Việc nhà là của chung

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Nỗi ngạc nhiên của em chuyển sang bất ngờ khi mẹ xa gần nhắc nhở em không được “sai bảo” anh những việc của phụ nữ.

KTĐT - Nỗi ngạc nhiên của em chuyển sang bất ngờ khi mẹ xa gần nhắc nhở em không được “sai bảo” anh những việc của phụ nữ. Mang giùm vợ thau đồ to lên gác, xách giùm cái giỏ nặng, dắt giúp cái xe ra cửa... những thứ đó làm mất giá trị của một người đàn ông trong mắt mẹ.

Nhà anh có hai đứa cháu gọi em bằng mợ. Ngày mới về, em đã rất ngạc nhiên khi thấy đứa con trai đang học năm hai đại học được em gái, mẹ hay bà ngoại xới cơm, gỡ cá, đưa kèm cái muỗng đến tận tay. Càng ngạc nhiên hơn khi đứa con gái nhỏ đó phải cáng đáng hết mọi việc nhà mà không than vãn, so bì gì cả, coi như là bổn phận đương nhiên. 

Nỗi ngạc nhiên của em chuyển sang bất ngờ khi mẹ xa gần nhắc nhở em không được “sai bảo” anh những việc của phụ nữ. Mang giùm vợ thau đồ to lên gác, xách giùm cái giỏ nặng, dắt giúp cái xe ra cửa... những thứ đó làm mất giá trị của một người đàn ông trong mắt mẹ. Hóa ra, mọi chuyện dọn dẹp, chợ búa, bếp núc đương nhiên dành cho phụ nữ. Dù người phụ nữ đó cũng phải đi làm, cũng phải đóng góp chi tiêu như một người đàn ông trong nhà, cũng phải lo toan nhiều thứ ngoài xã hội.

Và em hiểu hơn khi nhận ra lối sống lạ lùng của gia đình mình. Ba thì ngồi khề khà bên bình trà, sai mẹ lụm khụm đi mua đồ ăn sáng, nhắc mẹ dọn cơm, thản nhiên ngồi xem tivi khi mẹ bận rộn với một núi việc không tên khác, dù cả hai ông bà đều đã lớn tuổi, cùng ở nhà suốt ngày bên nhau.

Thỉnh thoảng ba còn la mẹ “sao suốt ngày cứ thấy bà loay hoay vậy?”. Có lẽ vì thói quen ngày trẻ, ba đi làm về và tự cho mình cái quyền được mẹ và những người phụ nữ khác trong nhà hầu hạ, chăm chút? Nhiều lúc qua thăm ba mẹ, em nhìn cảnh đó mà không khỏi ái ngại, anh à.

Rồi có lẽ cũng vì quen được “phục vụ tận răng” như vậy, nên ngoài việc đi làm kiếm sống, anh gần như không biết làm gì cả, dù chúng mình đều xuất thân từ con nhà lao động, chẳng phải cô chiêu cậu ấm gì. Mỗi sáng em thức dậy, tất bật dọn dẹp, rửa mặt, thay đồ, cột tóc cho con, sửa soạn bữa sáng, vệ sinh cá nhân, hối hả dắt xe ra, đưa con đến trường, chạy vô cơ quan... Nhiều hôm em thậm chí không kịp chải tóc, không kịp ghé mua chút đồ ăn sáng vì sợ trễ giờ. 

Mỗi chiều về, em ghé đón con, tạt qua chợ mua ít thức ăn, lo cho con tắm rửa ăn uống, sửa soạn bữa tối, lau dọn nhà cửa, chơi với con... Bao nhiêu thứ đó đổ dồn lên vai em. Nếu không có anh phụ giúp một tay, cộng với áp lực công việc, liệu em sẽ cầm cự được bao lâu?

Ngay cả những việc phục vụ cho chính bản thân như ủi cái áo, dọn cái phòng cho gọn gàng, đến việc tự lo như ăn cơm, uống thuốc em đều phải nhắc anh. Nếu không, anh sẵn sàng bỏ bữa vì một bộ phim hay, sẵn sàng nằm chung với những tờ báo cũ, vài cái tăm bông, thậm chí cả một cái chén dơ trên giường.

Khi em bệnh, em lại thấy anh cầm con dao và trái cam, bối rối không biết phải gọt ra sao! Em nhìn tay anh vụng về lóng ngóng và tự hỏi, liệu mình có thể “huấn luyện” gì thêm cho đôi bàn tay đó hay không?

Vậy mà hóa ra được. Bỏ qua nỗi bực mình vì chờ đợi, vì thất vọng khi “sản phẩm” quá kém, vượt qua được cảm giác “tự làm quách đi cho xong, cho gọn”, em đã giúp anh dần dà thay đổi. Cũng nhờ anh có sẵn thiện ý và quyết tâm học hỏi. Có lẽ, anh cũng nhận ra cuộc sống đã khác xưa nhiều lắm rồi. Giờ thì anh của em đã có thể luộc trứng, luộc rau, biết quét nhà, biết đón con...

Em mừng vì anh đã có thể phụ giúp em đôi điều, nhưng mừng hơn vì anh đã vượt qua được thói quen cũ của gia đình, mừng vì anh đã thật sự là một người đàn ông biết chung tay vun vén. Mừng vì mẹ đã ít nhiều thông cảm, nhận ra những công việc đó không hề làm con trai mình thấp kém đi mà ngược lại. Một người đàn ông có trách nhiệm, biết tự trọng, có trái tim biết yêu thương và chia sẻ thì chắc chắn không thể thờ ơ với vô vàn công việc mà vợ con mình đang nai lưng gánh vác. Chắc là anh cũng đồng ý với em như vậy, phải không anh?