ đô.

Tuy nhiên, rất nhiều tuyến vỉa hè chỉ sau một thời gian ngắn đưa vào sử dụng đã xuất hiện tình trạng xuống cấp, mặt đá bị vỡ nát... Hiện tượng đó không hiếm gặp khi đi trên những tuyến phố thuộc địa bàn các quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng... Về vấn đề này, theo chuyên gia Trần Huy Ánh, có nhiều ý kiến đề cập đến các nguyên nhân như trong quá trình thi công (việc rải nền, trộn tỷ lệ xi măng, cát…) không đảm bảo chất lượng vì điểm yếu của đá tự nhiên là có vết rạn sẵn, nếu đầm nền không tốt sẽ dẫn đến lún, sụt, chỉ một thời gian ngắn đá có thể bị vỡ.

Nhưng bên cạnh đó, do ý thức sử dụng vỉa hè của người dân như việc sử dụng vỉa hè làm nơi kinh doanh, nhiều đoạn vỉa hè mới lát chưa đủ 8 - 10 tiếng sau khi thi công thì ô tô, xe máy đã lao lên; người dân tự đục vỉa hè làm lối lên xuống; có nơi cho phép đỗ ô tô trên vỉa hè hoặc cho phép cạy vỉa hè lên để hạ ngầm đường dây, khi hoàn trả không bảo đảm yêu cầu kỹ thuật… “Nhiều tuyến phố lát đá tự nhiên đang xuống cấp nghiêm trọng, tôi nghĩ rằng các nguyên nhân trên vẫn còn nguyên tính thời sự, vì vậy cần mổ xẻ đến tận gốc rễ vấn đề” – ông Ánh nói.

Báo cáo từ Sở Xây dựng Hà Nội cũng chỉ ra những nguyên nhân dẫn đến sự xuống cấp nhanh của những công trình vỉa hè như có dự án, hồ sơ thiết kế chưa quy định được rõ cường độ vật liệu đá lát hè, chỉ định rõ mạch lát; thiếu thiết kế chi tiết tại các vị trí góc bó vỉa; không cung cấp được giấy chứng nhận hợp quy, bản thông báo tiếp nhận hồ sơ công bố hợp quy của cơ quan chuyên ngành đối với vật liệu đá tự nhiên theo quy định; tần suất lấy mẫu, kết quả thí nghiệm chưa đảm bảo. Đáng chú ý, công tác kiểm tra, giám sát vật liệu sử dụng chưa đạt yêu cầu về chiều dày đá lát; tiêu chuẩn kỹ thuật về độ bền uốn, độ hút nước, độ cứng vạch bề mặt...

Đá lát vỉa hè bị xuống cấp trên đường Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy. Ảnh: Phạm Hùng
Đá lát vỉa hè bị xuống cấp trên đường Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy. Ảnh: Phạm Hùng

Tôn trọng chức năng của vỉa hè

Theo đánh giá của các chuyên gia, hiện nay công tác cải tạo, chỉnh trang hè phố của Hà Nội chưa thực sự mang lại hiệu quả như kỳ vọng, do quá trình quản lý, sử dụng còn nhiều bất cập, dẫn đến lãng phí nguồn lực tài chính. Để triển khai thực hiện cần phải có một khảo sát toàn diện hoạt động vỉa hè trên mỗi đường phố, trước mắt tập trung vào các đường phố của khu vực trung tâm, nơi có nhiều hoạt động thương mại, văn hóa, du lịch.

Cơ quan chức năng cần dựa vào vị trí, chiều rộng của từng vỉa hè cụ thể để xác định vỉa hè nào đủ tiêu chuẩn làm cả ba chức năng vừa đảm bảo hoạt động đi bộ, bán hàng và để xe máy; vỉa hè nào chỉ cho phép bán hàng rong, người đi bộ; vỉa hè nào chỉ dành cho đi bộ và để xe máy (như vỉa hè 3m)? Bên cạnh đó, cần xây dựng các thiết kế đô thị từng tuyến phố để có vị trí hợp lý cho trồng cây xanh, đặt trạm ATM, thùng rác trên vỉa hè...

