Việc không xác nhận tư cách đại biểu vì không bảo đảm tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội là bình thường

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Liên quan việc Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã ban hành Nghị quyết không xác nhận tư cách đại biểu của đại biểu trúng cử vì không bảo đảm các tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội, Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ) Phan Văn Hùng bày tỏ quan điểm, việc này hết sức bình thường.

Tại buổi họp báo định kỳ do Bộ Nội vụ tổ chức chiều nay (18/6), Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ) Phan Văn Hùng cho hay, theo chức năng nhiệm vụ của mình, Bộ Nội vụ đã tham mưu về công tác xem xét quy trình nhân sự đối với đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND. Trong quá trình xây dựng các văn bản pháp luật liên quan về công tác cán bộ, Vụ đã tham mưu Ban Cán sự Đảng và lãnh đạo Bộ với trách nhiệm cao nhất để làm sao đảm bảo thực hiện đúng các quy định của Đảng và Nhà nước, pháp luật về công tác cán bộ.
Đặc biệt, về việc Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã ban hành Nghị quyết số 748 không xác nhận tư cách đại biểu của đại biểu trúng cử vì không bảo đảm các tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội, ông Hùng bày tỏ quan điểm, việc này hêt sức bình thường.
 Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ) Phan Văn Hùng
“Quan điểm của Đảng và Nhà nước ta là cán bộ khi được phát hiện sai phạm thì sẽ bị xử lý, thực hiện theo quy trình từng bước, từng quá trình, từng cấp độ, từng thời gian. Có thể họ vi phạm ngày hôm nay nhưng sau một thời gian cơ quan có thẩm quyền mới hiện ra, thì tại thời điểm phát hiện đó, khi đã có đầy đủ chứng cứ thuyết phục và căn cứ các quy định của Đảng cũng như quy định pháp luật về công tác cán bộ thì sẽ xử lý tại thời điểm phát hiện theo đúng quy định pháp luật” - ông Phan Văn Hùng khẳng định.
Cũng theo Vụ trưởng Vụ Tổ chức Biên chế, cần nhận thức công tác cán bộ là vô cùng quan trọng, nên luôn phải nghiên cứu để hoàn thiện các quy định về công tác này cho chặt chẽ, bảo đảm các quy định được thực hiện trên thực tế. Những cán bộ sai phạm sẽ phải bị xử lý theo đúng quy định pháp luật về công tác cán bộ. Chẳng hạn, giữa nhiệm kỳ Quốc hội, khi phát hiện trường hợp cán bộ có sai phạm thì Quốc hội vẫn bãi nhiệm tư cách đại biểu; thậm chí vừa qua có những đại biểu Quốc hội đã qua 3 vòng hiệp thương để vào vòng ứng cử của đơn vị bầu cử của TP Hà Nội nhưng khi có việc sai phạm, Hội đồng Bầu cử vẫn ra nghị quyết xóa tên khỏi danh sách ứng cử viên đó. Quan điểm của Đảng, Nhà nước ta về xử lý cán bộ là rất nghiêm minh, song trong quá trình thực hiện cần thường xuyên nghiên cứu để bổ sung những quy định cho chặt chẽ.