Xét xử vụ án Vạn Thịnh Phát:

Viện Kiểm sát đề nghị loại Trương Mỹ Lan ra khỏi đời sống xã hội

Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 19/3, phiên tòa xét xử vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (VTP) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) bước sang phần luận tội và đề nghị mức án của đại diện Viện KSND đối với các bị cáo.

Đối với bị cáo Trương Mỹ Lan (SN 1956, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn VTP, được xác định chủ mưu), cáo trạng cáo buộc đã gây thiệt hại cho SCB hơn 498.000 tỷ đồng, sau khi đã trừ đi giá trị tài sản đảm bảo của các khoản vay được Công ty thẩm định giá Hoàng Quân thẩm định.

Bị cáo Trương Mỹ Lan bị đề nghị loại bỏ ra khỏi đời sống xã hội. Ảnh: Trung tâm báo chí TP Hồ Chí Minh.  
Bị cáo Trương Mỹ Lan bị đề nghị loại bỏ ra khỏi đời sống xã hội. Ảnh: Trung tâm báo chí TP Hồ Chí Minh.  

Theo đại diện Viện KSND, từ giai đoạn điều tra đến giai đoạn truy tố và đưa ra xét xử, trừ bị cáo Trương Mỹ Lan (và 5 bị cáo đã bỏ trốn ra nước ngoài, bị xét xử vắng mặt), thì 80 bị cáo còn lại đều ăn năn hối cải, khai báo thành khẩn, hợp tác tích cực với cơ quan tố tụng điều tra để làm rõ bản chất của vụ án.

Trước và trong quá trình xét xử, nhiều bị cáo đã tự nguyện, hoặc tác động người thân nộp lại tiền, tài sản để khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của mình gây ra…

Vụ án này, bị cáo Trương Mỹ Lan cùng đồng phạm trong Tập đoàn VTP và SCB đã lợi dụng các chính sách của Nhà nước khi tái cơ cấu lại các ngân hàng, để từ đó dùng nhiều thủ đoạn thâu tóm SCB (nắm giữ hơn 91,5% cổ phần) và biến SCB trở thành công cụ tài chính phục vụ lợi ích của Trương Mỹ Lan và hệ sinh thái VTP.

Các thủ đoạn của bị cáo Trương Lan, như: tuyển chọn và sắp xếp thân tín, những người giỏi về tài chính ngân hàng vào những vị trí chủ chốt của SCB; lập ra 3 đơn vị chủ yếu để cho Trương Mỹ Lan và các công ty “ma”, người đứng tên hộ trong hệ sinh thái VTP vay tiền từ SCB để chiếm đoạt; thông đồng với 5 công ty thẩm định giá để nâng “khống” giá trị tài sản đảm bảo của các khoản vay; lập phương án “giải quỹ” nhằm tránh bị các cơ quan chức năng có thẩm quyền truy vết nguồn tiền sau khi SCB giải ngân; bán nợ xấu cho các đơn vị khác…

Bị cáo Chu Lập Cơ (chồng bị cáo Trương Mỹ Lan) bị đề nghị mức án nghiêm khắc. Ảnh: Trung tâm báo chí TP Hồ Chí Minh.
Bị cáo Chu Lập Cơ (chồng bị cáo Trương Mỹ Lan) bị đề nghị mức án nghiêm khắc. Ảnh: Trung tâm báo chí TP Hồ Chí Minh.

Từ ngày 1/1/2012 – 7/10/2022, dưới sự chỉ đạo của Trương Mỹ Lan, các lãnh đạo chủ chốt và nhân viên tại SCB, lãnh đạo các công ty trong hệ sinh thái VTP đã tạo dựng hồ sơ các khoản vay “khống” do các công ty “ma” và cá nhân được thuê đứng tên vay và được SCB giải ngân 2.527 khoản vay, tổng số tiền 1.066.608 tỷ đồng. Đến ngày 17/10/2022, vẫn còn 1.284 khoản vay với tổng dư nợ 677.286 tỷ đồng, không có khả năng thu hồi.

Để che giấu các hành vi sai phạm nghiêm trọng, SCB không bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt, Trương Mỹ Lan chỉ đạo thuộc cấp là Võ Tấn Hoàng Văn đem tiền mua chuộc cán bộ đoàn thanh tra, lãnh đạo cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng (TTGSNH) thuộc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), lãnh đạo NHNN chi nhánh TP Hồ Chí Minh.