 

Quản lý, sử dụng vỉa hè như thế nào là một quá trình của việc tổ chức quy hoạch, thiết kế và quản lý đô thị, là cả một quá trình đồng bộ, kéo dài, thường xuyên, liên tục. Về lâu dài, cần phải hoàn thiện quy hoạch đô thị, trong đó có vỉa hè gắn với tổ chức triển khai quy hoạch và vận động cư dân đô thị nâng cao ý thức văn hóa thị dân, hợp tác với các cấp chính quyền giữ gìn trật tự vỉa hè, văn minh đô thị.

Nguyên Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam, KTS Khương Văn Mười

“Tôi cho rằng chỉnh trang, lát mới vỉa hè là việc cần làm nhưng những tuyến phố vỉa hè còn tốt không cần lát lại, chỉ làm khi thực sự xuống cấp, gập ghềnh, không bảo đảm an toàn cho người dân đi lại. Để chủ trương cải tạo vỉa hè mang lại hiệu quả, TP Hà Nội cần khảo sát, xem lại tuyến nào thực sự cần phải chỉnh trang, lát mới, trường hợp không cần thiết thì thôi để tránh lãng phí" - KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội KTS Việt Nam phân tích.

Cũng theo KTS Nguyễn Thanh Tùng, lát mới hè phố không chỉ để làm đẹp, mà mục đích lớn nhất nhằm tạo sự thông thoáng, ngăn nắp, an toàn cho người đi bộ và bảo đảm tính bền vững. Thông thường, lát vỉa hè sử dụng gạch xi măng để có thể thấm nước, không trơn trượt, vì vậy không nên dùng đá tự nhiên, đây là loại vật liệu không thân thiện với môi trường, phải phá núi lấy đá lát vỉa hè đi ngược xu hướng kiến trúc xanh, đô thị xanh.

Không phủ nhận “văn hóa vỉa hè” là một phần không thể tách rời đời sống của người dân đô thị nhưng cần phải tôn trọng chức năng của vỉa hè để quản lý, sử dụng một cách hợp lý, vừa khai thác được giá trị, vưa đảm bảo tuổi thọ cho những công trình vỉa hè. Mỗi vỉa hè phải dành không gian đủ rộng cho người đi bộ, tối thiểu từ 1,6 - 2m, những vỉa hè nhỏ hơn 2m thì không được phép tổ chức hoạt động đường phố; tuyến vỉa hè rộng trên 2m thì cần lấy ý kiến của các bên liên quan bao gồm cả chính quyền và người dân để phân khu chức năng sử dụng.

“Văn hóa vỉa hè là không thể tách rời trong đời sống của người dân ở tất cả các đô thị nổi tiếng trên thế giới, như Tokyo, Paris, London hay New York... Vì thế, cần có thứ tự ưu tiên trong việc sắp xếp các chức năng của vỉa hè, quan trọng nhất là người đi bộ có đủ chỗ để đi và những người kinh doanh cũng phải tuân thủ quy định chặt chẽ. Nên tổ chức, hướng dẫn lại việc sử dụng vỉa hè sao cho hợp lý, để giữ gìn và phát triển bản sắc riêng cho đô thị chúng ta” - KTS Ngô Viết Nam Sơn nhìn nhận.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng cùng chung quan điểm về việc không nên sử dụng đá tự nhiên để lát vỉa hè trong giai đoạn biến đổi khí hậu phức tạp như hiện nay. Bởi đá tự nhiên không có khả năng thẩm thấu nước như các loại gạch xi măng trước đây, sẽ làm cạn kiệt mạch nước ngầm để nuôi dưỡng cây xanh, điều hòa khí hậu mà gây ra hiệu ứng tăng nhiệt.

 

Vỉa hè có khả năng thoát nước tốt là tối quan trọng đối với TP, không chỉ nuôi cây xanh trên mặt đất, bổ sung nguồn nước ngầm khi thẩm thấu lâu dài, khi bốc hơi tạo nên vùng khí hậu dễ chịu hơn rất nhiều. Việc lát đá tự nhiên ở vỉa hè trên các tuyến phố vì vừa xa xỉ, lãng phí lại lộ nhiều bất cập. Tăng diện tích thấm nước rất quan trọng trong một đô thị khi biến đổi khí hậu. Trong khi đó vỉa hè lát bằng đá tự nhiên không có khả năng thấm nước như nhiều loại gạch trước đó Hà Nội đã sử dụng.

Chuyên gia Trần Huy Ánh