Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Việc nắm vững chính trị nội bộ luôn được Hà Nội quan tâm thực hiện

Trần Long - Ảnh: Thanh Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 23/12, Đoàn kiểm tra số 03 của Tiểu ban bảo vệ chính trị nội bộ Trung ương đã làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội để triển khai các Quyết định, Kế hoạch kiểm tra của Đoàn trên địa bàn Thành phố.

Đại tướng Lương Cường - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, Ủy viên Tiểu ban bảo vệ chính trị nội bộ Trung ương - Trưởng đoàn kiểm tra và Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng chủ trì buổi làm việc.

Tham dự buổi làm việc có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn cùng các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy…

Đại tướng Lương Cường phát biểu tại cuộc làm việc.
Đại tướng Lương Cường phát biểu tại cuộc làm việc.

Góp quan trọng giúp sàng lọc đội ngũ cán bộ, đảng viên

Tại buổi làm việc, Thiếu tướng Bùi Trọng Vĩnh - Cục trưởng Cục Bảo vệ an ninh quân đội đã công bố Kế hoạch số 121 ngày 24/10/2022 của Tiểu ban bảo vệ chính trị nội bộ Trung ương về kế hoạch kiểm tra Quý IV/2022 của Tiểu ban; Quyết định số 127, ngày 3/11/2022 của Tiểu ban bảo vệ chính trị nội bộ Trung ương về việc thành lập đoàn kiểm tra công tác bảo vệ chính trị nội bộ tại Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội.

Phát biểu tại buổi làm việc, Đại tướng Lương Cường nhấn mạnh, công tác bảo vệ chính trị nội bộ là một nội dung rất quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, liên quan đến sự tồn vong của Đảng và chế độ. Do vậy, từ khi thành lập, căn cứ yêu cầu thực tiễn của từng thời kỳ, từng giai đoạn cụ thể, Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đều có các hình thức, phương pháp lãnh đạo, hướng đến mục tiêu bảo vệ những vấn đề cốt lõi của Đảng là bảo vệ Cương lĩnh, Điều lệ Đảng, bảo vệ sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, bảo vệ sự trong sạch, vững mạnh của tổ chức Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Cũng theo Đại tướng Lương Cường, trong thời gian qua, công tác bảo vệ chính trị nội bộ đã có những đóng góp quan trọng, giúp sàng lọc đội ngũ cán bộ, đảng viên, phục vụ công tác nhân sự thường xuyên, nhân sự Đại hội các cấp. Qua đó, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên.

Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm là cơ bản, chủ yếu thì công tác bảo vệ chính trị nội bộ vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục và những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ. Chính vì thế, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, năm 2022, Tiểu ban bảo vệ chính trị nội bộ đã ra quyết định thành lập 5 đoàn kiểm tra đối với 10 tổ chức đảng và cấp ủy trực thuộc Trung ương.

Mục đích nhằm đánh giá đúng những kết quả đạt được cũng như tồn tại, hạn chế và nguyên nhân trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chủ trương, quy định của Đảng về công tác bảo vệ chính trị nội bộ; phát hiện và chấn chỉnh kịp thời, kiến nghị xử lý những sai phạm nếu có. Đây cũng là dịp tốt để trao đổi, đánh giá sâu hơn, đưa ra cách làm mới, cách làm hay nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bảo vệ chính trị nội bộ nói chung, đáp ứng tốt hơn yêu cầu công tác xây dựng Đảng trong giai đoạn mới.

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng phát biểu tại cuộc làm việc.
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng phát biểu tại cuộc làm việc.

Trên cơ sở đó, Trưởng đoàn kiểm tra đề nghị quán triệt và thực hiện nghiêm túc kế hoạch kiểm tra và lưu ý 5 nội dung. Trong đó, đánh giá toàn diện việc quán triệt các chỉ thị, kết luận, quy định của Trung ương về công tác bảo vệ chính trị nội bộ tại Đảng bộ Hà Nội. Tập trung đánh giá sâu hơn, kỹ hơn việc thực hiện các quan điểm, nguyên tắc cơ bản đã được Bộ Chính trị xác định, nhất là nguyên tắc bảo vệ chính trị nội bộ là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trước hết là của cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, nhất là cấp ủy cơ sở.