Đặc biệt, bị cáo Đỗ Thị Nhàn (SN 1966, nguyên Vụ trưởng Vụ Thanh tra giám sát các tổ chức tín dụng Cơ quan TTGSNH thuộc NHNN) nhận hối lộ với số tiền lên tới 5,2 triệu USD.

Bị cáo Trương Huệ Vân (cháu ruột Trương Mỹ Lan) bị đề nghị mức án nghiêm khắc. Ảnh: Trung tâm báo chí TP Hồ Chí Minh.
Bị cáo Trương Huệ Vân (cháu ruột Trương Mỹ Lan) bị đề nghị mức án nghiêm khắc. Ảnh: Trung tâm báo chí TP Hồ Chí Minh.

Trong quá trình xét xử, bị cáo Trương Mỹ Lan khai báo quanh co, không không thừa nhận hành vi phạm tội, vì vậy đại diện Viện KSND nêu quan điểm cần xử nghiêm bằng cách loại bỏ bị cáo ra khỏi đời sống xã hội.

Đối với nhóm bị cáo Đinh Văn Thành (nguyên Chủ tịch HĐQT SCB, đã bỏ trốn), Bùi Anh Dũng (nguyên Chủ tịch HĐQT SCB), Võ Tấn Hoàng Văn, (nguyên Tổng Giám đốc SCB), Tạ Chiêu Trung (nguyên thành viên HĐQT SCB, cả 4 đều bị xét xử tội tham ô tài sản)… đã giúp sức tích cực bằng cách lập hồ sơ để Trương Mỹ Lan vay vốn “khống”, chiếm đoạt tiền của SCB, gây thiệt hại với số tiền đặc biệt lớn. Vì vậy, đại diện Viện KSND đề nghị mức hình phạt cách ly vĩnh viễn ra khỏi đời sống xã hội.

Đối với bị cáo Đỗ Thị Nhàn, nhận hối lộ 5,2 triệu USD từ Võ Tấn Hoàng Văn theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan, nên đã báo cáo không trung thực, không đầy đủ kết quả thanh tra; điều chỉnh kế hoạch thanh tra không đúng chỉ đạo của Chính phủ nhằm làm theo hướng có lợi cho SCB; trong phần kiến nghị còn đề xuất tiếp tục tạo điều kiện cho SCB tiếp tục tái cơ cấu… và không đưa SCB vào diện kiểm soát đặc biệt.

Bị cáo Đỗ Thị Nhàn, bị đề nghị cách ly vĩnh viễn ra khỏi đời sống xã hội để răn đe. Ảnh: Trung tâm báo chí TP Hồ Chí Minh. 
Bị cáo Đỗ Thị Nhàn, bị đề nghị cách ly vĩnh viễn ra khỏi đời sống xã hội để răn đe. Ảnh: Trung tâm báo chí TP Hồ Chí Minh. 

Đại diện Viện KSND nhận định, bị cáo Nhàn là Trưởng đoàn thanh tra, đã nhận hối lộ của Trương Mỹ Lan thông qua Võ Tấn Hoàng Văn số tiền 5,2 triệu USD và quà cho những thành viên trong đoàn thanh tra để bao che sai phạm của SCB. Dù bị cáo Nhàn đã nộp lại toàn bộ số tiền nhận hối lộ, nhưng hành vi của bị cáo gây bức xúc trong Nhân dân, xét thấy cần có mức hình phạt nghiêm khắc. Do đó cần cách ly vĩnh viễn bị cáo Nhàn ra khỏi đời sống xã hội để răn đe.

Đối với bị cáo Chu Lập Cơ (SN 1956, chồng bị cáo Trương Mỹ Lan) đã có hành vi giúp sức cho vợ gây thiệt hại cho SCB hơn 9.116 tỷ đồng; và bị cáo Trương Huệ Vân (SN 1988, cháu ruột bị cáo Lan) giúp sức tích cực cho bị cáo Lan chiếm đoạt 1.088 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra và xét xử, bị cáo Cơ và Vân ăn năn hối cải, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra để làm rõ bản chất vụ án, tác động người thân khắc phục hậu quả, có nhiều đóng góp cho các công tác xã hội, nên đại diện Viện KSND đề nghị có mức án nghiêm khắc.