Việt Nam bị mã độc tấn công ngân hàng nhiều nhất khu vực

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo báo cáo của Kaspersky, Việt Nam là quốc gia có số lượng mã độc tấn công vào các ứng dụng ngân hàng trên di động nhiều nhất Đông Nam Á.

Nghiên cứu cho thấy, mặc dù mã độc di động nhắm vào thiết bị di động trên toàn cầu đã giảm đi trong năm 2021, nhưng chúng ngày càng tinh vi hơn cả về chức năng và hướng tấn công.

Việt Nam bị mã độc tấn công ngân hàng nhiều nhất khu vực
Việt Nam bị mã độc tấn công ngân hàng nhiều nhất khu vực

Đặc biệt theo báo cáo của Kapersky, số lượng mã độc tấn công tại Việt Nam gia tăng trong năm 2021. Riêng mã độc tấn công ứng dụng ngân hàng trên di động, Việt Nam đứng đầu khu vực với 697 cuộc tấn công được phát hiện, tăng 131 vụ so với năm 2020.

Công ty bảo mật đã phát hiện và ngăn chặn tổng cộng 66.586 cuộc tấn công trên thiết bị di động nhắm vào người dùng tại Việt Nam, cao hơn 46,9% so với năm 2020. Trong đó, trojan là mối đe dọa phổ biến nhất.

Trong khi Việt Nam và Thái Lan chứng kiến sự gia tăng về số lượng các cuộc tấn công bằng phần mềm độc hại, các quốc gia Đông Nam Á khác lại giảm về số lượng cuộc tấn công nhắm vào người dùng di động.

Cụ thể, số lượng các cuộc tấn công tại Indonesia đã giảm 0,9%, tại Malaysia giảm 30,59%, tại Philippines giảm 38,85% và tại Singapore giảm 15,85%. Số lượng các cuộc tấn công tại Thái Lan tăng cao nhất 130,71% và Việt Nam tăng gần 46,9%.

Tuy nhiên nếu xét về số lượng, Indonesia là quốc gia có số lượng mã độc di động cao nhất với 375.547 cuộc tấn công được phát hiện. Đây cũng là năm thứ ba quốc gia này đứng đầu Đông Nam Á kể từ 2019.

Ông Yeo Siang Tiong, Tổng Giám đốc Kaspersky khu vực Đông Nam Á nhận định, dù có thể xem là một tín hiệu tích cực, nhưng người dùng không nên lơ là. Theo một nghiên cứu khác từ Kaspersky, chi phí phát sinh do vi phạm dữ liệu vào năm 2021 đã tăng lên mức trung bình 105.000 USD cho mỗi một doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Chuyên gia Kaspersky cũng khuyến nghị người dùng chỉ tải xuống ứng dụng từ các nguồn chính thức, sử dụng ứng dụng từ các nhà phát triển uy tín. Đặc biệt, thận trọng với các ứng dụng thanh toán và không cấp quyền truy cập cho ứng dụng mà chúng không thật sự cần để hoạt động; Sử dụng phần mềm chống virus tin cậy và cập nhật thường xuyên…