Đó là chia sẻ của Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanhh Hải với báo Kinh tế & Đô thị.
Ông đánh giá như thế nào về quy mô, năng lực của các DN logistics Việt Nam khi tham gia vào sân chơi EVFTA?
- Với thị trường có quy mô rộng lớn cũng như tốc độ tăng trưởng lên đến 24% như khu vực EU, thì đây là cơ hội hết sức to lớn cho cả DN xuất nhập khẩu và DN logistics. Tuy nhiên, trong hoạt động logistics, sự tương quan giữa các DN Việt Nam và EU chưa được phù hợp.
Bên cạnh đó, DN logistics Việt Nam sẽ có những sự cạnh tranh trong nội bộ cũng như cạnh tranh từ phía nước ngoài. Khi các tập đoàn lớn của EU đầu tư vào và hoạt động tại thị trường Việt Nam thì sự cạnh tranh ngày càng lớn.
Đáng nói, các DN dịch vụ logistics của Việt Nam phần lớn ở quy mô nhỏ và vừa, tính chuyên nghiệp chưa cao, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được thực tiễn phát triển, dẫn đến chi phí dịch vụ logistics của Việt Nam cao hơn so với các nước.
DN logistics Việt Nam cần làm gì để nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ logistics, phục vụ tốt hơn cho nhu cầu giao thương xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU, đồng thời giữ được vị trí lợi thế sân nhà trong quá trình thực thi EVFTA, thưa ông?
- Để đón đầu cơ hội cũng như giảm được những thách thức mà EVFTA mang lại, trước hết, các DN logistics Việt Nam kết nối để trở thành đối tác của những công ty lớn trong EU, hoặc liên kết để tham gia vào chuỗi cung ứng của họ. Bởi khi liên doanh, liên kết với các đối tác nước ngoài, DN Việt Nam có thể học hỏi rất nhiều từ công nghệ hiện đại của họ cũng như sự tiên tiến trong vận hành.
Muốn làm được điều này, các DN cần chuẩn bị rất nhiều nguồn lực như: Tài chính, cơ sở vật chất (kho, trạm giao nhận, xe vận tải nhỏ) để phục vụ thị trường nội địa, tiếp cận công nghệ hiện đại để đưa vào vận hành. Cùng với đó là chú trọng đào tạo nguồn nhân lực trong ngành nhằm đón đầu cơ hội tiếp cận các DN nước ngoài.
Đáng lưu ý, các DN không nên chỉ ở trong nước đợi cơ hội đến mà cần chủ động tìm những đối tác để hợp tác bằng cách đặt văn phòng đại diện ở châu Âu để tiếp cận trực tiếp với nguồn hàng.
Phải chăng chúng ta đang thiếu những “sếu đầu đàn” trong lĩnh vực dịch vụ logistics?
- Đúng vậy. Do đó, chúng ta cần tạo ra được các “sếu đầu đàn” trong lĩnh vực dịch vụ logistics. Khi “sếu đầu đàn” mạnh sẽ kéo cả ngành đi lên, bởi không DN nào có thể tự tin là cung cấp được toàn bộ một chuỗi dịch vụ từ A đến Z. Cần phải nói thêm, trong bối cảnh có nhiều DN logistics tham gia vào thị trường Việt Nam, DN nào dựa được vào công nghệ, ứng dụng công nghệ tốt sẽ là những DN có khả năng vượt trội, tăng sức cạnh tranh và vươn xa hơn. DN phải nhận biết được vị trí của mình để phấn đấu và vươn lên.
Tôi nói ví dụ như Bee Logistics, DN này vươn ra thị trường nước ngoài từng bước đi hợp lý, thông qua việc liên kết với các DN sở tại của EU, hoặc từng bước từ vai trò đại lý DN nâng cấp, mở rộng dịch vụ của mình.
Vậy, theo ông đâu là giải pháp giúp giảm chi phí logistics cho các DN Việt Nam?
- Có thể nói đây là giải pháp chiến lược mang tầm quốc gia. Về lâu dài, Việt Nam sẽ phát triển trung tâm logistics tại các cảng lớn để đảm bảo được lượng tàu vào, ra phù hợp.
Về phía Bộ Công Thương sẽ tham mưu Chính phủ có những chính sách phát triển logistics phù hợp. Tuy nhiên, DN cũng phải tự thân vận động để có những cải tiến phù hợp với yêu cầu hiện nay. Chẳng hạn như đầu tư mua công nghệ và các phần mềm đáp ứng được nhu cầu mà công ty logistics của nước ngoài khi họ đầu tư vào Việt Nam, cũng như cần chuẩn hóa, tự động hóa các khâu.
Ông có thể cho biết cụ thể hơn về Chiến lược phát triển dịch cụ logistics?
- Sắp tới Bộ Công Thương sẽ triển khai xây dựng Chiến lược phát triển dịch vụ logistics với tầm vóc dài hạn hơn so với kế hoạch hành động trước đây, đặt nền móng hỗ trợ cho các DN logistics Việt Nam để đồng hành với các DN xuất nhập khẩu vươn ra thị trường thế giới tốt hơn nữa.
Mặt khác, Chính phủ sẽ có những chính sách đòn bẩy về tín dụng để hỗ trợ vốn cho DN, cắt giảm các thủ tục hành chính làm tăng chi phí thời gian, tài chính của DN bằng cách điện tử hóa các thủ tục hành chính…
Xin trân trọng cảm ơn ông!