Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Việt Nam cần chủ động đón cơ hội từ cách mạng công nghiệp 4.0

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhằm đánh giá tác động của cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) đến đời sống kinh tế - xã hội, cũng như từng tổ chức, DN, đồng thời thảo luận cách thức đón đầu những xu thế này đã được các chuyên gia, nhà quản lý chỉ ra tại Diễn đàn CMCN 4.0 do Bộ Công Thương tổ chức ngày 11/4.

Thực tế cho thấy, cuộc CMCN lần thứ 4 đang xóa nhòa khoảng cách giữa thế giới thực với thế giới ảo thông qua các công nghệ tiên tiến, sự đổi mới, sáng tạo không ngừng. Nếu trước đây, phải mất gần một thế kỷ để chuyển từ cuộc cách mạng công nghiệp cũ sang cuộc CMCN mới, thì cuộc CMCN 4.0 này xuất hiện chỉ sau cuộc cách mạng công nghiệp 3.0 chưa đầy nửa thế kỷ. Hơn thế nữa, mức độ ảnh hưởng, lan tỏa của cuộc cách mạng này diễn ra trên quy mô toàn cầu, với tốc độ nhanh hơn những gì đã xảy ra từ trước đến nay, và dự báo sẽ làm thay đổi toàn bộ hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị trên toàn thế giới.
Các diễn giả đang trao đổi tại Diễn đàn. Ảnh: Khắc Kiên
Cơ hội cần nắm bắt
Theo đại diện Bộ Công Thương, Cuộc CMCN lần thứ 4 đang trong giai đoạn khởi phát, là cơ hội quý báu mà Việt Nam phải nhanh chóng đón bắt để tranh thủ đẩy nhanh tiến trình CNH-HĐH và sớm thực hiện được mục tiêu trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Tuy nhiên, nếu không định hướng được rõ ràng mục tiêu, cách thức tiếp cận và tham gia thông qua chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới giáo dục, phát triển KHCN phù hợp thì sức ép đặt ra cho Việt Nam bởi cuộc CMCN lần thứ 4 là rất lớn.
“CMCN lần thứ 4 đang xóa nhòa khoảng cách giữa thế giới thực với thế giới ảo thông qua các công nghệ tiên tiến, sự đổi mới, sáng tạo không ngừng. Tầm ảnh hưởng của cuộc cách mạng này bao trùm tất cả lĩnh vực kinh tế - xã hội, đến DN và các địa phương” - đại diện Bộ Công Thương khẳng định. Đồng thời cho rằng, nếu định hướng rõ ràng mục tiêu và cách thức tiếp cận, CMCN lần thứ 4 sẽ là cơ hội quý báu cho Việt Nam phát triển mạnh mẽ.
Trong khi đó, ông Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho hay, CMCN 4.0 đang tạo ra những thách thức liên quan đến các chi phí điều chỉnh trong ngắn đến trung hạn do tác động không đồng đều của nó đến các ngành. Trong từng ngành, sự tăng trưởng nhanh của nhiều DN tạo ra những công nghệ mới, đồng thời cũng thu hẹp và đào thải các DN lạc nhịp công nghệ. Đối với Việt Nam, trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam có lợi thế về địa lý và nguồn lao động trẻ, dồi dào, nhưng cách mạng 4.0 sẽ làm thay đổi điều đó, suy giảm lợi thế này.
Do vậy, Việt Nam cần một cách tiếp cận độc đáo, khác biệt và khả thi để tận dụng cơ hội từ CMCN 4.0, bứt phá phát triển. “CMCN 4.0 là cuộc cách mạng của phát hiện vấn đề và nhu cầu, của toàn dân và của các DN siêu nhỏ. Việt Nam muốn đón nhận được thì phải đi trước một bước. Ngoài việc nâng cao giáo dục - đào tạo, nhân lực số, kết cấu hạ tầng thì thể chế của Việt Nam cũng cần tăng khuyến khích, thúc đẩy sáng tạo và lấy DN làm trung tâm” - ông Thiên nói.
Bước đi thu hẹp khoảng cách
Theo bà Louise Chamberlain - Giám đốc Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) Việt Nam, CMCN 4.0 là một trong những bước đi hữu ích và nhanh nhất để thu hẹp khoảng cách kiến thức về các nút thắt mà các ngành, tiểu ngành và DN của Việt Nam phải đối mặt để nâng cao năng suất và khả năng cạnh tranh. Việc thực hiện nhanh chóng và quyết liệt các hành động này - cùng với cải cách thể chế và khả năng của người dân Việt Nam để tận dụng các cơ hội mà CMCN lần thứ 4 tạo ra. Liên Hợp quốc tại Việt Nam sẵn sàng hợp tác với Việt Nam trong việc theo đuổi các bước này. Bởi, chủ đề CMCN lần thứ 4 luôn nhận được sự quan tâm lớn từ Liên Hợp quốc và các cơ quan chuyên môn liên quan bởi nó đại diện cho cả các cơ hội căn bản cho sự phát triển nhanh chóng của con người và cả những thách thức lớn, ví dụ như sự gia tăng bất bình đẳng giữa các quốc gia.
Chia sẻ về vấn đề tái cơ cấu ngành Công Thương trong bối cảnh CMCN lần thứ 4, ông Trần Việt Hòa - Phó Vụ trưởng, Vụ KHCN (Bộ Công Thương) cho biết, cuộc cách mạng này sẽ tạo ra một nền sản xuất công nghiệp có tính cạnh tranh cao, duy trì tăng trưởng và phát triển dựa trên nền tảng tri thức và ứng dụng mạnh mẽ của khoa học công nghệ cao.
Bên cạnh đó, không gian công nghiệp ngày càng trở nên linh hoạt trong khi yếu tố định vị công nghiệp truyền thống sẽ giảm dần vai trò. Ông Trần Việt Hòa cho biết thêm, ngành Công Thương cần tái cơ cấu theo hướng dịch chuyển sang ngành công nghệ cao, sản xuất sản phẩm giá trị gia tăng cao; đổi mới, ứng dụng công nghệ tiên tiến và nâng cao kỹ năng người lao động; tập trung vào đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước; và xuất khẩu các sản phẩm có giá trị gia tăng cao.