Việt Nam cần chuẩn bị cho "Đổi mới lần 2"

Thủy Tiên - Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Dịch bệnh có thể làm phá sản các kế hoạch tham vọng của những nước phát triển nhưng cũng có thế đưa một nước đang phát triển vượt lên nếu có chiến lược hành động đúng đắn.

Chiều 3/11, Quốc hội tiếp tục phiên thảo luận về kinh tế xã hội, ngân sách nhà nước, đầu tư công, tài chính quốc gia, cơ cấu lại nền kinh tế...
Xây dựng những kế hoạch, đề án khả thi trong điều kiện “bình thường mới”
Góp ý kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) bày tỏ: Chúng ta đã có những khát vọng phát triển được lượng hóa với những mục tiêu: Đến năm 2025 là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; Đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; Đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Có người gọi là đây là Đổi mới lần 2 để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, gia nhập đội ngũ các nước phát triển. Vì vậy, giai đoạn 5 năm, 10 năm tới sẽ là thời gian quyết định liệu đất nước có cất cánh, có đạt được trình độ cần thiết và thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình hay không.
 Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM). 
"Nếu như loay hoay không cất cánh được hoặc cất cánh mà không đủ tốc độ, cao độ thì sau 10 năm, Việt Nam sẽ khó duy trì được tăng trưởng" – đại biểu Nghĩa nhận định. Để chuẩn bị cho giai đoạn tới, đại biểu Nghĩa cho rằng Chính phủ phải giải quyết hàng loạt bài toán về tăng trưởng, tài chính ngân sách, bảo vệ chủ quyền, nhà nước pháp quyền và đảm bảo quyền cũng như huy động sức dân. Trong đó, một yếu tố quan trọng là Việt Nam phải xây dựng những kế hoạch, đề án khả thi trong điều kiện "giai đoạn bình thường mới" đang diễn ra.
Đơn cử trong lĩnh vực du lịch, Nhật Bản đã đầu tư xét nghiệm Covid-19 tại sân bay cho 10.000 người, họ tiến tới mở cửa lại. Với Việt Nam, chúng ta phải làm thế nào để khôi phục du lịch, bởi du lịch ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực khác… Về xuất khẩu, đại biểu Nghĩa đề nghị không đặt mục tiêu như giai đoạn trước vì nhu cầu tiêu thụ, nhu cầu khách hàng đã thay đổi. Với thị trường trong nước, đại biểu nói cần có giải pháp khai thác tốt thị trường nội địa.
“Trên mỗi phương diện, chúng ta không thể xây dựng kế hoạch như cũ, phương thức thực hiện cũng không thể như trước. Tuy nhiên, vấn đề này chưa thể hiện rõ trong kế hoạch 5 năm tới. Dịch bệnh có thể làm phá sản các kế hoạch tham vọng của những nước phát triển nhưng cũng có thế đưa một nước đang phát triển vượt lên nếu có chiến lược hành động đúng đắn” - đại biểu Nghĩa chia sẻ.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng trong giai đoạn tới đây Việt Nam phải đón đầu tăng trưởng, phát triển nhanh, bền vững và tự chủ.
Cần ưu tiên mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô
Đại biểu Vũ Tiến Lộc (tỉnh Thái Bình) điểm lại một số điểm sáng trong nhiệm kỳ vừa qua. Chính phủ đã tập trung cải cách thể chế, cắt giảm 50% đến 60% thủ tục hành chính, kiểm tra chuyên ngành. Đẩy mạnh thực hiện Chính phủ kiến tạo, xây dựng Chính phủ điện tử.
 Đại biểu Vũ Tiến Lộc (tỉnh Thái Bình).
Việt Nam đã lên “đường cao tốc” hội nhập với thế giới, thúc đẩy cải cách trong nước. Trong đại dịch Covid-19, tính ưu việt của thể chế chính trị và năng lực cạnh tranh cốt lõi của Việt Nam lại được tỏa sáng. Việt Nam đã trở thành là điểm đến hàng đầu cho cộng đồng DN nước ngoài trong xây dựng chuỗi cung ứng có trách nhiệm và an toàn.
“Đại sứ Nhật Bản nói với tôi trong 30 doanh nghiệp Nhật Bản chuyển dịch cơ sở sản xuất thì có 15 doanh nghiệp lựa chọn Việt Nam” – đại biểu Vũ Tiến Lộc cho biết và cho rằng chúng ta đang đón làn sóng đầu tư nước ngoài rất lớn, đặc biệt vào công nghiệp hỗ trợ, đòi hỏi phải nhanh chóng có hành lang pháp lý đầy đủ từ luật đến các văn bản dưới luật. Nếu không tận dụng được cơ hội này, thì dù thu hút thêm hàng chục, hàng trăm tỷ USD thì Việt Nam vẫn không thoát khỏi là địa điểm gia công, không vượt qua được bẫy thu nhập trung bình.
Mặc dù đã trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 ASEAN, song đại biểu Vũ Tiến Lộc cho rằng những mục tiêu tăng trưởng trong giai đoạn 2021-2025 đòi hỏi rất nhiều nỗ lực. Với diễn biến phức tạp, khó đoán định hiện nay, Chính phủ cần ưu tiên mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô là nền tảng cho mọi kế hoạch phát triển, bệ đỡ cho mọi khát vọng vươn lên.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần