Việc làm cần thiết,tác dụng lâu dài

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2014 dù được đánh giá là tiếp tục giảm trên cả ba tiêu chí nhưng TNGT vẫn diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nhiều nguy cơ, đặc biệt là các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng.

Do đó, ưu tiên phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào giao thông là việc làm cần thiết, có tác dụng lâu dài.

50.000 trường hợp xử phạt qua camera không có khiếu nại

Mặc dù quy định các phương tiện vận tải hành khách, hàng hóa phải lắp thiết bị giám sát hành trình đã có từ lâu nhưng do có quá nhiều đơn vị cung cấp, nhiều cách tính, chưa thể kiểm tra được việc một thiết bị đang hoạt động bỗng nhiên "chết" là lỗi kỹ thuật hay do lái xe tắt khiến việc kiểm tra, xử lý qua việc chiết suất thông tin từ thiết bị giám sát hành trình gặp nhiều khó khăn. Theo ông Triệu Việt Phương - Viện Đo lường Việt Nam, để khắc phục tình trạng trên cần tích hợp thêm chức năng giám sát lái xe bằng hình ảnh. "Tích hợp thêm thiết bị giám sát bằng hình ảnh sẽ giúp các lực lượng chức năng kiểm soát được tên, tuổi, tuổi nghề, thời gian điều khiển phương tiện của lái xe" - ông Phương cho biết.
Giám sát hoạt động xe buýt thông qua hệ thống định vị tại Tổng Công ty Vận tải Hà Nội. Ảnh: Quỳnh Anh
Giám sát hoạt động xe buýt thông qua hệ thống định vị tại Tổng Công ty Vận tải Hà Nội. Ảnh: Quỳnh Anh
Trong khi đó, PGS.TS Trương Gia Bình - Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm Việt Nam đề nghị, Bộ GTVT cần xây dựng Đề án tổng thể về ứng dụng CNTT trong công tác đảm bảo trật tự ATGT. Theo lý giải của ông Bình, nếu Đề án được xây dựng và triển khai sẽ góp phầm giảm sự lệ thuộc về con người, tạo thuận lợi cho việc quản lý, kiểm tra, giám sát, tổ chức điều hành giao thông. Đồng quan điểm với ông Bình, một số đại biểu lấy dẫn chứng việc xử lý vi phạm bằng camera kết hợp với các trạm thu phí. "Ở mỗi trạm thu phí lắp đặt barie và đèn cảnh báo. Những xe nào vi phạm bị hệ thống camera giám sát ghi lại, khi về đến trạm thu phí thì đèn đỏ sẽ báo và barie không mở ra. Rất đảm bảo an toàn cho lực lượng chức năng làm nhiệm vụ trên đường, ý thức của người tham gia giao thông cũng được nâng cao. Đến nay, mô hình này đã giúp xử lý 50.000 trường hợp vi phạm nhưng chưa nhận được bất kỳ trường hợp khiếu nại nào" -  Đại tá Lê Xuân Đức - Trưởng phòng 6, Cục CSGT Đường bộ, đường sắt cho biết.

Khuyến khích các doanh nghiệp vào cuộc

Năm 2014, TNGT trên cả nước đã giảm cả 3 tiêu chí. Số người chết vì TNGT đã giảm xuống mức dưới 9.000 người. Năm 2012 và năm 2013 là 2 năm liên tiếp, số người chết vì TNGT giảm xuống dưới 10.000 người. Đây là những con số hết sức có ý nghĩa, tuy vậy vẫn phải nhìn nhận vấn đề ATGT tại nước ta hiện nay còn nhiều trăn trở. Do đó, những ý kiến đóng góp của các đại biểu sẽ góp phần không nhỏ cho mục tiêu năm 2015, giảm từ 5 - 10% TNGT trên cả 3 tiêu chí và ở tất cả các địa phương.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GTVT, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Đinh La Thăng đánh giá cao những đề xuất mới, kết quả ứng dụng công nghệ trong công tác bảo đảm trật tự ATGT. Đồng thời khẳng định, việc xây dựng Đề án tổng thể về ứng dụng CNTT trong công tác đảm bảo ATGT là cần thiết và giao Ủy ban ATGT Quốc gia tham mưu thành lập Ban chỉ đạo xây dựng đề án; lập dự án thí điểm xã hội hóa đầu tư hệ thống CNTT trong giám sát, xử lý vi phạm trên một số tuyến QL trọng điểm...

Cũng theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, Ủy ban ATGT Quốc gia sẽ phối hợp với các nhà khoa học tìm kiếm các nguồn vốn, khuyến khích các DN, tập đoàn có liên quan đầu tư phát triển nghiên cứu và đầu tư vào nhân tố con người về ATGT, áp dụng hình thức hợp tác công - tư trong nghiên cứu ứng dụng ATGT khi có thể. Bên cạnh đó, có cơ chế linh hoạt hơn và đãi ngộ xứng đáng hơn đối với việc đăng ký, triển khai áp dụng các đề tài nghiên cứu; hỗ trợ triển khai công tác bảo hộ bản quyền với sáng kiến phát minh có đóng góp tới công tác đảm bảo ATGT nói riêng và giao thông vận tải nói chung.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần