Việt Nam cam kết hỗ trợ bà Trần Tố Nga sau khi tòa án Pháp bác bỏ vụ kiện da cam

Tú Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phía Việt Nam ủng hộ các nạn nhân chất độc màu da cam yêu cầu trách nhiệm pháp lý đối với các công ty hóa chất và sản xuất thương mại chất độc da cam dioxin của Hoa Kỳ trong cuộc chiến tranh tại Việt Nam.

 Bà Trần Tố Nga. Ảnh: Hội Collectif Vietnam-Dioxine.
Tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 13/5 diễn ra theo hình thức trực tuyến, phóng viên đã đặt câu hỏi về quan điểm của Việt Nam trước việc một tòa án Pháp bác bỏ vụ kiện của bà Trần Tố Nga - một người Pháp gốc Việt khởi kiện chống lại 14 công ty hóa chất cung cấp chất độc da cam cho quân đội Hoa Kỳ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam.
Về vấn đề này, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định, Việt Nam lấy làm tiếc về phán quyết của tòa án Pháp. Việt Nam phải chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh, trong đó có tác động lâu dài và nghiêm trọng của chất độc da cam dioxin.
"Chúng tôi ủng hộ các nạn nhân chất độc màu da cam yêu cầu trách nhiệm pháp lý đối với các công ty hóa chất và sản xuất thương mại chất độc da cam dioxin của Hoa Kỳ trong cuộc chiến tranh tại Việt Nam", bà Lê Thị Thu Hằng nói. 
Đồng thời bà Lê Thị Thu Hằng khẳng định, phía Việt Nam cho rằng các công ty này phải có trách nhiệm khắc phục những hậu quả của chất độc da cam dioxin đã gây ra tại Việt Nam.
"Thời gian qua Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp đã giữ liên lạc trao đổi, động viên bà Trần Tố Nga, sẵn sàng hỗ trợ phù hợp", Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết thêm. 
Tòa đại hình Evry của Pháp ngày 10/5 đã bác bỏ vụ kiện lịch sử của bà Trần Tố Nga với một số công ty hóa chất đã cung cấp chất độc da cam cho quân đội Hoa Kỳ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam.
Vụ kiện mang tính bước ngoặt, được đệ trình vào năm 2014, theo đó bà Trần Tố Nga, 79 tuổi đã đệ đơn kiện 14 công ty, bao gồm các công ty đa quốc gia Dow Chemical và Monsanto, hiện thuộc sở hữu của tập đoàn khổng lồ Bayer của Đức.
Bà Trần Tố Nga xác nhận với Reuters rằng vụ kiện đã bị bác bỏ, đồng thời cho biết thêm rằng sẽ kháng cáo lại phán quyết. Trong khi đó, hãng tin AFP cho biết, Tòa Evry khẳng định họ không có thẩm quyền xét xử một vụ án liên quan đến các hành động trong thời chiến của Chính phủ Hoa Kỳ. Các công ty bị kiện đã hành động do yêu cầu của Chính phủ Hoa Kỳ, một pháp nhân "có chủ quyền".

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần