Đây là bước đầu tiên để Nghị quyết đi vào cuộc sống, bởi bằng việc nắm chắc những điểm mới, cốt lõi, từ sự thống nhất về ý chí và hành động, mỗi địa phương, đơn vị sẽ cụ thể hóa Nghị quyết bằng các chương trình, kế hoạch hành động phù hợp thực tế.
“Phải tạo ra được những chuyển biến rõ rệt trong đời sống xã hội ở những lĩnh vực mà Nghị quyết đề cập” - đó là yêu cầu được Ban Bí thư T.Ư Đảng nhấn mạnh khi triển khai Nghị quyết này. Nhưng để thực sự tinh gọn bộ máy lại không hề dễ dàng nếu thiếu sự quyết liệt. Bởi thực tế cho thấy, sau hàng chục năm tinh giản biên chế, số lượng các đầu mối, đơn vị, biên chế không giảm mà còn có xu hướng tăng, “bóp” chỗ này lại “phình” chỗ kia. Bộ máy bên trong các bộ, cơ quan ngang bộ còn nhiều tầng lớp trung gian, tình trạng "bộ trong bộ" ngày càng nặng nề. Chính Trưởng ban Tổ chức T.Ư Phạm Minh Chính khi truyền tải tinh thần Nghị quyết đã chỉ ra sự “tăng trưởng” của bộ máy: So với năm 2011, số tổng cục tăng 2 lần; cục, vụ thuộc các tổng cục tăng 4,7%, vụ cục và tương đương thuộc bộ tăng 13,6%... Cùng với đó, sau 30 năm đổi mới, số đơn vị hành chính cấp tỉnh tăng thêm 19, đơn vị cấp huyện tăng 178, đơn vị cấp xã tăng 1.136... Nguyên nhân khiến bộ máy tiếp tục "phình" ra là do còn hiện tượng tùy tiện trong bổ nhiệm, đề bạt, thành lập vụ viện, hình thành một số chức danh không đúng theo quy định như “hàm” vụ trưởng, vụ phó... Rồi tình trạng “bì tị”, dẫn tới tâm lý T.Ư làm được thì tỉnh làm được, tỉnh này làm được thì tỉnh kia làm được. Từ đó, số lượng cấp phó tăng nhanh, không chỉ trong cơ quan Nhà nước mà kể cả cơ quan Đảng, đoàn thể. Bộ máy cồng kềnh, nhưng vẫn có tình trạng bỏ sót việc, chồng chéo, giẫm chân nhau. Cùng với việc đưa Nghị quyết của T.Ư Đảng vào cuộc sống, vừa qua Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết về vấn đề này, đề cập rõ tình trạng, nguyên nhân và thể hiện rõ quyết tâm lớn cùng thực hiện lộ trình tinh nhuệ bộ máy. Nhiều giải pháp được triển khai để thu gọn đầu mối; thí điểm việc hợp nhất một số cơ quan có nhiệm vụ tương đồng, giảm cấp trung gian… Nhưng điều quan trọng được nhắc đến nhiều là sau khi Nghị quyết được triển khai, rất cần nhân rộng những cách làm hay, mô hình tốt của những đơn vị, địa phương đi đầu.Nhìn từ Hà Nội, những con số đạt được trong kiện toàn, sắp xếp bộ máy có thể khẳng định thành công bước đầu. Hà Nội cũng đã vượt qua được điểm khó nhất trong quá trình triển khai là đảm bảo thông suốt về nhận thức; minh bạch, rõ ràng trong triển khai. Đến nay, TP không nhận được bất cứ một đơn thư nào liên quan đến sắp xếp, kiện toàn bộ máy và tinh giản biên chế. Điều đó có thể thấy, dù là một việc khó, đặc biệt với địa bàn như Hà Nội, nhưng không phải không làm được nếu quyết tâm và có giải pháp phù hợp.Với những giải pháp rõ ràng, T.Ư Đảng đã triển khai đến lãnh đạo chủ chốt của các các bộ, ngành, địa phương, những bài học từ thực tế và chắc chắn khi có sự vào cuộc đồng bộ, bộ máy sẽ được tinh gọn, từ đó sẽ giảm ngay đội ngũ cán bộ, biên chế, giảm chi ngân sách... Dẫn ra câu chuyện về việc hợp nhất Hà Nội và Hà Tây, Trưởng ban Tổ chức T.Ư đã nhận định: Khi đặt vấn đề thì rất nhiều khó khăn, nay tổng kết lại đã khẳng định tính đúng đắn. Bài học thành công sống động ấy cho thấy, việc khó mấy cũng làm được, nếu điều đó là đúng đắn, phù hợp với thực tiễn xã hội.