Trưởng đoàn kiểm tra cũng lưu ý cần đánh giá, làm rõ công tác nhận diện và bảo vệ chính trị nội bộ hiện nay; kết quả công tác xem xét, đánh giá tiêu chuẩn chính trị của người vào Đảng, người vào cấp ủy, lãnh đạo quản lý, đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp, qua đó đề xuất giải pháp để ngăn chặn, bịt lỗ hổng, ngăn ngừa các phần từ cơ hội chính trị. Cùng với đó, tập trung đánh giá về công tác cán bộ, đảng viên có liên quan đến yếu tố nước ngoài; đánh giá về vai trò, hiệu quả hoạt động của Tiểu ban bảo vệ chính trị nội bộ trên địa bàn TP và nêu những kiến nghị, đề xuất với Trung ương.

Xử lý kịp thời những tình huống phức tạp phát sinh từ sớm, từ xa

Phát biểu tại cuộc làm việc, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cảm ơn Tiểu ban bảo vệ chính trị nội bộ Trung ương và Đoàn kiểm tra số 03 đã lựa chọn Hà Nội để tiến hành kiểm tra công tác bảo vệ chính trị nội bộ của Đảng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay. Đây là cơ hội quý báu để Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội được nhìn nhận, đánh giá thực chất kết quả triển khai công tác bảo vệ chính trị nội bộ trong thời gian qua. Đồng thời có điều kiện trao đổi, chia sẻ một số kinh nghiệm; đề xuất, kiến nghị với Trung ương từ thực tiễn triển khai công tác quan trọng này tại địa phương và cơ sở.

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 39 ngày 18/8/2014 về “Tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ trong tình hình hiện nay”; Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo xây dựng và ban hành Kế hoạch số 139 ngày 30/10/2014 về triển khai thực hiện Chỉ thị số 39 của Bộ Chính trị, với các yêu cầu, nội dung, quan điểm, phương châm và phương pháp tiến hành cụ thể, nhằm thực hiện tốt 5 quan điểm, 8 nhiệm vụ chủ yếu của Chỉ thị; chỉ rõ lộ trình, phân công rõ trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện.

Việc nắm vững tình hình chính trị nội bộ luôn được Đảng bộ thành phố Hà Nội quan tâm thực hiện, đã chủ động giải quyết, xử lý kịp thời những tình huống phức tạp phát sinh từ sớm, từ xa; làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, góp phần ổn định chính trị, giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn, phục vụ nhiệm vụ xây dựng Đảng và phát triển kinh tế - xã hội.

Quang cảnh cuộc làm việc.
Quang cảnh cuộc làm việc.

Các kênh thông tin phối hợp về tình hình chính trị nội bộ; việc rà soát, phát hiện và xử lý thông tin; giải quyết đơn thư của cán bộ, đảng viên được tiến hành đúng nguyên tắc, quy trình, quy định. Cấp ủy Đảng có thẩm quyền đã chỉ đạo làm rõ nhiều vấn đề, góp phần bảo vệ uy tín của tổ chức Đảng và cán bộ, đảng viên; tiến hành thẩm tra, xác minh, kết luận và xử lý những trường hợp vi phạm tiêu chuẩn chính trị theo quy định.

Thành ủy cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 35 ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”, qua các hoạt động đã tạo sự chuyển biến rõ nét trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng chỉ đạo các đồng chí trong Ban Thường vụ Thành ủy và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung chỉ đạo và thực hiện tốt các nội dung, yêu cầu mà Đoàn kiểm tra đề ra.

“Ban Thường vụ Thành ủy rất mong nhận được những ý kiến từ Đoàn Kiểm tra, để qua đó, Hà Nội sẽ tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được, khắc phục tồn tại, hạn chế, tập trung thực hiện tốt hơn nữa công tác bảo vệ chính trị nội bộ của Thủ đô trong thời gian tới. Tạo tiền đề quan trọng để thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng” - Bí thư Thành ủy Hà Nội nêu rõ.