Theo ông Phan Hồng Sơn, Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội, sau 10 năm thi hành Pháp lệnh Thủ đô đã tồn tại nhiều bất cập như: chưa tương xứng với vị thế, tiềm năng của Thủ đô; công tác quy hoạch đô thị, cơ chế chính sách chưa theo kịp yêu cầu phát triển TP; cải cách hành chính còn chậm… Do đó, đề nghị Quốc hội sớm thông qua Luật Thủ đô tạo cơ sở pháp lý cho quá trình xây dựng và phát triển Thủ đô, khi khả năng thực thi Pháp lệnh Thủ đô chưa cao.
Tại hội thảo, các đại biểu đưa ra ý kiến về việc áp dụng mức phạt tiền cao hơn với một số hành vi vi phạm hành chính nội thành, quản lý dân cư Thủ đô, chính sách tài chính… Ông Đặng Đình Luyến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhấn mạnh: Việc xây dựng và ban hành Luật Thủ đô là rất cần thiết, phù hợp với Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011 - 2020; qua đó góp phần khắc phục hạn chế, bất cập trong việc phát triển kinh tế- xã hội, quản lý đô thị, dân cư, giao thông vận tải và đưa ra các cơ chế chính sách đặc thù nhằm tạo động lực cho sự phát triển Thủ đô về mọi mặt.